Khái luận về sapô

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 49)

Sapô còn được gọi bằng các thuật ngữ khác là lời dẫn, phần mào đầu, lead… Trong luận văn này, chúng tôi tạm dùng khái niệm sapô.

Bài báo được mở đầu bằng tít, tiếp đó là lời dẫn, hay còn gọi là sapô. “Sapô là từ được Việt hóa từ tiếng Pháp (chapeau), có nghĩa là ‘cái mũ’. Quả

thực, sapo có phần nào đó giống như cái mũ của bài báo: nó nằm ở phía trên và tạo cho bài báo sự chỉn chu khi xuất hiện trước công chúng”[2, 46].

Cũng giống như khái niệm tít, sapô từ chỗ là một từ vay mượn đã trở thành một thuật ngữ chuyên ngành của báo chí Việt Nam, chỉ phần lời dẫn, đứng sau tít và thường được in đậm hoặc in nghiêng, nghĩa là có sự khác biệt về hình thức so với chữ ở phần nội dung bài báo.

Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về thuật ngữ này, nhưng do đây không phải là vấn đề nghiên cứu của luận văn nên trong công trình này, chúng tôi dùng thuật ngữ sapô để chỉ phần lời dẫn của tin, được in đậm và đứng ở vị trí sau tít, trước phần text.

Sapô là một thành tố quan trọng trong một tác phẩm báo chí. Theo tác giả Line Ross trong cuốn “Nghệ thuật thông tin”, sapô “là hạt nhân của tin tức, bản thân nó là thành phần cơ bản của thông tin báo chí” [51, 74]. Độc giả sau khi đọc tít sẽ đọc sapô trước khi đọc phần nội dung. Nhiệm vụ của sapô là nhằm lôi kéo độc giả, kích thích tình tò mò của họ, khiến người đọc sau khi đã đọc sapô sẽ không thể bỏ qua phần nội dung. Vì thế, người ta cần viết mào đầu với một phong cách đặc biệt sinh động để tạo cho độc giả hứng thú đọc tiếp phần sau. Đồng thời, cũng phải đảm bảo rằng sapô sẽ thâu tóm được cái cốt nhất của bài báo, những độc giả khi không có nhiều thời gian sẽ chỉ cần độc sapô mà vẫn hiểu bài báo nói gì.

Còn theo ông Fabienne Gérault, Đại học Báo chí Lille, Pháp, sapô có các chức năng sau:

- Hoàn thiện tít, bằng cách nói rõ chủ đề bài báo và góc độ mà bạn lựa chọn xử lý. Giúp độc giả hình dung bài báo sẽ nói gì.

- Tóm tắt thông tin, bằng cách đưa ra thông tin chủ yếu nếu cần và phải dừng lại ở đó.

- Giải thích bài báo, bằng cách chỉ ra tại sao tác giả chọn viết về sự kiện hay hiện tượng này.

- Nêu rõ hoàn cảnh, đặc biệt với thể loại phỏng vấn, điều tra dài kỳ, bài viết về sự việc thời sự đã qua.

- Thông báo bố cục: đây là một cách phát triển thông điệp cốt lõi của bài báo mà tỏng tít đã nhắc đến. Rất cần thiết với những độc giả đọc nhanh, bởi cách này rõ ràng.

- Mời đọc: việc lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu rất quan trọng trong sapô. Nếu khô khan quá thì sẽ khiến độc giả nản lòng [55].

Theo tác giả Hoàng Anh, sapô có bốn chức năng cơ bản là: xác định chủ đề của bài báo, chứng minh tính thời sự, nêu những ý chính và thu hút sự chú ý của người đọc để họ đọc toàn bộ bài báo [2, 46 – 48].

Như vậy, có thể thấy, các ý kiến trên đều gặp nhau ở chỗ đều cho rằng sapô phải cung cấp thông tin cho độc giả, đồng thời phải kích thích họ đọc phần nội dung. Hai yêu cầu trên “có vẻ như mâu thuẫn nhau: cung cấp cho độc giả thông tin tổng hợp, đồng thời lại phải thúc đẩy họ muốn tìm hiểu nhiều thông tin hơn nữa, cho phép học chỉ đọc đến đó là đủ nhưng đồng thời lại thúc đẩy họ đọc hết bài báo” [51, 77].

