chương trình đào tạo nhân lực báo chí
Theo PGS.TS. Hoàng Anh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngôn ngữ là vũ khí đặc biệt quan tọng của nhà báo. Một người không giỏi về sử dụng ngôn ngữ thì không thể trở thành nhà báo giỏi. Và để giỏi, người làm báo cần được đào tạo một cách bài bản về ngôn ngữ.
Vì thế, nhất thiết phải đưa vào chương trình môn “Cơ sở ngôn ngữ học”. Đây là môn học trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về lý luận ngôn ngữ, giúp họ xác định được vai trò, chức năng và ý nghĩa của ngôn ngữ
(nhất là tiếng mẹ đẻ) trong đời sống nói chung và trong nghề nghiệp của họ nói riêng; đồng thời, có được căn cứ vững chắc để lý giải một cách khoa học nhiều tình huống liên quan đến thực tiễn sử dụng ngôn ngữ sau này.
Đặc biệt, môn Cơ sở ngôn ngữ học sẽ là nền móng không thể thiếu để để các học viên dựa vào khi phải tiếp cận và chiếm lĩnh kiến thức của các môn thiên về thực hành ngôn ngữ như Tiếng Việt thực hành, Ngôn ngữ báo chí, Biên tập văn bản báo chí.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng môn Ngôn ngữ báo chí. Như chúng ta đều biết, ngôn ngữ báo chí hiện nay bao gồm nhiều mảng (tuỳ thuộc vào loại hình báo chí): Ngôn ngữ báo in, ngôn ngữ phát thanh, ngôn ngữ truyền hình, ngôn ngữ báo mạng điện tử; rồi trong mỗi loại hình lại có rất nhiều thể loại (phóng sự, tin, bình luận, phỏng vấn ,...) với những đặc điểm riêng về ngôn ngữ cần được khảo sát.
Ngoài ra, các môn học về ngôn ngữ nên được sắp xếp theo trình tự như sau trong quá trình đào tạo: Cơ sở ngôn ngữ học, Tiếng Việt thực hành, Ngôn ngữ báo chí, Biên tập văn bản báo chí. Đây có lẽ là sự phân bố khoa học hơn cả: đi từ lý luận đến thực tiễn, từ phổ quát đến chuyên biệt, thể hiện được mức độ tiếp cận ngày càng sâu hơn của học viên đối với lĩnh vực nghiệp vụ của mình.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm trên. Một cơ sở kiến thức nền tảng vững chắc sẽ giúp người làm báo vận dụng ngôn ngữ vừa linh hoạt, vừa chính xác.
Bên cạnh việc bổ sung dung lượng kiến thức về ngôn ngữ thì việc tăng cường các kiến thức về báo mạng điện tử cho sinh viên cũng là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Có thể thấy, các loại hình báo chí khác như báo in, phát thanh, truyền hình đều đã có lịch sử phát triển nhiều chục năm, như báo in là cả trăm năm, nhưng báo mạng điện tử thì hết sức mới mẻ. Đây là loại hình báo chí trẻ nhất và mới xuất hiện ở nước ta được hơn 10 năm, trong đó, khoảng thời gian báo mạng điện tử thực sự được công chúng quan tâm chỉ chưa đầy mười năm. Vì thế, những công trình nghiên cứu về báo mạng điện tử hiện nay chưa nhiều và chưa mang tính hệ thống.
Báo mạng điện tử đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường đại học có chuyên ngành báo chí, thậm chí có thể được thành lập một chuyên ngành hẹp riêng như ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học ĐH KHXH&NV có bộ môn Báo chí trực tuyến, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khá nhanh nhạy khi đã kịp thành lập riêng một lớp có chuyên ngành Báo mạng điện tử. Tuy nhiên, tài liệu giảng dạy và học tập vẫn còn ít.
Thiếu tài liệu mang tính học thuật chính thống từ các trường, tài liệu tham khảo nói chung về báo mạng điện tử cũng tương đối ít. Hiện chúng ta mới chỉ có cuốn “Các thủ thuật làm báo mạng điện tử” của Nhà xuất bản Thông tấn in năm 2006 là sách tham khảo chuyên sâu về loại hình báo chí này.
Không chỉ thiếu tài liệu, chúng ta còn thiếu cả giảng viên chuyên về báo mạng điện tử. Số giảng viên thực sự hiểu về lý luận cũng như kiến thức thực tế trong tác nghiệp của báo mạng điện tử khá hạn chế. Một số giảng viên mang tính kiêm nhiệm, nghĩa là dạy một môn khác và dạy luôn môn báo mạng điện tử. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giảng viên trong quá trình giảng dạy cho lớp Báo mạng điện tử đã cố gắng gắn bài giảng với loại hình báo chí này. Chẳng hạn, dạy về thể loại phỏng vấn thì sẽ chỉ cho sinh
viên sự khác biệt giữa phỏng vấn trên báo mạng và báo in. Tuy nhiên, do sự am hiểu về báo mạng điện tử của chính giảng viên cũng còn hạn chế nên quá trình truyền thụ chưa được như mong đợi. Do đó, hiệu quả đào tạo người làm báo về báo mạng điện tử một cách bài bản chưa cao.
Vì thế, để nâng cao hiệu quả đào tạo phóng viên báo mạng điện tử, các trường đại học có chuyên ngành này cần tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu, từ đó xây dựng nền tảng cho hoạt động giảng dạy một cách bài bản và khoa học. Nhà trường là nơi đầu tiên cung cấp các kiến thức chuyên ngành cho phóng viên, vì thế, những kiến thức đó cần được chuẩn hóa ngay từ đầu. Nên tránh tình trạng sinh viên học hết khóa học nhưng vẫn không định hình được những điểm khác biệt giữa báo mạng điện tử và các loại hình báo chí khác hoặc có những nhận thức rất chung chung.