Tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên, biên tập viên làm việc

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 90)

Điều kiện làm việc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công việc. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên, biên tập viên thể hiện ở nhiều góc độ: trang bị tốt về cơ sở vật chất tác nghiệp, cơ chế lương bổng phù hợp và thưởng phạt rõ ràng…

Báo chí ra đời và phát triển luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Báo mạng điện tử ra đời trên cơ sở tiền đề là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các công cụ hỗ trợ trong tác nghiệp của loại hình

báo chí này cũng gắn chặt với công nghệ thông tin, với hệ thống mạng internet. Vì thế, muốn phóng viên tác nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả, phát huy cao nhất tính sáng tạo thì tòa soạn cần trang bị công cụ hỗ trợ hiện đại. Ngoài máy ảnh, máy ghi âm như báo in, phóng viên báo mạng điện tử luôn cần máy tính xách tay, công cụ hỗ trợ kết nối internet di động để trong trường hợp cần làm tin nóng, họ có thể chủ động chuyển tin bài cho biên tập viên một cách nhanh chóng nhất. Làm tin tại hiện trường vừa giúp cho tin có tính thời sự cao, vừa giúp cho phóng viên đỡ bị áp lực căng thẳng vì sợ làm tin muộn so với báo bạn, chất lượng thông tin vì thế sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, tòa soạn cũng cần đảm bảo thu nhập cho phóng viên yên tâm làm việc. Thực tế cho thấy, các tòa soạn báo mạng điện tử hiện nay trả lương, nhuận bút thấp hơn báo in, thu nhập của phóng viên báo mạng điện tử nhìn chung thấp hơn các loại hình báo chí khác. Điều này phần lớn do nguồn thu của báo mạng điện tử khá hạn chế. Trong khi báo in có nguồn thu từ bán báo, từ quảng cáo và nhiều hoạt động khác thì tin trên báo mạng điện tử cung cấp miễn phí cho độc giả, quảng cáo trên báo mạng điện tử cũng không được các doanh nghiệp quan tâm như với báo in, dù giá rẻ hơn. Về các hoạt động xã hội ngoài báo chí như tổ chức các cuộc thi, các sự kiện.., báo mạng điện tử cũng không tham gia tích cực như các báo in. Nguồn thu không cao trong khi số lượng tin bài lớn nên đương nhiên khả năng trả lương, nhuận bút cho phóng viên của các báo mạng điện tử khá hạn chế. Điều này làm cho tâm lý phóng viên không ổn định và thiếu tập trung khi làm việc, thái độ với công việc cũng thiếu nghiêm túc và thiếu cẩn trọng, hiệu quả thông tin vì thế cũng hạn chế. Đây đang là một thách thức đối với các báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, ngay cả khi đời sống phóng viên còn nhiều khó khăn thì trách nhiệm với công việc vẫn cần được đề cao. Vì thế, tòa soạn cần có cơ chế

thưởng phạt rõ ràng, thưởng với những người viết tin hay, hấp dẫn và phạt đối với những trường hợp với tin ẩu, tin sai. Với quy chế thưởng phạt rõ ràng, phóng viên, biên tập viên sẽ ý thức hơn, cẩn trọng hơn trong khi tác nghiệp.

Tiểu kết chương 3:

Trong chương 3 này, chúng tôi đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, các tòa soạn báo cần nâng cao hơn ý thức của phóng viên, biên tập viên trong việc sử dụng ngôn ngữ khi viết tin.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt của những người làm báo mạng điện tử, trong đó có sự tham gia của các đại học trong việc tăng cường các môn học về ngôn ngữ trong chương trình giảng dạy. Các tòa soạn cũng nên đặt khả năng sử dụng ngôn ngữ thành một trong những tiêu chí quan trọng khi tuyển dụng nhân lực đồng thời mở các lớp bồi dưỡng cho nhân viên của mình. Bên cạnh đó, sự tự trau dồi vốn ngôn ngữ cho mình của phóng viên cũng hết sức quan trọng.

Không chỉ cần bổ sung vốn kiến thức ngôn ngữ, các phóng viên, biên tập viên cần nâng cao kiến thức về báo mạng điện tử để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và phù hợp với đặc thù của loại hình báo chí này.

