Về dung lượng tít, theo khảo sát của chúng tôi, độ dài trung bình của tít tin trên Vietnamnet là 10,38 tiếng. Con số này ở Vnexpress là 9,3 tiếng.
Tiến hành so sánh dung lượng tít tin trên các báo mạng điện tử và báo giấy, chúng tôi thu được kết quả sau:
Bảng 2.2: Kết quả khảo sát dung lượng tít tin trên báo mạng điện tử và báo giấy.
Báo Báo mạng điện tử Báo giấy
Số tiếng/tít 9,9 9,1
Tổng số tít khảo sát 815 608
Ở bảng 1, ta thấy báo mạng điện tử sử dụng câu ghép nhiều gấp hơn 4 lần báo in. Có tới 25% số tít tin trên báo mạng điện tử có thành tố phụ. Vì thế, việc dung lượng tít tin trên báo mạng điện tử dài hơn tít tin trên báo in là dễ hiểu.
Có thể tham khảo một vài ví dụ để thấy sự khác biệt về dung lượng cũng như ngôn ngữ tít báo trên hai loại hình báo chí. Chẳng hạn, tin trên Tuổi trẻ TP HCM ngày 29/4/2010 có tít: “Bắt một đối tượng khủng bố”. Cùng thông tin này, trước đó, ngày 28/4/2010, báo Vietnamnet đưa: “Bắt giữ kẻ xâm nhập Việt Nam hoạt động khủng bố”. Ngày 27/7, Tuổi trẻ giật tít chỉ với 5 tiếng: “Tạm ngưng mở ngành mới”, tít trên Vietnamnet dài gấp đôi, lên tới 10 tiếng: “Quốc hội ra tay, Bộ ‘treo’ đơn xin mở ngành đào tạo” – Vietnamnet ngày 26/4/2010.
Theo các tác giả trong cuốn “Các thủ thuật làm báo điện tử” thì “khó có thể có một cái tít tiếng Việt cực ngắn mà lại diễn tả đủ nội dung bài, nhưng độ dài chừng 50 ký tự là mức hoàn toàn có thể đạt được” [38, 43]. Dung lượng 50 ký tự sẽ tương đương với khoảng 11- 12 tiếng. Như vậy, dung lượng các tít trên báo mạng điện tử Vietnamnet và Vnexpress, so với tiêu chuẩn của các nhà nghiên cứu đưa ra, là ở mức bình thường.
Tuy nhiên, việc đặt tít dài trên báo mạng điện tử không hẳn chỉ vì tít cần chuyển tải nội dung thông tin tương đối đầy đủ, hấp dẫn, đảm bảo khả năng có thể đứng độc lập. Có thể thấy, đặt tít dài đang là xu hướng của báo mạng điện tử hiện nay, thậm chí, trong nhiều trường hợp, người ta đặt hai tít cho cùng một bài báo: một tít dài và một tít ngắn. Tít dài là tít bài ở trang trong, tít ngắn đưa ra trang ngoài vì diện tích trang ngoài chật hẹp hơn.
Một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này là báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam. Tít không được quá ngắn, nếu phóng viên đặt tít ngắn sẽ bị ban biên tập trả lại bài để chỉnh sửa, kéo dài tít ra 48 – 50 ký tự, tương đương với khoảng 10 - 12 chữ. Theo Tổng biên tập Lê Quốc Minh, qua nghiên cứu quá trình truy cập vào trang báo của độc giả, có tới 30% lượt truy cập vào báo từ các công cụ tìm kiếm chứ không phải trực tiếp từ trang chủ. Tít dài, nhiều từ khác nhau sẽ tăng khả năng va chạm từ khi người lướt web sử dụng công cụ tìm kiếm, cơ hội được đọc của bài báo vì thế sẽ tăng lên. Chẳng hạn, thay vì đặt tít là “Tuyên dương thủ khoa đại học”, nếu kéo dài thêm “Tuyên dương thủ khoa đầu vào đại học năm 2010”, cơ hội được đọc của bài báo sẽ tăng gấp đôi vì ngoài các từ “tuyên dương”, “thủ khoa”, “đại học”, tít bài này cũng có thể hiện ra khi tra cứu các từ “đầu vào”, “năm 2010”. Đối với các tin bài hấp dẫn được đưa ra cột phải của trang chủ, tít ở trang ngoài sẽ cô đọng còn khoảng 4 chữ.
BBC, một trong những tờ báo hàng đầu thế giới, cũng đã quyết định yêu cầu phóng viên phải kéo dài tít. Cụ thể, “kể từ ngày 20/11/2009, các bài báo trên trang tin tức của BBC sẽ có tiêu đề dài hơn nhằm giúp người đọc dễ tìm thấy trên các cỗ máy tìm kiếm” vì “khoảng gần 29% lượng truy cập của BBC News đến từ các cỗ máy tìm kiếm (…). Mỗi bài sẽ có 2 tiêu đề, một tiêu đề với khoảng từ 31 đến 33 ký tự sẽ được dùng trên trang chủ hay trên trang dành cho điện thoại di động và một tiêu đề khác với độ dài lên tới 55 ký tự sẽ được dùng bên trong bài viết và xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Việc tùy biến để “nổi hơn” trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến đã trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của các báo điện tử từ vài năm qua. Ngày càng nhiều độc giả tìm đến các trang tin thông qua dịch vụ tổng hợp tin tức của Google News hay thông qua những đường link (liên kết) mà người dùng gửi cho nhau trên các mạng xã hội, email, Twitter hay dịch vụ đọc tin RSS. (…) Tùy biến theo công cụ tìm kiếm có nghĩa là đưa nội dung trở nên dễ tiếp cận nhất đối với độc giả và đó cũng chính là công việc quan trọng của BBC News” [23].
Như vậy, có thể thấy, tít dài đang là một xu hướng và là một đặc trưng của báo mạng điện tử nhằm tận dụng và phát huy tối đa một trong những đặc điểm nổi bật nhất của loại hình báo chí này là khả năng tìm kiếm thông tin và tích trữ dữ liệu.
Nhận xét về ngôn ngữ tít tin báo mạng điện tử
Qua các kết quả khảo sát, phân tích trên, có thể nhận thấy tít tin trên báo mạng điện tử có các đặc điểm ngôn ngữ sau:
Thứ nhất, ngôn ngữ chủ yếu của tít tin là ngôn ngữ thông báo. Điều này được thể hiện ở việc đa số các tít tin là một câu hoàn chỉnh, có thể là câu đơn
hoặc câu ghép, thông báo một thông tin trọn vẹn về nội dung sự kiện. Tít tin vì thế có tính thông tin cao.
Thứ hai, ngôn ngữ tít có tính biểu cảm cao. Sự xuất hiện của yếu tố biểu cảm trong ngôn ngữ tin không hề mâu thuẫn với tính thông báo mà nó bổ sung cho tính thông báo, giúp tít sinh động và hấp dẫn hơn.
Thứ ba, trong ngôn ngữ tít tin có sự xuất hiện của các thành tố phụ. Các thành tố này tạo độ dư cho thông tin, góp phần làm cụ thể hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Thứ tư, hai đặc điểm trên giúp cho tít tin vừa mang một thông tin trọn vẹn, vừa sinh động hấp dẫn. Vì thế, tít tin hoàn toàn có thể đứng độc lập như một loại tin đặc biệt cô đọng. Tính độc lập được thể hiện ở chỗ tít có khả năng đứng tách rời hoàn toàn với nội dung tin nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn độc giả. Đây cũng là lý do tít tin trên báo mạng điện tử thường dài hơn tít tin trên báo giấy. Trên báo giấy, do có sự đồng hiện của cả tít và phần thân tin, dung lượng tin ngắn nên người đọc có thể lướt mắt đã nắm được toàn bộ nội dung tin, vì thế, trong tít tin không cần có các thành tố phụ.
Thứ năm, việc đặt tít dài đang là một xu hướng của báo mạng điện tử hiện nay. Tít dài, số lượng từ trên tít nhiều hơn sẽ tăng khả năng va chạm từ khi cư dân mạng sử dụng các công cụ tìm kiếm, cơ hội được đọc của bài báo vì thế cũng nhiều hơn.
2.2. Sapô của thể loại tin trên báo mạng điện tử
2.2.1. Khái luận về sapô
Sapô còn được gọi bằng các thuật ngữ khác là lời dẫn, phần mào đầu, lead… Trong luận văn này, chúng tôi tạm dùng khái niệm sapô.
Bài báo được mở đầu bằng tít, tiếp đó là lời dẫn, hay còn gọi là sapô. “Sapô là từ được Việt hóa từ tiếng Pháp (chapeau), có nghĩa là ‘cái mũ’. Quả
thực, sapo có phần nào đó giống như cái mũ của bài báo: nó nằm ở phía trên và tạo cho bài báo sự chỉn chu khi xuất hiện trước công chúng”[2, 46].
