Tăng cường liên kết trong nước và hợp tác quốc tế

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch biển tại thị xã cửa lò (Trang 110)

Muốn phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng, Cửa Lò không thể tự phát triển mà phải dựa vào sự hợp tác với các địa phương ven biển lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng như trung tâm du lịch và gửi khách chính của miền Bắc là Thủ đô Hà Nội. Đây là vấn đề mấu chốt trong kế hoạch phát triển du lịch biển của địa phương.

Phải lên kế hoạch thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm du lịch biển với các công ty lữ hành gửi khách từ các thị trường mục tiêu. Thường xuyên hợp tác, liên kết với các công ty lữ hành trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, phát triển sản phẩm mới và bán các sản phẩm đến tay khách hàng chính là giải pháp hữu hiệu trong việc thu hút khách du lịch đến địa phương.

Ngoài ra, với lợi thế là quê hương Bác Hồ, Nghệ An nói chung, Cửa Lò nói riêng có điều kiện giao lưu với các địa phương trong cả nước và với bạn bè quốc tế như Lào và Đông bắc Thái Lan. Đây cũng chính là một kênh quan trọng để thu hút khách vào phát triển các chương trình du lịch của địa phương. Thường xuyên trao đổi các chương trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với một số nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Trung Quốc cả trong công tác quản lý du lịch và với các doanh nghiệp lữ hành của các nước cũng sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương.

Du lịch biển là một lĩnh vực thuộc kinh tế biển. Và trong bối cảnh triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước và địa phương, cần xác định việc phát triển du lịch biển phải là đầu tàu để kéo kinh tế biển của Cửa Lò đi lên dựa trên các tiềm năng, thế mạnh hiện có về du lịch biển nói riêng và du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương nói chung.

Muốn như vậy ngoài việc đề xuất các giải pháp nêu trên, ngay từ bây giờ Cửa Lò cần định vị sản phẩm để xác định ngay “Thương hiệu du lịch biển” của địa phương. Việc đề xuất một thương hiệu cho du lịch biển Cửa Lò cần dựa vào các bước nghiên cứu thị trường mục tiêu, xác định lợi thế cạnh tranh của sản phẩm du lịch biển Cửa Lò với các địa phương lân cận và định hướng sản phẩm, thị trường nhắm tới trong tương lai. Đây là một công việc chuyên môn và nghiêm túc, ngành du lịch Cửa Lò cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành và tuyển chọn các đơn vị quảng cáo chuyên nghiệp để xây dựng thương hiệu và có kế hoạch truyền thông, xúc tiến thương hiệu tới thị trường mục tiêu. Hy vọng cùng với sự phát triển chung của du lịch Việt Nam, du lịch biển Việt Nam, du lịch Cửa Lò và du lịch biển Cửa Lò sẽ tìm ra được hướng đi đúng của riêng mình trong môi trường hợp tác và cạnh tranh khu vực, ngày càng thu hút được nhiều lượng khách đến tham quan du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư.

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch biển tại thị xã cửa lò (Trang 110)