Sapô tin – đặc trưng riêng có của tin trên báo mạng điện tử

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 55)

Có thể thấy rằng, trên báo giấy, thường chỉ bài mới có sapô, các tin không có sapô, hoặc nói chính xác hơn là không có sự phân định sapô một cách rõ ràng. Nguyên nhân là do diện tích trên báo in hạn chế. Mặt khác, tính chất đồng hiện (hiển thị đồng thời tít và text) của báo in trong khi dung lượng tin trên báo in ngắn (điều này sẽ được nêu rõ ở phần sau) làm cho sự xuất hiện của sapô không thực sự cần thiết khi độc giả chỉ trong khoảng khắc đã có thể đọc qua toàn bộ tin và nắm nội dung.

Trong khi đó, hầu hết các tin trên báo mạng điện tử đều có sapô.

Nghiên cứu sapô của thể loại tin trên báo mạng điện tử, tác giả luận văn tiếp cận theo hai hướng là ngữ nghĩa và hình thức thể hiện.

2.2.4. Đặc điểm ngữ nghĩa của sapô thể loại tin trên báo mạng điện tử

2.2.4.1. Sapô thể hiện tính thời sự của thông tin

Tính thời sự là một trong những đặc trưng cơ bản của báo chí. Quy luật nghiệt ngã của báo chí là đời sống của nó rất ngắn ngủi. Một bài báo có thể tốn thời gian công sức của tác giả để nghiên cứu, tìm hiểu, thu thập, thẩm định thông tin từ ít phút đến vài ngày, thậm chí vài tháng đối với các bài điều tra, thường được viết trong vài giờ, được đọc trong vài phút và bị quên ngay trong vòng 24 giờ sau đó. Độc giả thường chỉ quan tâm đến những gì nóng hổi, nằm trong tâm điểm sự chú ý của công luận và có ảnh hưởng tới cuộc sống đang diễn ra của họ. Vì thế, ngay từ phần lời dẫn, cần nhấn mạnh tính thời sự của các thông tin sẽ được phản ánh trong bài viết.

Điều này thể hiện khá rõ ở sapô của tin trên báo mạng điện tử. Cụ thể, theo thống kê của chúng tôi, các cụm từ ngữ chỉ thời gian diễn ra sự kiện (ngày…, hôm qua, hôm nay, sáng nay, chiều nay, sẽ…) xuất hiện nhiều trên sapô của tin báo mạng điện tử. Trong tổng số 579 sapô được khảo sát, có 276 sapô có sự tham gia của nhóm từ này, chiếm 47,7%.

Nếu đời sống của thông tin báo in là 24 giờ thì đối với báo mạng điện tử, khi sự cập nhật thông tin được tính bằng giây và việc tin bài được đưa liên tục thì đời sống của tin càng ngắn ngủi hơn nữa. Chỉ cần đưa sau báo bạn một phút, tin của bạn đã là tin cũ, hay nói theo ngôn ngữ của những người làm nghề báo là “tin thiu”, nhất là tin về sự kiện, vấn đề đang được đông đảo bạn đọc quan tâm. Vì thế, nếu đối với báo in, các từ chỉ thời gian như “hôm qua” có tần suất xuất hiện nhiều thì ở báo mạng điện tử, trừ khi đó là tin hấp dẫn và

chưa có hoặc có ít báo đã đăng thì tòa soạn mới sử dụng vì tin hôm qua với báo mạng đã là “tin cũ”.

Đây chính là lý do vì sao ở sapô báo mạng điện tử, chúng ta thường gặp những từ ngữ chỉ thời điểm hiện tại như đang, vừa mới, hiện, hôm nay, sáng nay, trưa nay, chiều nay hoặc tương lai như sắp, sẽ… Thậm chí, thời gian cập nhật tới từng giờ từng phút như vào lúc 17 giờ 30 phút chiều nay...

Trong tổng số 276 sapô tin báo mạng điện tử có sự xuất hiện của các từ ngữ chỉ thời gian diễn ra sự kiện, chúng tôi đã phân nhỏ theo nhóm các sapô có chứa từ ngữ chỉ thời gian ở quá khứ - hôm qua, hiện tại – hôm nay (gồm các từ chỉ thời gian trong ngày như hiện/vẫn/đang/hôm nay/sáng nay/chiều nay/trưa nay), nhóm từ định tính (vừa/mới), nhóm chỉ thời gian tương lai (sắp, sẽ, tháng tới…) và nhóm chỉ thời gian cụ thể giờ, phút.