Để thực hiện được các nhiệm vụ này, theo tác giả Line Ross, sapô trước tiên cần thể hiện được tính thời sự, cái mới của thông tin. “Ngay từ lúc viết mào đầu cần phải cho độc giả biết sự việc đó xảy ra hôm qua hay hôm nay” [51, 85]. Tiếp đó, nó phải nêu được nội dung chính yếu của thông tin.

Sapô là một văn bản hoàn chỉnh, có thể bao gồm một câu hoặc nhiều câu. Song độ quan trọng của lời mào đầu không phụ thuộc vào độ dài của nó. Trong báo chí hiện đại, lời mào đầu thường có xu hướng càng ngắn gọn càng tốt.

Về các loại sapô, theo The Missouri Group trong cuốn Nhà báo hiện đại, có 5 loại sapô cơ bản là: Mở đầu đích danh (dùng khi thông tin liên quan tới một nhân vật có tiếng tăm), mở đầu ẩn danh (khi tên tuổi của cá nhân, tập thể hay tổ chức có liên quan đến câu chuyện không được quen biết nhiều trong giới bạn đọc), mở đầu tóm tắt, mở đầu phức hợp và mở đầu gay cấn [56, 167 – 173].

Còn theo Fabienne Gérault, sapô được chia làm hai loại cơ bản là sapô có tính thông tin và sapô khơi gợi hoặc chứa đựng ít nhiều cả hai yếu tố, giống như tít. Trong đó, “sapô có tính thông tin trả lời một cách đầy đủ nhất có thể được cho các câu hỏi tham khảo, nhắc lại góc độ của bài báo bằng cách làm rõ nó. Đó là sapô - vua đối với các nhật báo, báo ra định kỳ, báo của các cơ quan thể chế hoặc doanh nghiệp. Đây là loại sapô giản dị, trung lập, nghiêm túc.

Với sapô có tính khơi gợi, các sự việc đôi khi được coi là đã được biết đến. Sapô ở đây đưa ra ý tưởng chung của bài báo, góc độ và giọng điệu của bài báo. Thích hợp với phóng sự, chân dung, một số thể loại phỏng vấn và bài tổng hợp viết cho các tạp chí” [55].

Với Line Ross, sapô có hai kiểu cơ bản là sapô tổng hợp và sapô chọn lọc. Trong đó, sapô tổng hợp thông tin tổng quan về sự kiện, sapô chọn lọc chọn một chi tiết hấp dẫn nhất. Các kiểu mào đầu khác đều bắt đầu từ hai kiểu cổ điển trên.

Tuy nhiên, dù là kiểu sapô nào thì theo Line Ross, về nội dung, “khi chuẩn bị mào đầu, người ta tự hỏi đâu là cái mới nhất, gần nhất, bất ngờ nhất, bất thường nhất…? Điều gì là quan trọng nhất, thực sự có giá trị nhất? Điều gì hấp dẫn nhất đối với công chúng quen thuộc của tờ báo? Những yếu tố giành được những chỉ số cao nhất theo ba giá trị trên sẽ là những điều mà người ta cần phải tìm thấy ngay từ phần đầu của tin tức” [51, 83].

Về hình thức, sapô phải được viết súc tích, chính xác, rõ ràng, dùng câu ngắn. Thông tin chủ chốt được đưa lên trên theo nguyên tắc sắp xếp: nội dung chủ chốt của tin tức nằm trong mào đầu, nội dung chủ chốt của mào đầu nằm trong câu đầu tiên và nội dung chủ chốt của câu đầu tiên nằm trong phần đầu của câu đó. Các thông tin chính phải được trình bày trong mệnh đề chính hoặc độc lập.

Và với các yêu cầu đó của sapô, Line Ross cho rằng, “tất cả các bài báo đều có một cách vào đề nổi bật” nhưng “chỉ có tin tức là có một mào đầu theo đúng nghĩa, nghĩa là một sự mở đầu tuân thủ các nguyên tắc đặc thù” [53, 79].

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 49)