Thứ ba, trong quá trình làm việc, phóng viên và biên tập viên cần có sự phối hợp chặt chẽ để thông tin được lên trang nhanh nhất, chính xác nhất, hấp dẫn nhất.

Kết luận

Qua các kết quả nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn trên, chúng tôi đưa ra các kết luận sau.

Thứ nhất, nghiên cứu về ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay là một vấn đề cấp thiết vì đây là đề tài còn bỏ ngỏ, trong khi đó, báo mạng điện tử đang ngày càng thu hút lượng độc giả đông đảo hơn. Tin là thể loại chiếm tới 80% các tác phẩm báo chí trên loại hình báo chí này. Việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ thể loại tin sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thông tin.

Thứ hai, nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử có nhiều điểm riêng so với ngôn ngữ tin trên các loại hình báo chí khác.

Nếu như trên báo in, tin có sự khác biệt khá rõ về hình thức so với bài (tin thường không phân đoạn, không có sapô, thậm chí không có tít, và đa phần không có ảnh) thì trên báo mạng điện tử, tin là một bài thu nhỏ. Tin vẫn có đầy đủ các thành tố như tít, sapô, text và ảnh. Đây là một lợi thế do sự không giới hạn diện tích của báo mạng điện tử mang lại.

Sapô là một trong những điểm khác cơ bản trong cấu trúc tin giữa báo in và báo mạng điện tử. Hầu như các tin trên báo mạng điện tử đều có sapô. Tuy nhiên, nhiều tòa soạn hiện vẫn sử dụng đồng nhất giữa sapô và shortlead, người đọc theo đó phải đọc lại hai lần đoạn thông tin này.

Tin trên báo in được trình bày gọn trong một hoặc vài ba đoạn thì tin trên báo mạng điện tử luôn có sapô và được tách thành nhiều đoạn nhỏ, giữa các đoạn có khoảng trống rộng. Điều này giúp cho việc đọc tin dễ dàng hơn. Ở đây, những người làm báo mạng điện tử đã lợi dụng lợi thế của mình là sự

không hạn chế về diện tích để khắc phục nhược điểm là người đọc dễ bị nhức mắt do đọc thông tin trên mạng.

Một đặc điểm khác là tin trên báo mạng điện tử yêu cầu rất cao về đặt tít, viết sapô do giữa các thành tố tít, sapô và text có tính độc lập cao. Nếu như tin trên báo in có sự đồng hiện của cả phần tít và text thì trên báo mạng điện tử, các thành phần này chủ yếu là tách rời và chỉ đồng hiện ở trang trong. Vì thế, tít tin hay sapô đều phải có vai trò như một tin độc lập đặc biệt cô đọng, chuyển tải được thông tin, nhưng đồng thời vẫn phải có sức thu hút người đọc nhấp chuột vào trang trong.

Cũng do yêu cầu này nên tít tin trên báo mạng điện tử thường có các thành tố phụ để làm cụ thể hóa thông tin, có tính biểu cảm để tăng sự hấp dẫn với độc giả. Tít tin của loại hình báo chí này do đó cũng dài hơn tít tin trên báo in.

Sự kéo dài tít tin trên báo mạng điện tử còn nhằm lợi dụng khả năng siêu liên kết của internet, tăng khả năng va đập từ khi cộng đồng mạng sử dụng các công cụ tìm kiếm, trên cơ sở, cơ hội đến với bạn đọc của bài báo sẽ tăng lên.

Thứ ba, ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử cũng mang đặc trưng tin là mang tính thông báo. Tít tin phần lớn là một câu với đầy đủ chủ vị, chuyển tải một thông tin trọn vẹn. Sapô tin cũng nhằm cung cấp thêm thông tin cho độc giả với hai loại chủ yếu là tóm lược sự kiện cơ bản hoặc nêu bật một chi tiết hấp dẫn nhất của sự kiện. Ngôn ngữ tin ngắn gọn, cô đọng, phần text thường dùng câu đơn với lối nói chủ động để độc giả dễ theo dõi.

