Một số phương pháp dạy học với di sản

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU SỬ DỤNG DI SẢN VĂN HÓA TRONG DẠY HỌC VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG THPT (Trang 36)

3. Một số phương pháp dạy học, đánh giá kết quả dạy học, giáo dục với di sản

3.1.Một số phương pháp dạy học với di sản

3.1.1. Việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông trước hết phải thông qua các phương pháp truyền thống phù hợp với từng môn học như:

- Trình bày miệng:

Trong dạy học nói chung, trình bày miệng có ý nghĩa quan trọng, bởi vì lời nói giữ vai trò chủ đạo đối với việc giảng dạy của GV và học tập của HS. Việc trình bày miệng không chỉ giúp HS khôi phục hình ảnh về nội dung bài học đang nghiên cứu mà còn giúp các em nhận thức sâu sắc kiến thức, trình bày những suy nghĩ, hiểu biết trong nghiên cứu, tìm tòi.

Có nhiều cách trình bày miệng như tường thuật, miêu tả, kể chuyện, giải thích,… GV cần phải căn cứ vào đặc trưng môn học để sử dụng cho phù hợp. Song khi sử dụng các cách của trình bày miệng đều phải đảm bảo yêu cầu phát huy tính tích cực của HS.

- Sử dụng đồ dùng trực quan, kết hợp với miêu tả, tường thuật…

Trực quan là một trong những nguyên tắc cơ bản của lý luận dạy học, nhằm tạo cho HS những biểu tượng và hình thành các khái niệm trên cơ sở trực tiếp quan sát hiện vật đang học hay đồ dùng trực quan minh hoạ sự vật.

Dạy học một số bộ môn với di sản có thể sử dụng các loại đồ dùng trực quan như:

+ Đồ dùng trực quan hiện vật, bao gồm những di tích văn hoá, di tích lịch sử và cách mạng, những di vật khảo cổ hoặc di vật thuộc các thời đại lịch sử.

Đồ dùng trực quan hiện vật là một loại tài liệu gốc rất có giá trị, có ý nghĩa to lớn về nhận thức, giáo dục và phát triển HS. Song loại đồ dùng trực quan này không có sẵn trong trường phổ thông mà được gìn giữ trong nhà bảo tàng, hoặc ở nơi có di tích và không còn được nguyên vẹn. Vì vậy, khi sử dụng các hiện vật trong dạy học cần phát huy trí tưởng tượng tái tạo, tư duy lịch sử để HS hình dung đúng đời sống hiện thực của quá khứ. Trong điều kiện thuận lợi, GV nên tổ chức dạy học trong các viện bảo tàng ở trung ương, địa phương hay ở ngay các địa điểm có di tích, tức là tiến hành bài học tại nơi có di sản (như đã trình bày ở trên).

+ Đồ dùng trực quan tạo hình, bao gồm mô hình, sa bàn và các loại đồ phục chế khác, hình vẽ, phim ảnh, ảnh. Loại đồ dùng trực quan này, GV có thể khai thác, sưu tầm, chụp ảnh từ các di sản đem về trường phổ thông để dạy học. Đó là hình thức sử dụng tài liệu, tranh ảnh… về di sản để tiến hành bài học ở trên lớp.

+ Loại đồ dùng trực quan quy ước, bao gồm các loại bản đồ, đồ thị, sơ đồ, bảng biểu,… Loại đồ dùng trực quan này, GV cũng có thể khai thác, sưu tầm

từ bảo tàng, di tích hoặc dựa vào tài liệu viết về di sản để xây dựng phục vụ các bài học tiến hành ở trên lớp hay bài học tại di sản (thực địa).

Khi sử dụng các loại đồ dùng trực quan trên, GV phải căn cứ vào đặc trưng môn học, đối tượng HS để có phương pháp sử dụng phù hợp. Song dù vận dụng vào bất kỳ môn học nào thì đều phải phát huy tính tích cực, chủ động của HS.

- Sử dụng phương pháp trao đổi, đàm thoại: Đây là việc mà GV nêu ra các câu hỏi để HS trả lời, đồng thời các em có thể trao đổi với nhau, dưới sự chỉ đạo của thầy, qua đó đạt được mục đích học tập đề ra. Tuỳ theo môn học, có thể vận dụng các dạng trao đổi như tái hiện tài liệu, trao đổi phân tích và khái quát hóa, trao đổi tìm tòi phát hiện, trao đổi ôn tập, tổng kết, trao đổi kiểm tra,… Trong trao đổi đàm thoại GV đặt câu hỏi và tổ chức cho HS trả lời hoặc trao đổi với nhau để tìm ra ý kiến đúng, thậm chí trong quá trình trao đổi HS có thể tự đặt câu hỏi và trả lời. Song vấn đề quan trọng khi vận dụng phương pháp này là chất lượng của câu hỏi. Câu hỏi đưa ra cho HS trao đổi phải bảo đảm các yêu cầu sư phạm mà lý luân dạy học bộ môn quy định.

Khi sử dụng di sản trong dạy học một số môn học ở trường phổ thông cần thiết phải sử dụng trao đổi, đàm thoại kết hợp với các phương pháp đã nêu ở trên.

Ví dụ, khi sử dụng tranh, ảnh về di sản trong bài học trên lớp GV phải hướng dẫn HS quan sát, nêu câu hỏi gợi mở để HS tìm hiểu nội dung bài học thể hiện qua tranh ảnh, trao đổi thảo luận, trình bày ý kiến trước lớp. Cuối cùng GV đánh giá, chốt lại thành kiến thức.

