Để phát triển du lịch biển cần có giải pháp đồng bộ về môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo :
3.2.9.1. Môi trường tự nhiên
Môi trường tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch biển, cần có các giải pháp cấp bách như:
- Tăng cường công tác tuyên truyền về du lịch bền vững để nâng cao sự hiểu biết và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong du lịch cho cán bộ công nhân lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi biển. Quan tâm đặc biệt đến phát triển đặc biệt hệ thống rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ. Quản lý chặt chẽ và xử lý đúng quy trình rác thải, nước thải sinh hoạt.
- Hoàn thành việc di chuyển những nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị để tập trung vào các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện triệt để việc đánh giá tác động môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn đối với các dự án đầu tư mới.
- Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý tốt quy hoạch và khai thác tài nguyên du lịch.
- Giảm thiểu việc thải chất thải vào môi trường. Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải (từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất chế biến, nước thải từ ruộng đồng, nước thải từ các làng nghề, nước thải sinh hoạt...) chảy vào các dòng sông, nhất là hệ thống sông ngòi đổ trực tiếp ra biển.
- Thực hiện công tác thống kê hiện trạng tài nguyên biển. Sau đó tiến hành giao cho ban quản lý, cán bộ phụ trách điểm du lịch quản lý và chịu trách nhiệm với mọi tổn thất, mất mát gây ra.
- Đảm bảo thu gom chất thải rắn và lỏng trên các phương tiện giao thông đường thủy. Sớm xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
- Xây dựng hệ thống xử lý thuốc trừ sâu cho cỏ trong sân Gofl ven biển.
- Thực hiện xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải ra biển. Tại các bãi biển, KDL, cụm du lịch có thể thuê những công ty tư nhân chuyên làm về dịch vụ này đảm trách việc dọn vệ sinh, xử lý nước thải...
- Lồng ghép giáo dục về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch biển trong chương trình đào tạo, sinh hoạt tại các khóa của các cấp học. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường cho cộng đồng dân cư, cho khách du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
3.2.9.2. Môi trường văn hóa - xã hội
Bên cạnh các giải pháp để cải thiện môi trường tự nhiên thì môi trường văn hóa - xã hội đóng một vai trò tác động to lớn đến sự phát triển loại hình du lịch biển, cũng như toàn ngành du lịch nói chung. Vì vậy, cần tăng cường chú ý đến các mặt sau:
- Tiếp tục thực hiện chương trình "5 không" và "6 nhất" của thị xã.
- Giải quyết chấm dứt tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan, trên đường phố và các bãi tắm công cộng.
- Quy hoạch, kiến trúc của du lịch nói chung, KDL biển nói riêng hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc dân tộc, đặc thù của địa phương, phát triển các KDL biển hài hòa với cảnh quan.
- Phát huy tác dụng của giáo dục về du lịch, nâng cao nhận thức du lịch biển cho cộng đồng, cách thức ứng xử văn minh với du khách thông qua các chương trình giáo dục ngoại khóa trogn các cấp học, các phương tiện thông tin đại chúng.