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là do có tính độc lập cao giữa các thành tố tít, sapô và text nên ngôn ngữ trên báo mạng điện tử không chỉ có tính thông báo mà còn thông báo cụ thể. Đặc điểm này thể hiện cả ở tít, sapô và text của tin. Tít báo mạng điện tử thường xuất hiện các thành tố phụ để làm

rõ hơn nội dung thông tin. Sapô thường là câu ghép để chuyển tải được nhiều thông tin hơn và luôn có cụm từ chỉ thời gian xảy ra sự kiện. Phần text không chỉ dừng lại ở thông tin cơ bản về sự kiện mà còn có các chi tiết cụ thể, hoặc bổ sung thông tin nền.

Không chỉ có tính cụ thể hơn so với tin trên báo in, ngôn ngữ tin trên báo mạng điện tử cũng mang tính biểu cảm cao hơn. Trong khi tin trên các báo in chủ yếu thuần túy nêu sự kiện thì tin trên báo điện tử xuất hiện nhiều hơn các tính từ, động từ, đặc biệt là tính từ, động từ mạnh, các câu từ mang tính chất miêu tả hoặc mang tính chất bình luận, đánh giá của người viết như “kinh hoàng”, “siết”, “hoảng loạn”, “giật mình”, “rùng rợn”… Các từ này được thể hiện rất rõ ở tít tin. Đây cũng là một trong những phương thức để tăng sức hấp dẫn của tin với độc giả, khi người đọc chỉ đọc tít chứ không liếc mắt được vào phần thân tin như báo in.

Chính tính cụ thể, biểu cảm này nên dung lượng tin trên báo mạng dài hơn tin báo in. Trung bình, số tiếng của tít tin trên báo mạng điện tử là 9,9 tiếng mỗi tít, ở báo giấy là 9,1 tiếng; dung lượng text trên báo mạng điện tử là 364,7 tiếng mỗi tin, con số này ở báo in là 210 tiếng. Tin trên báo mạng điện tử còn có sapô dài trung bình 30,7 tiếng còn tin trên báo in không có sapô. Như vậy, có thể thấy, tổng dung lượng một tin trên báo mạng điện tử là 405,3 tiếng, dài gấp 1,84 lần dung lượng tin ở báo giấy (219,9 tiếng).

Theo ông Lê Nghiêm, Trưởng ban Nhân dân điện tử của Báo Nhân dân thì tin sâu với độ dài khoảng 400 – 600 chữ là một lợi thế của báo mạng điện tử. Khi đó, người làm báo có thể vừa cung cấp thông tin sự kiện, vừa có yếu tố phỏng vấn, vừa có thể có bình luận, thông tin nền…

Tuy dung lượng dài nhưng tin trên báo mạng điện tử lại được trình bày theo các modul, nghĩa là tách thành từng đoạn ngắn rời nhau, cấu trúc theo hình tháp ngược, thông tin quan trọng ở trên, thông tin kém quan trọng hơn ở

phía dưới. Vì thế, người đọc vẫn dễ dàng tiếp nhận thông tin cơ bản của sự kiện và có thể bỏ phần thông tin bổ sung ở phía dưới nếu họ không nhiều thời gian.

Một đặc điểm phải kể đến của ngôn ngữ tin trên báo mạng điện tử là sự xuất hiện của nhóm từ ngữ chỉ thời gian đặc biệt phong phú. Với lợi thế về khả năng cập nhật thông tin liên tục, yếu tố thời gian của tin không chỉ tính theo ngày mà theo giờ, phút.

Tính thời sự của tin trên báo mạng điện tử là một lợi thế mà có lẽ không loại hình báo chí nào hiện nay có thể cạnh tranh được. Song đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sự xuất hiện của các sai sót trên báo mạng điện tử nhiều hơn trên các loại hình báo chí khác. Do phải cập nhật thông tin nhanh nên phóng viên, biên tập viên chịu áp lực về mặt thời gian, dẫn tới việc biên tập chưa được cẩn thận, còn sai sót khi bài báo lên trang. Các lỗi phổ biến nhất là lỗi chính tả, tiếp đó là các lỗi về ngữ pháp, từ ngữ và logic câu.

