Thứ nhất, quy mô vốn và năng lực tài chính của DNVVN
Các DNVVN thường có quy mô vốn nhỏ và năng lực tài chính là không lớn nên không có quá nhiều khả năng tăng quy mô vốn chủ sở hữu. Cũng do sự hạn hẹp về vốn nên DNVVN thường không có sự đầu tư hợp lý, có xu hướng đầu tư vào tài sản cố định nên thiếu vốn lưu động để tiền hành sản xuất kinh doanh. Việc đánh giá khả năng tài chính đối với các doanh nghiệp khi cho vay là quy trình tất yếu, tuy nhiên, nó sẽ khiến cho các DNVVN có năng lực tài chính yếu kém khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay. Hoặc nếu được ngân hàng cho vay thì trong trường hợp xảy ra rủi ro thì các doanh nghiệp này dễ rơi vào tình trạng mất thanh khoản, dẫn đến nguy cơ phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản vay ngân hàng.
Nhìn chung, nếu vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của DNVVN đủ lớn sẽ tạo điều kiện chắc chắn hơn giúp các DNVVN tránh được nguy cơ phá sản do mất khả năng thanh toán các khoản nợ của ngân hàng, hạn chế mức thấp nhất tổn thất với ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, góp phần nâng cao chất lượng cho vay với các DNVVN.
Hoạt động quản lý và điều hành là một trong những hoạt động quyết định dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Khi xem xét cho vay, ngân hàng cũng cần xem xét kỹ lưỡng về trình độ quản lý của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có ban lãnh đạo được đào tạo bài bản, có năng lực thì sẽ đưa ra được những quyết sách đúng đắn ví dụ như đầu tư bao nhiêu là đủ, vay ngân hàng bao nhiêu để có lợi nhất cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho nguồn vốn vay ngân hàng thực sự phát huy được hiệu quả cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, từ đó chất lượng cho vay được nâng cao. Thực tế cho thấy, ở các DNVVN, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn rất thấp. Phần lớn cấp quản lý không được đào tạo bài bản và hệ thống nên luôn tiềm ẩn rủi ro khi cho các doanh nghiệp này vay vốn, làm giảm chất lượng cho vay của ngân hàng.
Thứ ba, phương án sản xuất kinh doanh
Đây luôn là một trong các nhân tố đầu tiên được ngân hàng xem xét khi quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp nói chung. Phương án kinh doanh có khả thi cao thì mới có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn, ít rủi ro và khả năng trả nợ của doanh nghiệp đảm bảo. Khách hàng cần luôn đảm bảo việc sử dụng vốn vay là đúng mục đích. Như vậy, nếu phương án vay vốn của khách hàng là khả thi và khách hàng sử dụng đúng mục đích thì chất lượng tín dụng sẽ được đảm bảo.
Thứ tư, uy tín của các khách hàng DNVVN
Nếu doanh nghiệp đã có quan hệ lâu dài và uy tín với ngân hàng thì ngân hàng sẽ có đảm bảo hơn về việc thu hồi lãi và gốc, đảm bảo chất lượng khoản vay.
Đạo đức, uy tín của khách hàng luôn có ảnh hưởng đến độ xác thực trong thông tin cung cấp cho cán bộ thẩm định của ngân hàng, tác động tới quyết định cho vay của ngân hàng và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cho vay của ngân hàng. Doanh nghiệp có thể lừa đảo ngân hàng thông qua gian lận về số liệu,
giấy tờ, quyền sở hữu, mục đích sử dụng vốn vay… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cho vay. Vì vậy, tính trung thực, đạo đức của khách hàng DNVVN quyết định nhiều đến chất lượng cho vay của ngân hàng.
Ngoài các yếu tố trên, còn nhiều nhân tố xuất phát từ các DNVVN ảnh hưởng đến chất lượng cho vay của ngân hàng như: vị trí của doanh nghiệp trên thị trường, tính nghiêm túc của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ kế toán hiện hành, tài sản đảm bảo cho vay có tính hợp lý… Nhìn chung, khi đã cấp vốn vay cho doanh nghiệp thì việc đảm bảo an toàn của khoản vốn đó không chỉ phụ thuộc vào sự giám sát của ngân hàng mà phụ thuộc rất lớn vào chính khách hàng của ngân hàng.