Khái luận về tít và tít tin trên báo mạng điện tử

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 38)

Tít báo hay còn được gọi là tiêu đề, đầu đề, nhan đề… của bài báo. Tít là thuật ngữ mượn từ tiếng Anh (title) và tiếng Pháp (titre). Mặc dù không phải là từ gốc tiếng Việt nhưng tít đã trở thành khái niệm rất quen thuộc trong đời sống báo chí, trở thành một thuật ngữ chuyên ngành.

Nếu các từ tiêu đề, đầu đề, nhan đề có thể được dùng cho nhiều lĩnh vực như văn học (nhan đề của tác phẩm, tiêu đề của một bài thơ), xuất bản sách (nhan đề, tiêu đề của sách), âm nhạc (tiêu đề bài hát), đầu đề bài tập… thì nói tới tít, người ta hiểu ngay đó là tít báo. Nói cách khác, tít đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt chỉ tiêu đề của một bài báo.

Hơn nữa, “thuật ngữ này còn có khả năng phái sinh cao, (…) tiện lợi cho việc gọi tên các khái niệm phái sinh từ khái niệm gốc (ví dụ: tít chính, tít phụ, tít dẫn…) và tiện lợi cho việc gọi tên các thao tác xử lý tít (ví dụ: rút tít, đặt tít, chạy tít)” [13, 154].

Tít có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tác phẩm báo chí. Theo Lô-íc Éc-vu-ê, “đặt đầu đề cho bài báo là việc làm có tính chất quyết định số phận của bài báo. Bài báo rất hay nhưng đầu đề dở thì có thể làm mất ít nhất một nửa số độc giả. Đầu đề quan trọng đến nỗi trước đây, một vài tờ báo Pháp có cả người chuyên đặt tiêu đề (…). Đó là những biên tập viên mà nhiệm vụ duy nhất là nghĩ ra các đầu đề thu hút độc giả. Thậm chí còn có cả một giải thưởng, giải Louis Rameit, dành cho đầu đề hay nhất trong năm” [49, 71].

Theo tác giả Vũ Quang Hào, tít được đánh giá có vai trò quan trọng vì nó có chức năng đặc biệt. Ngoài chức năng chung của báo chí thì “do chỗ tít

là phần tồn tại tương đối độc lập với bài nên có những chức năng riêng, đặc thù: chức năng định danh thông tin” [13, 158]. Tác giả Trần Thị Thu Nga bổ sung thêm hai chức danh cho tít là chức danh thông tin và quảng cáo [24, 18- 23].

Để thực hiện được các chức năng trên, tít báo phải đảm bảo các yếu tố như ngắn gọn, hấp dẫn, dễ hiểu, chứa đựng thông tin cốt lõi…

Về dạng tít, nhà báo Lô-íc Éc-vu-ê cho rằng, có ba dạng cơ bản là đầu đề thông báo, đầu đề kích thích và đầu đề hỗn hợp – hòa hợp của hai loại đầu đề thông báo và kích thích [49, 72-76].

Về cấu trúc của tít, tác giả Vũ Thị Ngọc Mai trong nghiên cứu của mình về tít báo có chỉ ra các dạng kết cấu tít cơ bản sau: tít báo có cấu trúc một từ, tít báo có cấu trúc một ngữ (có 4 loại ngữ: danh ngữ, tính ngữ, động ngữ và trạng ngữ), tít có cấu trúc một câu (câu đơn hoặc câu ghép), tít là một cấu trúc cố định, tít là một kết cấu đặc biệt [21, 34 – 47].

Kế thừa những nền tảng lý luận trên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tít thể loại tin trên hai báo mạng điện tử là Vietnamnet và Vnexpress. Nghiên cứu tít, chúng tôi tiếp cận theo các yếu tố: dung lượng từ ngữ, cấu trúc, đặc điểm từ ngữ.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)