Quy hoạch du lịch là một nhiệm vụ quan trọng cần phải tiến hành trước một bước, nhằm khảo sát đánh giá các nguồn lực phát triển du lịch, xây dựng các chương trình, các kế hoạch, các dự án nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, định hướng theo dõi kiểm tra giám sát, có các giải pháp bổ sung đối với các hoạt động xây dựng và phát triển du lịch theo mục tiêu, kế hoạch đã đưa ra nhằm phát triển du lịch biển Cửa Lò. Có các giải pháp sau nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch biển Cửa Lò:
3.2.6.1.Tăng cường công tác quy hoạch chi tiết, quản lý sau quy hoạch
Những năm qua Cửa Lò đã coi trọng việc quy hoạch, đặc biệt về quy hoạch chi tiết - coi đây là yếu tố chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn đầu và du lịch biển là ngành cần chú trọng hơn nữa ở khâu này để tạo một cơ sở cho sự phát triển. Cần nhận thức được tầm quan trọng và chú trọng đến công tác này hơn trong thời gian tới. Trước mắt cần chú trọng:
- Tập trung tối đa các nguồn lực, tăng cường quy hoạch chi tiết và quản lý sau quy hoạch.
- Chú trọng công tác quy hoạch có sự tham vấn các công trình ven biển ngoài chức năng giao thông, phải có tính bền vững và có tính thẩm mỹ cao.
- Chủ động mời các chuyên gia nước ngoài am hiểu về du lịch biển và đa ngành tham gia phối hợp với cán bộ ngành có năng lực thực sự vào công tác quy hoạch, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún gây lãng phí, phá vỡ cảnh quan môi trường biển.
- Công tác quy hoạch các công trình (đường sá, điện nước, bưu chính viễn thông...) phải được lên kế hoạch chi tiết, đồng bộ, phải được thiết kế hài hòa thống nhất, tạo một phong cách riêng.
- Thành lập ban thẩm định riêng cho công tác quy hoạch của thị xã, kiểm tra công tác tiêu chuẩn định mức trước lúc quy hoạch và đánh giá sau khi công trình hoàn thành để đưa vào xếp loại, khen thưởng hay kỷ luật.
- Xử lý bằng pháp luật các công trình quy hoạch không đúng như thiết kế, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và du khách bằng cách: ngăn không cho xây dựng hoặc tạm đình chỉ xây dựng nếu công trình đang được thi công.
- Trong quy hoạch chi tiết, cần giao nhiệm vụ cho các nhà thầu chuyên nghiệp, nhà nước chỉ ban hành các thiết chế văn hóa đi kèm với những chế tài hợp lý phù hợp với mọi sinh hoạt, vui chơi, đặc thù của vùng biển.
3.2.6.2. Giải quyết công tác giải tỏa đền bù, tái định cư chuẩn bị cho công tác quy hoạch
Công tác đền bù, tái định cư là công tác quan trọng đặc biệt cần chú ý ở các cấp, các ngành. Quy hoạch mà không chú trọng đến định cư an dân thì cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch sẽ rất khó khăn, từ đó có ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà nước. Trước tình hình đó, cần chú ý đến các công tác:
- Tổ chức chương trình, chuyến đi thực tế của lãnh đạo phòng, ban, ngành để khảo sát vùng đất trong diện quy hoạch, quan tâm đến đời sống của dân trong diện quy hoạch. Để các cấp lãnh đạo nắm rõ tình hình của dân mà ban hành những quyết định chính xác và thiết thực.
- Có kế hoạch xây dựng vùng đất định cư cho dân trong khu vực giải tỏa, đưa kế hoạch vào trong chương trình quy hoạch tổng sử dụng đất của thị xã.
- Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác thẩm định giá đất, loại đất (đất hoa màu, đất trồng cây ăn quả...) theo Luật Đất đai và dựa vào tình hình thực tế của người dân địa phương trong vùng giải tỏa.
- Phối hợp với Tòa án nhân dân thị xã giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác giải tỏa, đền bù.
- Sau công tác hỗ trợ đền bù về mặt vật chất, chính quyền địa phương, phòng, ban, ngành cần làm công tác khuyến khích, động viên cho nhân dân hiểu rõ trách nhiệm của mình.
- Cần chú trọng đến việc thành lập đội hòa giải ở địa phương để cùng với chính quyền làm việc với người dân, đi sâu vào thực tế cuộc sống của người dân trong vùng đất giải tỏa.