Có một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ phía ngân hàng:
a. Nguyên nhân từ phía ngân hàng
Thứ nhất, hệ thống thông tin khách hàng mặc dù đã được Sở giao dịch cập nhật, cải tiến và làm thành một hệ thống nội bộ. Tuy nhiên, những thồng tin chỉ giúp được phần nào với các khách hàng truyền thống, đã từng có quan hệ tín dụng với Sở giao dịch. Còn đối với các khách hàng mới, các cán bộ tín dụng gặp phải nhiều khó khăn để thu thập thông tin, và những thông tin này đôi khi
còn rời rạc và điều này gây khó khăn cho những đánh giá của cán bộ thẩm định. Đó là còn chưa xét nhiều trường hợp chất lượng thông tin nội bộ không đáp ứng được yêu cầu của cán bộ thẩm định.
Thứ hai, các cán bộ chưa thật sự tích cực giới thiệu các hình thức cho vay khác nhau phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Sở giao dịch cần phải cho doanh nghiệp biết được ưu thế của từng hình thức cho vay của ngân hàng và sự phù hợp của các hình thức cho vay này với điều kiện của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận các hình thức vay khác ngoài vay từng lần. Đây là nhiệm vụ của cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, do các hình thức vay khác ít được áp dụng nên cán bộ tín dụng thường tư vấn cho khách hàng sử dụng các sản phẩm quen thuộc, ngại triển khai các hình thức mới.
Thứ ba, mặc dù là chi nhánh dẫn đầu toàn hệ thống, nhưng tại Sở Giao Dịch có các cán bộ tín dụng đa số đều là các cán bộ trẻ. Họ có sự năng động, nhiệt huyết với công việc nhưng bên cạnh đó còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng. Và hệ quả là việc thiếu kinh nghiệm cũng bộc lộ những khó khăn nhất định trong công tác thẩm định do các DNVVN hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau rất đa dạng và phong phú. Ngoài ra, các cán bộ tín dụng cũng phải có những hiểu biết nhất định về thị trường. Như vậy, ngân hàng cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ công nhân viên và có chế độ khen thưởng hợp lý để nâng cao chất lượng cán bộ nhân viên.
b. Nguyên nhân từ phía các DNVVN
Thứ nhất, công tác hạch toán kế toán của nhiều DNVVN chưa được thực hiện một cách theo đúng quy định của Nhà Nước. Các báo cáo tài chính tuy đã được kiểm toán nhưng doanh nghiệp bằng một số cách nào đó vẫn có thể tạo ra các thông tin không chính xác, do đó các cán bộ tín dụng rất vất vả mới có thể đánh giá được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp qua các báo cáo tài chính này và cũng không đảm bảo chính xác. Cho nên việc đánh giá dựa trên
các phân tích về báo cáo tài chính là không đủ tin cậy để hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
Thứ hai, trong nhiều trường hợp rủi ro cho vay của ngân hàng lại bắt nguồn từ năng lực quản lý của các DNVVN. Điều này xuất phát từ một trong những đặc điểm của DNVVN: kiến thức, kỹ năng và năng lực quản lý của nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Khi nhận được vốn tài trợ, doanh nghiệp chưa có những xử lý thích hợp với sự biến động liên tục trong hoạt động kinh doanh đã mang đến những khoản cho vay rủi ro với Sở giao dịch.
Thứ ba, các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu rất hạn chế, không có khả năng mở rộng quy mô, không có uy tín và tài sản đảm bảo chưa đủ thuyết phục về cả giá trị lẫn tính pháp lý. Đây cũng là nguyên nhân mà tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp tư nhân chưa được cao.
c. Các nguyên nhân khác
Thứ nhất, nguyên nhân là xuất phát từ môi trường pháp lý. Mặc dù hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động cho vay và hoạt động khác của ngân hàng đã dần hoàn thiện nhưng vẫn còn tồn tại sự thiếu đồng bộ và chặt chẽ trong hệ thống văn bản.
Thứ hai, Nhà Nước vẫn chưa có sự hỗ trợ tài chính thực sự hiệu quả đối với các DNVVN. Mặc dù DNVVN là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số, với số lượng lớn, đa dạng trong nhiều lĩnh vực và có vai trò lớn với nền kinh tế, nhưng cho đến nay chưa có một sự hỗ trợ chính thức nào đối với DNVVN của Chính phủ. Không có gì khác nhau giữa DNVVN và doanh nghiệp lớn trong các quy định về quy trình tín dụng. Chỉ gần đây, NHNN đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ lãi suất và Chính phủ cũng đã đưa ra các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 và 2010 bởi tác động của khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế trong thời kỳ khó khăn chứ không có ý nghĩa hỗ trợ lâu dài trước những khó khăn thường xuyên của DNVVN.
Thứ ba, đặc điểm của loại hình kinh doanh ngân hàng là nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế . Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam từ nửa sau năm 2008 đã có diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoản kinh tế toàn cầu và những khó khăn của khủng hoảng kinh tế bắt đầu có tác động trực tiếp từ đầu năm 2009. Hơn nữa, tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp cũng đã gây những ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam. Bối cảnh trên tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các DNVVN vốn là loại hình doanh nghiệp dễ bị tác động bởi biến động thị trường.
CHƯƠNG III
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHO VAY DNVVN TẠI NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI – SỞ GIAO DỊCH