Cũng giống như khái niệm tít, sapô từ chỗ là một từ vay mượn đã trở thành một thuật ngữ chuyên ngành của báo chí Việt Nam, chỉ phần lời dẫn, đứng sau tít và thường được in đậm hoặc in nghiêng, nghĩa là có sự khác biệt về hình thức so với chữ ở phần nội dung bài báo.
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về thuật ngữ này, nhưng do đây không phải là vấn đề nghiên cứu của luận văn nên trong công trình này, chúng tôi dùng thuật ngữ sapô để chỉ phần lời dẫn của tin, được in đậm và đứng ở vị trí sau tít, trước phần text.
Sapô là một thành tố quan trọng trong một tác phẩm báo chí. Theo tác giả Line Ross trong cuốn “Nghệ thuật thông tin”, sapô “là hạt nhân của tin tức, bản thân nó là thành phần cơ bản của thông tin báo chí” [51, 74]. Độc giả sau khi đọc tít sẽ đọc sapô trước khi đọc phần nội dung. Nhiệm vụ của sapô là nhằm lôi kéo độc giả, kích thích tình tò mò của họ, khiến người đọc sau khi đã đọc sapô sẽ không thể bỏ qua phần nội dung. Vì thế, người ta cần viết mào đầu với một phong cách đặc biệt sinh động để tạo cho độc giả hứng thú đọc tiếp phần sau. Đồng thời, cũng phải đảm bảo rằng sapô sẽ thâu tóm được cái cốt nhất của bài báo, những độc giả khi không có nhiều thời gian sẽ chỉ cần độc sapô mà vẫn hiểu bài báo nói gì.
Còn theo ông Fabienne Gérault, Đại học Báo chí Lille, Pháp, sapô có các chức năng sau:
- Hoàn thiện tít, bằng cách nói rõ chủ đề bài báo và góc độ mà bạn lựa chọn xử lý. Giúp độc giả hình dung bài báo sẽ nói gì.
- Tóm tắt thông tin, bằng cách đưa ra thông tin chủ yếu nếu cần và phải dừng lại ở đó.
- Giải thích bài báo, bằng cách chỉ ra tại sao tác giả chọn viết về sự kiện hay hiện tượng này.
- Nêu rõ hoàn cảnh, đặc biệt với thể loại phỏng vấn, điều tra dài kỳ, bài viết về sự việc thời sự đã qua.
- Thông báo bố cục: đây là một cách phát triển thông điệp cốt lõi của bài báo mà tỏng tít đã nhắc đến. Rất cần thiết với những độc giả đọc nhanh, bởi cách này rõ ràng.
- Mời đọc: việc lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu rất quan trọng trong sapô. Nếu khô khan quá thì sẽ khiến độc giả nản lòng [55].
Theo tác giả Hoàng Anh, sapô có bốn chức năng cơ bản là: xác định chủ đề của bài báo, chứng minh tính thời sự, nêu những ý chính và thu hút sự chú ý của người đọc để họ đọc toàn bộ bài báo [2, 46 – 48].
Như vậy, có thể thấy, các ý kiến trên đều gặp nhau ở chỗ đều cho rằng sapô phải cung cấp thông tin cho độc giả, đồng thời phải kích thích họ đọc phần nội dung. Hai yêu cầu trên “có vẻ như mâu thuẫn nhau: cung cấp cho độc giả thông tin tổng hợp, đồng thời lại phải thúc đẩy họ muốn tìm hiểu nhiều thông tin hơn nữa, cho phép học chỉ đọc đến đó là đủ nhưng đồng thời lại thúc đẩy họ đọc hết bài báo” [51, 77].
Để thực hiện được các nhiệm vụ này, theo tác giả Line Ross, sapô trước tiên cần thể hiện được tính thời sự, cái mới của thông tin. “Ngay từ lúc viết mào đầu cần phải cho độc giả biết sự việc đó xảy ra hôm qua hay hôm nay” [51, 85]. Tiếp đó, nó phải nêu được nội dung chính yếu của thông tin.
Sapô là một văn bản hoàn chỉnh, có thể bao gồm một câu hoặc nhiều câu. Song độ quan trọng của lời mào đầu không phụ thuộc vào độ dài của nó. Trong báo chí hiện đại, lời mào đầu thường có xu hướng càng ngắn gọn càng tốt.
Về các loại sapô, theo The Missouri Group trong cuốn Nhà báo hiện đại, có 5 loại sapô cơ bản là: Mở đầu đích danh (dùng khi thông tin liên quan tới một nhân vật có tiếng tăm), mở đầu ẩn danh (khi tên tuổi của cá nhân, tập thể hay tổ chức có liên quan đến câu chuyện không được quen biết nhiều trong giới bạn đọc), mở đầu tóm tắt, mở đầu phức hợp và mở đầu gay cấn [56, 167 – 173].
