Trong nước

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch biển tại thị xã cửa lò (Trang 32)

Biển Bà Rịa - Vũng Tàu

Biển Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, du lịch biển đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, môi trường du lịch biển chịu tác động rất lớn từ nhiều nguyên nhân khác nhau: sự tràn dầu, rác thải, sự cố về đâm tàu… đang trở thành nỗi lo lớn của địa phương. Những năm qua, Vũng Tàu đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường để hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển du lịch biển tại địa phương này.

Môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt đông du lịch biển.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường như: tổ chức thu thập phiếu điều tra thông tin về môi trường biển trong hệ thống các doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường, phối hợp với ngành liên quan tiến hành điều tra về tài nguyên du lịch, xây dựng đề cương chi tiết bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch biển của Tỉnh, tham gia hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án du lịch biển.

Đồng thời, địa phương còn tăng cường vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, thường xuyên cử công nhân làm vệ sinh đường biển, thu gom và vớt váng rong, tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên KDL biển. Khả năng thu hút du khách đến biển Vũng Tàu bên cạnh tiềm năng vốn có là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương nơi đây, thông qua những hoạt động tích cực như sau:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khai thác tài nguyên biển đảo xứng tầm với tiềm năng của tài nguyên hiện có.

- Tập trung đầu tư phát triển mạnh theo hướng mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và tính cạnh tranh của các loại hình kinh doanh du lịch.

- Xây dựng ngành du lịch biển trở thành ngành công nghiệp hiện đại mang tính dân tộc độc đáo và có tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời hỗ trợ các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Từ kinh nghiệm quản lý du lịch biển của Vũng Tàu sẽ là bài học rất tốt cho quá trình hoạch định, xây dựng và phát triển du lịch tại Thị xã Cửa Lò. Du lịch Cửa Lò cũng cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, cần đầu tư kinh phí cho vấn đề môi trường biển tại Thị Xã và tập trung giải quyết tốt khâu này, thi du lịch mới có tầm phát triển hơn nữa.

Thành phố biển Nha Trang – Khánh Hòa

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Thành phố biển Nha Trang tất cả những gì mà một vùng duyên hải Nam Trung bộ có thể có. Từ bãi tắm với dải cát trắng mịn trải dài đến những hòn đảo ngoài khơi đẹp đến ngỡ ngàng, từ những rặng san hô kì ảo dưới lòng đại dương tới những ngôi đền Chăm rêu phong cổ kính trên núi...

Quan sát phố biển Nha Trang từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp của thành phố, bãi biển uốn cong như muốn ôm lấy vịnh biển xanh như ngọc, bên bờ biển những rặng dừa và hàng dương lao xao trong gió càng tôn lên vẻ đẹp ngây ngất của biển. Nha Trang thành phố biển năng động, tràn đầy sức sống với những con đường mới mở, những cây cầu mới xây, những khu nghỉ dưỡng ven biển, những công trình mới đang đổi thay từng ngày và đặc biệt là con người nơi đây thật hiền hòa và thân thiện. Tất cả những gì Nha Trang đã và đang có sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương dù chỉ đặt chân đến đây một lần nhưng sẽ có những kỷ niệm thân thương và khó quên.

Những năm gần đây, ngành dịch vụ du lịch ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố biển Nha Trang trên, hệ thống cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đến đây, du khách có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn phù hợp với túi tiền. Vì vậy, quanh năm thành phố này luôn tấp nập khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế lưu trú dài ngày nên doanh thu du lịch luôn cao và tăng trưởng đều theo từng năm.

Trước đây Nha Trang cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý bãi biển, bảo vệ an toàn cho du khách, tình trạng hàng rong đeo bám chèo kéo khách, nạn cò mồi tại các điểm tham quan du lịch, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường kém của người kinh doanh du lịch và một bộ phận du khách... Nhưng nhờ có sự đồng thuận, nhất quán từ Ban thường vụ Thành ủy, HĐND và UBND trong chiến lược, chính sách phát triển du lịch nên du lịch thành phố trên dần khởi sắc, uy tín và thương hiệu ngày càng lan xa.

Tại Nha Trang, Thành ủy Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa trực tiếp chỉ đạo các sở, phòng, ban chuyên môn xây dựng các nghị quyết chuyên đề hoặc đề án như: đề án quản lý vỉa hè lòng đường không vì mục đích giao thông, đề án quản lý các tuyến phố kinh doanh theo từng nhóm hàng, dịch vụ, đề án thu gom rác thải, đề án chăm sóc cây xanh, đề án về an ninh du lịch… Trong đó, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, phòng ban chuyên môn. Công tác phối hợp giữa các phòng ban của Thành Phố Nha Trang và cấp phường chặt chẽ, thông tin hai chiều, toàn diện. Thành Phố Nha Trang có lực lượng thanh niên xung kích hơn 100 người, chốt trực 24/24 giờ trên các bãi biển, tuyến điểm du lịch làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị. Mỗi ngày có 8 công an được bố trí hỗ trợ lực lượng thanh niên xung kích thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí cho công tác giữ gìn trật tự đô thị gần 8 tỷ đồng/năm. Dưới bãi biển, để bảo đảm an toàn tính mạng cho khách tắm biển, Thành Phố Nha Trang có lực lượng cứu hộ bờ biển chuyên nghiệp, cứ cách 30m có 1 người, chốt trực từ 5 giờ 30 đến 19 hàng ngày. Nhờ những cách thức quản lý như vậy mà Thành Phố biển Nha Trang đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Từ kinh nghiệm về tổ chức và quản lý du lịch biển của Nha Trang cho thấy để phát triển du lịch Cửa Lò cần tập trung đầu tư giải quyết các vấn đề sau: Du lịch Cửa Lò cần làm tốt công tác an ninh khi mùa du lịch đến như nạn bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, nạn chặt chém, tự động nâng ép giá. Bắt buộc các nhà hàng, khách sạn phải có bảng niêm yết giá cho từng mặt hàng cụ thể. Cần phân chia công việc và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, ban nghành liên quan. Ngoài ra công tác cứu hộ cũng cần phải được quan tâm, nhằm đảm bảo cho một mùa du lịch an toàn.

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch biển tại thị xã cửa lò (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)