Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay đối với DNVVN của NHTM, các cơ quan nhà nước cũng cần có những biện pháp cụ thể để tạo ra những điều kiện đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động này phát triển. Xây dựng và hoàn chỉnh
khung pháp lý đảm bảo sự ổn định và rõ ràng về môi trường đầu tư và tính công khai, minh bạch về chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư.
Thứ nhất, NHNN Việt Nam cần ban hành chính sách tiền tệ ổn định và mang tính mục tiêu cả trong dài hạn và ngắn hạn, giúp cho các NHTM chủ động trong việc hoạch định mọi phương hướng hoạt động. Chính sách tiền tệ cần có sự thống nhất, hợp với xu hướng phát triển của đất nước, ổn định nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động của các NHTM, đặc biệt là các hoạt động cho vay.
Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh đối với mọi thành phần kinh tế. Nhà nước cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ để điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp một cách thống nhất trên quan điểm Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mỗi công dân, từng doanh nghiệp từ đó tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng cho các loại hình doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh. Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh khung pháp lý đảm bảo sự ổn định và rõ ràng về môi trường đầu tư và tính công khai, minh bạch về chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời hình thành hệ thống kế toán tài chính và thống kê kinh tế để cung cấp cho các doanh nghiệp không phân biệt loại hình sở hữu.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ thông tin với DNVVN. Vấn đề thông tin là một trong những khó khăn lớn đối với DNVVN. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách về cung cấp thông tin cho bộ phận DN này. Với việc lập các trang thông tin điện tử chuyên về tin tức, sự kiện, thị trường cho các ngành nghề DNVVN, cập nhật các văn bản Luật và văn bản dưới Luật sẽ giúp doanh nghiệp có được hiểu biết tổng quan nhất. Đồng thời các cơ quan chức năng có thể tiến hành đào tạo các khóa về thủ tục đăng kí kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu, đào tạo công tác quản lí, các quy chế của NHTM…nhằm nâng cao hiểu biết cũng như năng lực của DNVVN.
Thứ tư, nên thành lập các khu công nghiệp tập trung cho DNVVN. Hoạt động tập trung giúp Nhà nước dễ dàng hỗ trợ cho các DNVVN về cơ sở hạ tầng, cập nhật thông tin, phát triển thị trường và giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNVVN.
Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thành lập và phát triển DNVVN ở một số ngành lợi thế, như các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thay thế nhập khẩu và hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh, các ngành đầu vào cho các doanh nghiệp lớn, cũng như trong các lĩnh vực phục vụ đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp lớn, các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp nông thôn, bao gồm các sản phẩm thuộc các ngành nghề truyền thống…Đó được xem là những ngành thuận lợi cho DNVVN, vì thế Nhà nước cần định hướng cho doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong những lĩnh vực trên.
Thứ sáu, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể nhằm quản lí hoạt động của các DNVVN. Việc hỗ trợ phải đi cùng với kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các DN hoạt động trong hành lang pháp luật. Với những trường hợp vi phạm Pháp luật, gây thiệt hại về của cải vật chất cho xã hội cần có những biện pháp xử lí thích đáng, đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh
KẾT LUẬN
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đã thu hút được sự chú ý của xã hội. Một trong những điều kiện để DNVVN có vốn phát triển, đó là vay vốn ngân hàng. Đây là mối quan hệ cùng có lợi, cần khuyến khích. Ngay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là đối tượng doanh nghiệp được quan tâm, nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ từ các ngân hàng.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi cho vay với các DNVVN, chất lượng cho vay luôn là vấn đề được các ngân hàng quan tâm hàng đầu. Do đó, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, vấn đề chất lượng cho vay lại càng cần được đảm bảo.
Trong thời gian qua, Sở giao dịch - Ngân hàng TMCP Quân Đội đã đạt được những thành tích nhất định trong việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong tình hình kinh tế hiện nay, chi nhánh cần phát huy những điểm mạnh, đưa ra các biện pháp khắc phục khó khăn để đảm bảo và nâng cao hơn nữa chất lượng cho vay DNVVN.
Qua thời gian thực tập, em đã nghiên cứu thực trạng cho vay DNVVN của Sở giao dịch MB, em đã hoàn thành chuyên đề thực tập với đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở Giao Dịch - Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội”
Mặc dù đã cố gắng, song do trình độ hiểu biết và kinh nghiệm thực tế có hạn nên còn nhiều sai sót, em mong sẽ nhận được sự góp ý, chỉ bảo nhiệt tình của thầy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS Phan Thị Thu Hà (chủ biên) – 2007 – “Giáo trình Ngân hàng thương mại” – Nhà xuất bản đại học kinh tế quốc dân.
2. E.W. Reed & E.K.Gill (1993) - Ngân hàng thương mại – Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
3. TS Nguyễn Minh Kiều – Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại – NXB Thống Kê 2007.
4. Peter Rose (2003) – Quản trị ngân hàng thương mại – Nhà xuất bản Tài chính.
5. Luật các tổ chức tín dụng 2005
6. “Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.” – 2005 – do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
7. Báo cáo kết quả kinh doanh SGD MB qua các năm.
8. Tạp chí ngân hàng, Thị trường tài chính – tiền tệ, Tài chính doanh nghệp các số năm 2011, 2012.
9. Luật doanh nghiệp Việt Nam – 2003 – Quốc hội Việt Nam ban hành. 10. www.vnba.org.vn : website hiệp hội ngân hàng Việt Nam
11.www.hasmea.org.vn : website hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội. 12.www.smenet.com.vn : website thông tin kinh tế hỗ trợ các doanh nghiệp