Du lịch biển là hình thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng và thư giãn của con người. Hiểu như vậy chúng ta mới nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để du lịch biển thức sự đạt hiệu quả như mong muốn. Làm sao để du khách có thể tránh được những sự cố xảy ra, thoát khỏi mọi lo lắng phiền hà trong quá trình tham gia du lịch biển, làm sao để chuyến nghỉ dưỡng để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách về một vùng đất thân thiện và an toàn.
3.2.10.1. Công tác an ninh
Trên hết, công tác an ninh luôn đặt ra đòi hỏi trên các mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Vấn đề an ninh trong du lịch biển cần được quan tâm đúng mức:
- Tăng cường công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch biển, đảo.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý khách ở các cơ sở lưu trú, thực hiện các quy định về đăng ký đảm bảo các yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Hướng dẫn phổ biến cho khách du lịch một cách đầy đủ về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Phối hợp với ngành an ninh, hải quan... để quản lý tốt du khách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.
3.2.10.2. Công tác cứu hộ
Một trong những yếu tố để thu hút mỗi du khách khi về tắm biển, nghỉ dưỡng ở đô thị biển Cửa Lò yên tâm, thoải mái đó là công tác cảnh báo và cứu hộ, cứu nạn. Đây cũng chính là tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cửa Lò
phát triển bền vững. Nắm được yêu cầu đó, chính quyền thị xã và toàn bộ người dân, du khách cần ý thức rõ ở nhiệm vụ này:
- Tổ chức các đội cứu hộ với đầy đủ phương tiện cứu hộ trên biển. Thường xuyên tuần tra, canh gác 24/24 nhất là thời kỳ cao điểm. Kiểm tra thường xuyên và nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên biển và bằng đường thủy. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định an toàn giao thông đường thủy.
- Phát triển du lịch biển phải gắn liền với bảo vệ biển (kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh). Chủ động phối kết hợp với các lực lượng (Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng) để bảo vệ không gian, ngư trường, tài nguyên biển. Ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. - Thị xã cần quy định rõ trách nhiệm của nhân viên cứu hộ trong công tác như phải thông thạo khu vực bãi tắm, có kinh nghiệm cứu hộ, biết xử lý tình huống khi nạn nhân bị sóng cuốn trôi. Thường xuyên được đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng, hoạt động cứu hộ phải được duy trì thường xuyên, tại các vị trí trực phải có trạm quan sát, điểm báo nguy hiểm và tăng cường trang bị các phương tiện cứu hộ. Ngoài ra, còn phối hợp với bộ đội biên phòng, lực lượng tuần tra trên biển để kịp thời cứu nạn khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
3.2.10.3. An toàn vệ sinh thực phẩm
Về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được chú trọng và tăng cường các giải pháp như:
- Phòng Văn hóa và Thông tin kết hợp với phòng Y tế, Trung tâm y tế thị xã Cửa Lò, bộ phận kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra thường xuyên theo định kỳ, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển và trong thị xã, cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở nào chưa đảm bảo thì tuyệt đối không được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Khuyến cáo các công ty lữ hành, hướng dẫn viên hướng dẫn khách sử dụng thực phẩm đã qua kiểm tra, kiểm dịch.
- Xử phạt hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh nếu xuất những thực phẩm không đạt tiêu chuẩn mà vẫn kinh doanh, mua bán ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách.