Nội dung và kế hoạch thực hiện

Một phần của tài liệu Chính sách phát triển ngành tự động hóa của Đài Loan từ năm 1980 đến năm 2005 và kinh nghiệm với Việt Nam (Trang 42)

b. Nội dung và kết quả của kế hoạch tự động hoá lần thứ ba

2.1.3.1Nội dung và kế hoạch thực hiện

Cục kỹ thuật Bộ kinh tế đề xuất chính sách ưu đãi phát triển kỹ thuật, chuyển giao công nghệ dựa trên “Kế hoạch tự động hoá nền sản xuất” và “Sách lược phát triển kỹ thuật sản xuất tự động hoá”, mục đích nhằm nghiên cứu đưa ra các kỹ thuật tự động hoá, đồng thời quảng bá kỹ thuật này trong doanh nghiệp tạo điều kiện cho thúc đẩy ngành tự động hoá phát triển mạnh mẽ tại Đài Loan.

a. Phát triển kỹ thuật

Trung tâm kim loại và Cục cơ khí Viện nghiên cứu công nghiệp là đơn vị thực hiện “Kế hoạch phát triển công nghệ tự động hoá”, với mục tiêu tổng hợp kỹ thuật của lĩnh vực cơ khí, cơ điện, điện tử, truyền thông tiến hành nghiên cứu kỹ thuật tự động hoá có liên quan. Kế hoạch xoay quanh 5 trọng điểm là: phát triển kỹ thuật tự động hoá điều khiển bằng vi tính; phát triển kỹ thuật cơ khí điện động và điều khiển; phát triển kỹ thuật hệ thống tự động gia

công hoàn chỉnh kim loại; phát triển kỹ thuật thử nghiệm thiết bị điện lực và phát triển kỹ thuật thử nghiệm thiết bị điều khiển đông lạnh.

Kế hoạch phát triển công nghệ tự động hoá của Đài Loan được chia thành nhiều giai đoạn thực hiện, nhiều đơn vị thành phần thực hiện các dự án có nội dung chuyên biệt. Thứ nhất là dự án 5 năm phát triển nghiên cứu kỹ thuật cơ khí điện động (1995-1999) do Phòng cơ khí Viện nghiên cứu Công nghiệp thực hiện với ba mục tiêu: phát triển kỹ thuật cơ khí điện động, phát triển kỹ thuật điều khiển công nghiệp và phát triển kỹ thuật điều khiển cơ khí. Thứ hai là dự án 5 năm phát triển nghiên cứu kỹ thuật tự động hoá chỉnh hợp vi tính (1996-2000), do Phòng cơ khí Viện nghiên cứu Công nghiệp thực hiện nội dung phát triển tổ hợp hệ thống điều khiển bằng vi tính và phát triển kỹ thuật công trình tổ hợp vi tính. Thứ ba là Dự án phát triển nghiên cứu tự động hoá gia công hoàn chỉnh kim loại (1996-2000) do Trung tâm kim loại thực hiện bao gồm: phát triển kỹ thuật hệ thống tự động dập, tiện; phát triển kỹ thuật hệ thống tự động hoá khoan, đúc và phát triển kỹ thuật hệ thống tự động hoá hàn. Những dự án nằm trong kế hoạch thực hiện nghiên cứu các kỹ thuật chuyên sâu riêng biệt phù hợp với từng thời kỳ phát triển của tự động hoá Đài Loan, tạo cơ sở vững chắc cho một nền sản xuất phát triển theo hướng tự động hoá công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

b. Chuyển giao kỹ thuật

Sau khi nghiên cứu kỹ thuật, chính quyền Đài Loan đã dùng nhiều biện pháp chuyển giao cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu đi theo hai hướng: hướng thứ nhất là đưa các kỹ thuật đã nghiên cứu chuyển giao cho ngành dịch vụ tự động hoá và ngành thiết bị tự động hoá. Mục tiêu nhằm dựa vào năng

