3. Một số phương pháp dạy học, đánh giá kết quả dạy học, giáo dục với di sản
3.2. Kiểm tra, đánh giá đối với việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông
học và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông
Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm thu thập thông tin, đánh giá quá trình học tập của học sinh, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy của thày, phương pháp học của trò để đạt được mục tiêu giáo dục. Việc kiểm tra đánh giá nói chung và kiểm tra, đánh giá với nội dung có sử dụng di sản trong dạy học phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Đảm bảo tính khách quan, chính xác: Phản ánh chính xác kết quả như nó tồn tại trên cơ sở đối chiếu với mục tiêu đề ra, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đánh giá.
2. Đảm bảo tính toàn diện: Đầy đủ các khía cạnh, các mặt cần đánh giá theo yêu cầu và mục đích, chú ý đến mức độ câu hỏi liên quan tới nội dung di sản văn hóa sao cho phù hợp với kiểu bài kiểm tra và đối tượng học sinh.
3. Đảm bảo tính hệ thống: Tiến hành liên tục và đều đặn theo kế hoạch nhất định, đánh giá thường xuyên, có hệ thống sẽ thu được những thông tin đầy đủ, rõ ràng và tạo cơ sở để đánh giá một cách toàn diện.
4. Đảm bảo tính công khai và tính phát triển: Đánh giá được tiến hành công khai, kết quả được công bố kịp thời, tạo ra động lực để thúc đẩy đối tượng được đánh giá mong muốn vươn lên, có tác dụng thúc đẩy các mặt mạnh, hạn chế mặt yếu. Nhất là khi đánh giá những sản phẩm thu hoạch về di sản của học sinh cần phải đảm bảo khách quan, minh bạch vì những sản phẩm đó không theo một chuẩn nào mà phụ thuộc vào cảm thụ của từng học sinh.
5. Đảm bảo tính công bằng: Đảm bảo rằng những học sinh thực hiện các hoạt động học tập với cùng một mức độ và thể hiện cùng một nỗ lực sẽ nhận được kết quả đánh giá như nhau. Chú ý đánh giá thái độ làm việc của học sinh khi tiếp cận với di sản (sưu tầm, quan sát, ghi chép, phản biện, sản phẩm thu hoạch…)
6. KTĐG kết quả học tập của học sinh phải bảo đảm độ tin cậy, tính giá
trị: Ít nhất trong hai lần kiểm tra khác nhau, cùng một học sinh phải đạt số điểm xấp xỉ hoặc bằng nhau nếu bài kiểm tra có cùng một nội dung và mức độ khó tương đương nhau. Nhiều giáo viên chấm cùng một bài đều cho điểm như nhau hoặc gần như nhau. Kết quả bài kiểm tra phản ánh đúng trình độ, năng lực của người học. Độ tin cậy của bài KTĐG bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là khâu ra đề kiểm tra.
7. Kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm kết hợp giữa sự đánh giá của giáo viên với sự tự đánh giá của học sinh. Để học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh đánh giá qua nhóm. Hoạt động tự đánh giá này đòi hỏi học sinh phải tự nêu nhận xét về kết quả học tập của bản thân hay nhận xét về kết quả học tập của bạn. Hình thức tự đánh giá có thể tiến hành bằng phát biểu ý kiến cá nhân, bình chọn bằng phiếu kín hoặc cho điểm độc lập.
8. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá càng đơn giản, tốn ít thời gian, sức lực và ít chi phí, phù hợp với điều kiện cụ thể càng tốt. Đơn giản không có nghĩa là sơ sài, bài kiểm tra đơn điệu và buồn tẻ với câu hỏi của giáo viên và trả lời của học sinh nhằm tóm tắt những kiến thức có sẵn trong SGK và lời thầy giảng trong vở ghi. Bài kiểm tra đòi hỏi học sinh khả năng hiểu sâu sắc các kiến thức lịch sử và biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Đề kiểm tra phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo các cấp độ tư duy
(Nhận biết, thông hiểu, vận dụng…) để phân hóa học sinh; khuyến khích ra câu hỏi mở để học sinh phát huy tư duy sáng tạo, từ đó kích thích quá trình tìm tòi, khám phá trong học tập.
Hình thức ra đề kiểm tra, đánh giá: Tự luận; Trắc nghiệm khách quan; Kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan. Khuyến khích vận dụng các hình thức kiểm tra đánh giá thông qua các hoạt động học tập ngoài lớp học của học sinh như bài tập nghiên cứu nhỏ, dựa trên các hoạt động sưu tầm; tham quan thực địa, bảo tàng; phân tích đánh giá các số liệu, bản đồ, làm đồ dùng dạy học.