Điều này một phần do năng lực ngôn ngữ của phóng viên, biên tập viên còn hạn chế. Vì thế, nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên phải đồng thời với việc nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho họ là việc cần phải tiến hành ngay. Bên cạnh đó, việc bổ sung kiến thức về báo mạng điện tử cho họ cũng hết sức cần thiết do đây là loại hình báo chí non trẻ.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, việc chau dồi kiến thức ngôn ngữ và báo mạng điện tử của các nhà báo cần phải được thực hiện từ nhà trường. Những kiến thức có được khi học dưới hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ không thể bài bản và căn cơ như khi được đào tạo trong chương trình chính khóa ở các trường đại học.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Anh (2003), Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Lao động, Hà Nội.

2. Hoàng Anh (2008), Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb ĐH QGHN , Hà Nội.

3. Phan Anh (2007), Báo điện tử: vừa chạy vừa xếp hàng, Tạp chí Người làm báo, tháng 11/2007.

4. Hoàng Anh (2007), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đề tài khoa học cấp bộ.

5. Đức Dũng (1992), Ký báo chí, Nxb Thông tin, Hà Nội.

6. Đức Dũng (2004), Viết báo như thế nào?, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 7. Đức Dũng (2004), 100 câu hỏi về cách viết báo, Nxb Lý luận chính trị, Hà

Nội.

8. Nguyễn Thị Trường Giang (2005), Tài liệu môn học Nhập môn báo mạng điện tử.

9. Nguyễn Thị Trường Giang, Xu hướng phát triển của báo mạng điện tử Việt Nam, http://songtre.vn ngày 4/8/2010.

10. Cẩm Hà (2007), Săn tin chỉ cần đừng ngại, Tạp chí Người làm báo, số tháng 3/2007.

11. Nguyễn Thu Giang, Công chúng Hà Nội với việc đọc báo in và báo điện tử, Luận văn thạc sĩ, Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN.

12. Trần Dzĩ Hạ (2005), Thuật làm báo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 13. Vũ Quang Hào (2004), Ngôn ngữ báo chí, Nxb ĐH QGHN, Hà Nội.

14. Nguyễn Sỹ Hoàng (2001), Báo chí phát hành trên mạng, suy nghĩ về một cái tên, Tạp chí Người làm báo, số 3/2001.

15. Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Đài tiếng nói Việt Nam (2002), Báo phát thanh, Nxb Văn hóa – Thông tin.

16. Đỗ Quang Hưng (2005), Lịch sử báo chí Việt Nam 1965-1945, Nxb ĐH QGHN, Hà Nội.

17. Nguyễn Hưng, Báo mạng là “sở hữu tập thể”, Tạp chí Tia sáng tháng 11/2007.

18. Hà Thu Hương (2002), Đặc điểm công chúng độc giả báo internet Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

19. Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN) (2005), Thể loại báo chí, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, TP.HCM. 20. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí năm 1989

21. Vũ Thị Ngọc Mai (2001), Đầu đề tác phẩm báo chí thể thao trên trang nhất, Luận văn thạc sĩ, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

22. Hoàng Lê Minh và nhóm cộng sự, 2005, Nghề phóng viên, Nxb Lao động, Hà Nội.

23. Lê Quốc Minh, Giật tít cho báo điện tử,

http://www.vietnamjournalism.com, ngày 29/10/2004.

24. Lê Quốc Minh, Đặt tít ngắn, http://www.vietnamjournalism.com, ngày 14/1/2005.

25. Lê Quốc Minh, BBC đặt tít dài để nổi hơn trên Google, http://www.vietnamjournalism.com, ngày 27/11/2009

26. Trần Thị Thu Nga (2001), Đầu đề tác phẩm báo chí, Luận văn thạc sĩ, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

27. Trần Thị Thu Nga (2007), Đầu đề tác phẩm báo chí trên báo in Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

28. Lê Nghiêm (2007), Báo điện tử - thời cơ và thách thức, Tạp chí Người làm báo, số tháng 11/2007.

29. Lê Nghiêm (2007), Cạnh tranh thông tin giữa các báo điện tử, Tạp chí Người làm báo, số tháng 3/2007.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)