lực quảng bá, phân phối của ngành này để phổ biến kỹ thuật tự động hoá đến từng nhà máy xí nghiệp, hỗ trợ xây dựng nền tảng tự động hoá toàn nhà máy. Hướng thứ hai được chia tiến hành theo cách nhằm chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Cách thứ nhất là kêu gọi doanh nghiệp trực tiếp tham gia khi bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu, sau đó ưu tiên cho những doanh nghiệp này được nhận chuyển giao kỹ thuật trực tiếp. Cách này dựa vào “Thuyết minh tác nghiệp chuyển giao thành quả dự án công nghiệp” do Trung tâm Kim loại và Viện nghiên cứu Công nghiệp thực hiện đã thành lập Uỷ ban hợp tác các doanh nghiệp, liệt kê những hạng mục phát triển kỹ thuật, công khai nhận yêu cầu của nhà sản xuất, đồng thời lựa chọn ra nhà sản xuất phù hợp có thể tham gia vào kế hoạch nghiên cứu hợp tác. Những doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp, thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện hay có hạng mục kinh doanh tính chất kỹ thuật tương đồng với dự án đang nghiên cứu đều được ưu tiên lựa chọn. Trước khi doanh nghiệp tham dự vào kế hoạch nghiên cứu phát triển kỹ thuật, cần phải ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp tuân theo quy định nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa có ghi chép gì tình trạng nợ xấu đều được ưu tiên tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Cách thứ hai là các cơ quan thuộc chính quyền nghiên cứu được kết quả sau đó chuyển giao trực tiếp cho nhà sản xuất xin được nhận chuyển giao kỹ thuật. Nếu nhà sản xuất có nguyện vọng tiếp nhận kỹ thuật đã được nghiên cứu và thử nghiệm, thì doanh nghiệp có thể trực tiếp đàm phán với đơn vị nghiên cứu và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đơn vị nghiên cứu có quyền thu phí chuyển giao công nghệ hoặc phí bản quyền. Để khuyến khích nhà sản xuất thực hiện chuyển giao công nghệ, cũng như để phù hợp với năng

lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chi phí này không quá cao, đồng thời có thể thương thảo giá cả.

Dựa trên nền tảng chính sách như vậy, Ban tự động hoá đã giao cho Trung tâm nghiên cứu cơ khí công nghiệp và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp kim loại chỉ đạo việc phát triển công nghệ từ năm 1992 đến năm 1997. Những Trung tâm này đều đưa ra kết quả nghiên cứu khả quan tạo được niềm tin cho giới doanh nghiệp Đài Loan. Trung tâm nghiên cứu cơ khí công nghiệp đã nghiên cứu thành công kỹ thuật máy vi tính chỉnh hợp tự động hoá bao gồm: hệ thống quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM), hệ thống quản lý quy hoạch nguồn vốn (MRP-II), hệ thống quản lý chế tạo sản phẩm (WIP), hệ thống quản lý giám sát thiết bị trong khu vực sản xuất (SPC), hệ thống chế tạo linh hoạt thuộc tính quy hoạch (FMS) và hệ thống quản lý quy hoạch tự động hoá toàn nhà máy (CIM). Ngoài ra, Trung tâm này cũng rất thành công trong việc nghiên cứu kỹ thuật cơ khí tự động hoá bao gồm: kỹ thuật giám sát, thiết kế hệ thống máy chủ, cảm ứng, giao lưu đồng bộ, công nghệ thiết kế phần cứng và phần mềm điều khiển công nghiệp, kỹ thuật điều khiển công nghệ cao, kỹ thuật điều khiển khoan, dập, bắn, ép, uốn, gập trong công nghiệp, kỹ thuật điều khiển gia công đúc khuôn bằng điện và kỹ thuật máy biến tần điều khiển chuyển động không cảm ứng. Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp kim loại nghiên cứu thành công hệ thống thiết bị tự động dập đã được sử dụng rộng rãi, kỹ thuật tự động xử lý hệ thống sau khi đúc, kỹ thuật tự động hàn và kỹ thuật tự động đổ khuôn đúc.

Với chính sách khuyến khích nhà sản xuất cùng các đơn vị nghiên cứu đưa ra những kỹ thuật ứng dụng phù hợp với nhu cầu của thị trường, chính quyền Đài Loan đã tạo được sự liên kết, khép kín giữa nhà nghiên cứu và nhà sản

xuất. Như vậy, chính quyền Đài Loan đã bước đầu thành công trong việc khuyến khích nâng cấp nền sản xuất thông qua việc nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và thiết bị bản địa, đồng thời tạo nên một xu hướng trong nền sản xuất Đài Loan là nhiều đơn vị chú tâm đến việc học tập, huấn luyện và áp dụng kỹ thuật tự động hoá.

Bước vào giai đoạn thứ ba của kế hoạch phát triển tự động hoá, toàn bộ hệ thống kỹ thuật sản xuất của Đài Loan đã có đà phát triển mới. Chính quyền Đài Loan tiếp tục thực hiện những chính sách khuyến khích phát triển kỹ thuật tự động hoá nhưng theo một phương hướng mới là khuyến khích sự phát triển của ngành dịch vụ tự động hoá để ngành này phát huy ưu điểm của mình trong việc nghiên cứu, quảng bá kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, chính quyền Đài Loan đã đi sâu lựa chọn và hỗ trợ ngành sản xuất thông thường và ngành sản xuất trọng điểm, lập nên các ban chuyên môn hỗ trợ đào tạo, sau đó trực tiếp chuyển giao cho các doanh nghiệp, đưa họ trở thành những doanh nghiệp phát triển điển hình, đi tiên phong trong quá trình thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế của Đài Loan.

Một phần của tài liệu Chính sách phát triển ngành tự động hóa của Đài Loan từ năm 1980 đến năm 2005 và kinh nghiệm với Việt Nam (Trang 42)