Đánh giá kết quả học tập của HS là một hoạt động rất quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường phổ thông. Đó quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của HS nhằm tạo cơ sở cho những điều chỉnh sư phạm của GV, cho các giải pháp của các cấp quản lí giáo dục và cho bản thân HS, để HS học tập đạt kết quả tốt hơn. Đánh giá kết quả học tập của HS khi GV tiến hành dạy học với di sản có đặc trưng riêng do yêu cầu về mục tiêu, về cách thức tổ chức bài học và phương pháp dạy học có khác biệt so với việc tiến hành các bài học bình thường.
Trong đánh giá kết quả học tập của HS khi dạy học với di sản cần lưu ý thêm đánh giá kết quả giáo dục về sự hiểu biết đối với di sản theo mục tiêu đã xác định và đánh giá các kỹ năng học tập của HS với di sản bởi một trong những yêu cầu của dạy học với di sản là HS phải được hoạt động chủ động tích cực, được trải nghiệm. Vì vậy, cần đánh giá việc hoàn thành những nhiệm vụ của HS do GV giao hoặc theo sự phân công trong nhóm. Khi được giao một nhiệm vụ học tập cụ thể, kết quả hoàn thành nhiệm vụ phải được HS thể hiện qua việc trình bày miệng hoặc trên giấy hoặc trình bày một sản phẩm, một báo cáo; trả lời câu hỏi;...Quan sát việc thực hiện nhiệm vụ học tập của HS cùng những sản phẩm cụ thể ta có thể nhận biết mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các em.
- Trong các câu hỏi của bài kiểm tra định kì, thường xuyên (kiểm tra viết và miệng) GV nên thiết kế một câu hỏi, ý hỏi có nội dung liên quan đến di sản mà HS được tiếp cận, ví dụ: Mô tả lại hiện tượng, sự vật; nêu ý nghĩa của chúng; nhận xét, bình luận về chúng. GV cũng có thể hỏi về cách thức thu thập, xử lý thông tin của HS khi tìm hiểu về di sản hoặc những hiểu biết về di sản liên quan đến nội dung bài học.
- Trong đánh giá kết quả học tập môn học, thang điểm 10/10 được sử dụng để đánh giá theo quy định, có thể dành một phần điểm đó cho việc đánh giá kết quả giáo dục về di sản của HS. Có thể dành từ 1 đến 2 điểm cho những câu hỏi về kiến thức liên quan đến di sản hoặc về kỹ năng liên quan đến việc tìm hiểu di sản.
- Dạy học với di sản, tổ chức cho HS tìm hiểu di sản GV nên sử dụng phương pháp đánh giá bằng quan sát trực tiếp của mình đối với các họat động của HS. GV quan sát các biểu hiện cụ thể trong lời nói, hành động, thái độ, việc làm của HS để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu giờ học/ buổi học với di sản của các em. Để quan sát đạt hiệu quả, GV cần: Xác định mục tiêu đánh giá, địa điểm, thời gian và đối tượng quan sát; Xây dựng bảng điểm hoặc bảng tiêu chí quan sát, thang điểm; Căn cứ vào bảng điểm hoặc bảng các tiêu chí để ghi kết quả quan sát.
- Kết quả học tập với di sản đôi khi được thể hiện qua các sản phẩm HS tạo được trong quá trình thu thập và xử lý thông tin về di sản. Đó có thể là báo cáo của cá nhân, của nhóm theo nhiệm vụ GV giao cho HS trước khi tiến hành bài học. Đó cũng có thể là một tập hợp các mẫu vật, bài viết giới thiệu theo đề cương đã được duyệt thể hiện các mục tiêu đạt được của bài học/hoạt động giáo dục. Hoặc một cuộc triển lãm kết quả các em thu được từ bài học tại địa điểm có di sản được bố trí theo nội dung của bài học một cách hệ thống. GV cần xác định mục tiêu đánh giá, xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm. Trong các tiêu chí đánh giá cần phân định theo nội dung cần tìm hiểu; mức độ sâu sắc của các phân tích, xử lý thông tin; đặc sắc của nhận xét cá nhân/ nhóm; cách thức trình bày lôgic, hấp dẫn, đẹp,... Nên sử dụng thang đánh giá để làm rõ mức độ đạt được mục tiêu của các sản phẩm để có thể đánh giá một cách khách quan sản phẩm các cá nhân/ nhóm HS đạt được và phân loại mức độ đạt được của HS.
- Trong quá trình dạy học với di sản, GV có thể hướng dẫn HS tự đánh giá kết quả học tập của mình. GV nên làm mẫu và nhận xét. HS có thể bắt đầu bằng cách viết những suy xét của mình ra giấy hoặc nói với những bạn khác. Sau đó có thể giúp HS tiến tới những hình thức đánh giá phức tạp hơn bằng cách GV đưa ra những câu hỏi như: “Có thể cho tôi biết em đã làm gì khi tiến hành bài học tại địa điểm có di sản?”; “Em thích phần nào trong bài trình bày về di sản của mình/nhóm mình?”...
Phần III. THỰC HÀNH LẬP KẾ HOẠCH VÀ THIẾT KẾ GIÁO ÁN DẠY HỌC VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CÓ SỬ DỤNG DI