Còn theo Fabienne Gérault, sapô được chia làm hai loại cơ bản là sapô có tính thông tin và sapô khơi gợi hoặc chứa đựng ít nhiều cả hai yếu tố, giống như tít. Trong đó, “sapô có tính thông tin trả lời một cách đầy đủ nhất có thể được cho các câu hỏi tham khảo, nhắc lại góc độ của bài báo bằng cách làm rõ nó. Đó là sapô - vua đối với các nhật báo, báo ra định kỳ, báo của các cơ quan thể chế hoặc doanh nghiệp. Đây là loại sapô giản dị, trung lập, nghiêm túc.
Với sapô có tính khơi gợi, các sự việc đôi khi được coi là đã được biết đến. Sapô ở đây đưa ra ý tưởng chung của bài báo, góc độ và giọng điệu của bài báo. Thích hợp với phóng sự, chân dung, một số thể loại phỏng vấn và bài tổng hợp viết cho các tạp chí” [55].
Với Line Ross, sapô có hai kiểu cơ bản là sapô tổng hợp và sapô chọn lọc. Trong đó, sapô tổng hợp thông tin tổng quan về sự kiện, sapô chọn lọc chọn một chi tiết hấp dẫn nhất. Các kiểu mào đầu khác đều bắt đầu từ hai kiểu cổ điển trên.
Tuy nhiên, dù là kiểu sapô nào thì theo Line Ross, về nội dung, “khi chuẩn bị mào đầu, người ta tự hỏi đâu là cái mới nhất, gần nhất, bất ngờ nhất, bất thường nhất…? Điều gì là quan trọng nhất, thực sự có giá trị nhất? Điều gì hấp dẫn nhất đối với công chúng quen thuộc của tờ báo? Những yếu tố giành được những chỉ số cao nhất theo ba giá trị trên sẽ là những điều mà người ta cần phải tìm thấy ngay từ phần đầu của tin tức” [51, 83].
Về hình thức, sapô phải được viết súc tích, chính xác, rõ ràng, dùng câu ngắn. Thông tin chủ chốt được đưa lên trên theo nguyên tắc sắp xếp: nội dung chủ chốt của tin tức nằm trong mào đầu, nội dung chủ chốt của mào đầu nằm trong câu đầu tiên và nội dung chủ chốt của câu đầu tiên nằm trong phần đầu của câu đó. Các thông tin chính phải được trình bày trong mệnh đề chính hoặc độc lập.
Và với các yêu cầu đó của sapô, Line Ross cho rằng, “tất cả các bài báo đều có một cách vào đề nổi bật” nhưng “chỉ có tin tức là có một mào đầu theo đúng nghĩa, nghĩa là một sự mở đầu tuân thủ các nguyên tắc đặc thù” [53, 79].
2.2.2. Sapô trên báo mạng điện tử
Báo mạng điện tử, như đã phân tích ở trên, có tính độc lập cao giữa các thành tố tít, sapô, text do sự đồng hiện chỉ xuất hiện ở trang trong. Vì thế, sapô, đối với đa số các báo mạng điện tử Việt Nam, trong vai trò đồng thời là lời dẫn xuất hiện cùng với tít ở trang ngoài rất cần thiết để cùng với tít làm rõ thông tin, đồng thời thu hút công chúng đọc toàn bộ nội dung tin ở trang trong.
Ở trang trong, sự xuất hiện của sapô vẫn là cần thiết dù lúc này, báo mạng điện tử cũng đã có được tính đồng hiện như báo in. Điều này do tin trên báo mạng điện tử thường dài hơn. Hơn nữa, việc đọc trên màn hình máy tính dễ gây mỏi mắt nên sapô, thường được in đậm, sẽ là một cách để tránh sự đơn điệu của màn hình và thu hút sự chú ý của độc giả, nhất là khi có nhiều nghiên cứu cho thấy, độc giả báo mạng điện tử chỉ đọc lướt là chủ yếu 1
.
1 “Jakob Nielsen, một nhà nghiên cứu về vấn đề sử dụng web, đã xem xét tỉ mỉ, chi tiết trước khi đi đến kết luận rằng độc giả web không hề đọc mà chỉ ‘lướt mắt’. Một nguyên nhân thường được dẫn ra là người ta đọc báo khi có thể gác hẳn công việc sang một bên (không ít các ông cho rằng đọc báo khi nhâm nhi cà phêsáng