Kết quả chi tiết như sau:

Bảng 2.3: Kết quả khảo sát về sự xuất hiện của các từ ngữ chỉ thời gian trên sapô tin báo mạng điện tử Vietnamnet và Vnexpress.

Số lượng sapô Tỷ lệ % Hôm qua 63 22,8 Hôm nay 99 35,9 Tương lai 49 17,8 Nhóm định tính 55 19,9 Thời gian cụ thể 10 3,6 Tổng số 276 100

Qua bảng khảo sát trên, có thể nhận thấy, các cụm từ chỉ thời gian hiện tại và tương lai chiếm đa số trong các từ được sử dụng. Các tin “hôm qua” chỉ chiếm 22,8%. Điều này cho thấy, các sapô tin trên báo mạng điện tử luôn thể hiện cao tính thời sự của thông tin.

Một điều thú vị là các tiểu xảo của tòa soạn khi dùng các thủ thuật để tăng tính thời sự cho thông tin. Cách phổ biến là dùng các từ chỉ thời gian mang tính định lượng như “vừa”, “mới”, “mới đây”… Thay vì phải đưa là “hôm qua”, dùng các từ này không sai về nghĩa (người Việt vẫn dùng cụm từ “mới hôm qua”), đồng thời lại khiến độc giả nghĩ đây là tin mới (hôm nay) chứ không phải mới (hôm qua). Vì thế, vẫn đảm bảo được tính thời sự của thông tin.

Một cách khác là việc dùng ngày cụ thể. Chẳng hạn, thay vì ghi là “hôm qua”, báo Vietnamnet ngày 29/4/2010 viết “Sáng ngày 28/4, ngọn lửa tại Tràm chim Tam Nông lại một lần nữa bốc cao” (“Tràm chim vẫn chìm trong biển lửa)”, hoặc trên Vnexpress ngày 28/4/2010 viết sapô: “Ngày 27/4, tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên xử bị cao Lê Xuân Hải và Lê Hải về tội cưỡng đoạt tài sản” (“Lĩnh án tù vì tống tiền doanh nghiệp”)… Cách viết ngày tháng cụ thể này cũng tạo cho người đọc cảm giác là tin mới.

2.2.4.2. Sapô cung cấp thêm thông tin và thu hút công chúng

Không chỉ thể hiện tính thời sự, nội dung các sapô của tin trên báo mạng điện tử còn có vai trò cung cấp thêm thông tin cho độc giả, đồng thời thu hút công chúng đọc tiếp phần thân tin.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy các sapô tin trên báo mạng điện tử có hai dạng cơ bản là tóm lược thông tin hoặc miêu tả, tường thuật lại một phần sự kiện.

Ví dụ về sapô tóm lược thông tin:

- “Lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua đã tăng tới 2.000 bé mỗi ngày. Các khoa hô hấp, truyền nhiễm… luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2-3 cháu một giường” (“Trẻ ồ ạt nhập viện vì thời tiết thất thường”, Vnexpress ngày 25/4/2010),

- “Trong tổng số 4 lô hàng trang sức, xi mạ được nhập lậu từ Trung Quốc thì có tới 93% lượng hàng có chứa chất độc gây ung thư” (“TP.HCM thu hàng ngàn sản phẩm trang sức Trung Quốc gây ung thư”, Vietnamnet ngày 29/4/2010)…

Ví dụ về sapô miêu tả hoặc tường thuật lại một phần sự kiện:

- “Bị các ‘hiệp sĩ SBC’ bắt được khi đưa xe vừa trộm được đi tiêu thụ, tên đạo tặc đã nài nỉ xin ‘biếu’ các anh 100 triệu đồng để được tha bổng”

(“Trộm xin hối lộ ‘hiệp sĩ SBC’ 100 triệu đồng”, Vnexpress ngày 23/4/2010) - “Sinh con được 10 ngày, có người ngỏ ý muốn mua, Thúy đã nhẫn tâm bán đứa bé với giá 10 triệu đồng” (“Con được 10 ngày, mẹ đã đem bán”, Vietnamnet ngày 12/5/2010)…

Tuy có khác nhau về nội dung chuyển tải nhưng cả hai loại sapô trên đều nhằm làm rõ và phát triển nội dung thông tin được thể hiện trong tít, đồng thời tạo sức lôi kéo độc giả vào đọc trang trong, tức là đọc toàn bộ tin. Nói cách khác, hai loại sapô là hai cách tiếp cận độc giả khác nhau, tùy vào nội dung thông tin mà phóng viên có, để thu hút sự chú ý, tò mò, kích thích họ đọc tin.

Chính chức năng thông tin này đã giúp cho những sapô không thể hiện tính thời sự nhưng vẫn thu hút được độc giả.

Trong số 303 sapô không có từ ngữ chỉ thời gian diễn ra sự kiện (chiếm 52,3%), chủ yếu là các tin quốc tế, tin pháp luật và tin xã hội:

Bảng 2.4. Phân loại các sapô không có từ ngữ chỉ thời gian diễn ra sự kiện Số lượng sapô Tỷ lệ (%) Tin quốc tế 112 37 Tin pháp luật 99 32,7 Tin xã hội 69 22,8 Tin khác 23 7,5 Tổng Tổng số 303 100

So với các tin trong nước thì đương nhiên sự khai thác thông tin quốc tế sẽ không thể nhanh bằng vì không phải phóng viên tòa soạn chủ động làm mà chủ yếu là tin dịch, lấy lại từ các báo nước ngoài. Theo đó, đương nhiên, các tin quốc tế thường chậm hơn so với tin trong nước, xét về độ nóng của thông tin. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đây cũng chính là một trong những lý do để các tòa soạn cân nhắc hơn trong việc đưa yếu tố thời gian diễn ra sự kiện lên sapô. Mục đích của việc đưa yếu tố thời gian lên là nhằm chứng minh tính thời sự của thông tin. Vì thế, nếu đưa mốc thời gian vài ngày trước đó sẽ phản tác dụng, làm độc giả cảm thấy thông tin đã cũ, cho dù có thể họ chưa hề biết thông tin này trước đó. Rõ ràng, nêu thông tin sự kiện sẽ là một giải pháp an toàn hơn. Nhiều tòa soạn còn sử dụng một phương pháp khác là dùng các từ chỉ thời gian có tính định lượng như “vừa”, “mới” để tạo tính thời sự cho những thông tin đã bị chậm một vài ngày.

Loại thông tin thứ hai ít có sự xuất hiện yếu tố thời gian trên sapô là tin pháp luật và tin xã hội. Ở loại tin này, sapô thường mang tính miêu tả sự kiện, vụ việc hơn là đưa thời gian bởi ngay bản thân các sự kiện, vụ việc đó đã có sức thu hút độc giả. Ở các tin pháp luật, với các thông tin như các vụ trộm cắp, vi phạm pháp luật, đâm, cướp, giết, hiếp đã “đánh” trúng tâm lý tò mò của công chúng.

Ví dụ:

- “Một vị khách nước ngoài đã thẳng tay đấm vào mặt một tài xế taxi, khiến anh này tử vong” (Khách nước ngoài đám chết một tài xế taxi, Vietnamnet ngày 30/4/2010)

-“Sau khi rủ bé gái 10 tuổi về nhà lấy mấy quả cau, Ngô Xuân Đóa đã giở trò đồi bại rồi đưa cho cô bé 3.000 đồng” (Vờ biếu cau cho bà, hại đời bé gái 10 tuổi, Vnexpress ngày 20/4/2010)

- “Lợi dụng vợ chồng sếp tin tưởng, Phương đã cho ‘ra lò’ hơn 170 ủy nhiệm chi khống, ‘rút ruột’ 2,5 tỷ đồng” (“Rút ruột” 2,5 tỷ, kế toán trưởng lãnh án 12 năm tù, Vietnamnet ngày 12/5/2010)

- “Lai vừa dứt câu nói ‘tao thách mày đâm tao đó’, liền bị Tuấn chọc ngay nhát dao vào người. Nạn nhân gục xuống bất tỉnh” (Thành kẻ sát nhân sau lời thách đố, Vnexpress ngày 19/4/2010)…

Tin xã hội luôn gắn chặt với đời sống thiết thực của người dân nên rất được công chúng quan tâm. Chẳng hạn, đọc sapô “Sau khi tiêm vaccine, bé một tuổi đã tử vong, 3 bé khác bị phản ứng” (Bình Phước: Một bé tử vong vì tiêm vaccine, Vietnamnet ngày 30/4/2010) hoặc sapô “Cầm chai ‘trà xanh không độ’ lên uống, vừa hớp một ngụm, Hải đã ôm miệng kêu la. Gần một giờ đồng hồ sau, nạn nhân lơ mơ, tím tái toàn thân” (Cậu bé 12 tuổi ngộ độc vì uống nhầm hóa chất, Vnexpress ngày 28/4/2010), có lẽ không một ông bố, bà mẹ nào không giật mình và đương nhiên phải nhấp chuột vào đọc tin.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 55)