3.1.2. Sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học hiện đại

Trong đổi mới phương pháp dạy học nói chung, cần kế thừa, phát triển mặt tích cực của hệ thống phương pháp dạy học quen thuộc, đồng thời phải học hỏi, vận dụng một số phương pháp dạy học mới và phương tiện dạy học hiện đại phù hợp với điều kiện của đất nước, nhà trường Việt Nam.

- Học theo hợp đồng: “ Là một hoạt động học tập trong đó mỗi HS được giao một hợp đồng trọn gói bao gồm các dịch vụ (bài tập) bắt buộc và tự chọn khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. HS chủ động và độc lập quyết định về thời gian cho mỗi nhiệm vụ (bài tập) và thứ tự thực hiện các nhiệm vụ (bài tập) đó theo khả năng của mình.

Học theo hợp đồng, GV là người thiết kế, xây dựng các nhiệm vụ trong hợp đồng, tổ chức, hướng dẫn HS nghiên cứu hợp đồng, kí kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng theo năng lực, trình độ và nhịp độ học tập của cá nhân nhằm đạt được mục tiêu dạy học.

Hợp đồng học tập có thể hiểu là một nhiệm vụ thống nhất và khả thi giữa hai bên GV và cá nhân HS, theo đó cam kết của HS sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Hợp đồng học tập còn được gọi với các tên khác như: Kế hoạch học tập, thỏa thuận thực hiện, cam kết học tập.”

Quy trình thực hiện học theo hợp đồng bao gồm:

+ Chọn nội dung và thời gian phù hợp. Đối với công việc này, GV cần xác định nội dung nào của môn học có thể tổ chức dạy học theo phương pháp này. Đối với các môn khoa học xã hội, phương pháp này phù hợp với những bài ôn tập, tổng kết hoặc bài nghiên cứu kiến thức mới. Nhiệm vụ bắt buộc được xây dựng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của bài học. Nhiệm vụ tự chọn là những nhiệm vụ mang tính chất củng cố, mở rộng, nâng cao hoặc liên hệ thực tế.

Thời gian học theo hợp đồng tùy thuộc vào nội dung bài học. HS có thể thực hiện nhiệm vụ bắt buộc ở trên lớp, còn nhiệm vụ tự chọn có thể thực hiện ngoài giờ học hoặc ở nhà.

+ Thiết kế kế hoạch bài học để tổ chức cho HS học theo hợp đồng, trong đó có hai yếu tố cần xác định là mục tiêu bài học và phương pháp dạy học chủ yếu. Khi thiết kế kế hoạch bài học cần có sự chuẩn bị của cả GV và HS. Việc xây dựng hợp đồng học tập của GV bao gồm: Văn bản hợp đồng; thiết kế các nhiệm vụ hoạt động như phương tiện, tài liệu (tư liệu nguồn, bản hướng dẫn theo mức độ hỗ trợ, bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, đáp án…).

Phương pháp dạy học chủ yếu là thực hiện học theo hợp đồng, song cần phải sử dụng phối hợp với các phương pháp, kĩ thuật khác.

+ Học theo hợp đồng bao gồm các công việc: Tổ chức kí và thực hiện hợp đồng, tổ chức trao đổi, chia sẻ giữa cá nhân hoặc giữa các nhóm với nhau về những nhiệm vụ đã thực hiện trong bản hợp đồng (công việc này cần thực hiện một cách linh hoạt); kết thúc hợp đồng. Bước kết thúc hợp đồng có thể thực hiện ngay trong tiết học nếu là hợp đồng ngắn hạn, hoặc có thể đến hết tiết sau nếu là hợp đồng dài hạn. Kết thúc hợp đồng HS tự đánh giá lẫn nhau, GV nhận xét, đánh giá việc thực hiện hợp đồng của HS.

Thực hiện học theo hợp đồng cho phép nhân hóa nhịp độ và trình độ của HS. Đồng thời vận dụng phương pháp này sẽ tăng cường tính độc lập của HS, tăng cường học tập hợp tác… Mặt khác GV có cơ hội hướng dẫn cá nhân HS, tạo điều kiện cho HS được nhận và thực hiện trách nhiệm học tập của mình. Song muốn sử dụng phương pháp học tập theo hợp đồng, GV phải lựa chọn nội dung phù hợp, luyện tập dần để HS làm quen với phương pháp mới và cần phải đầu tư thời gian khi thiết kế hợp đồng.

- Dạy học theo dự án: Là một hình thức (phương pháp nghĩa rộng) dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, thực tiễn. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả…làm việc nhóm là dạng tổ chức hoạt động chủ yếu của dạy học dự án.

Dạy học dự án có các đặc điểm: Định hướng thực tiễn, định hướng HS (hối thúc hành động), định hướng sản phẩm.

Có thể tổ chức dạy học dự án theo trình tự sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Lựa chọn đề tài và xác định mục đích của dự án. Đây là công đoạn đầu tiên rất quan trọng. Trong giai đoạn này, GV và HS cùng nhau đề xuất, xác định đề tài và mục đích của dự án.

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, trong đó cần xác định những công việc cần làn, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

+ Thực hiện dự án: Các thành viên thực hiện kế hoạch đề ra, trong đó HS cần kết hợp các hoạt động trí tuệ với hoạt động thực tiễn, thực hành như thu nhập thông tin qua báo chí, Internet, thư viện, thực nghiệm, quan sát; xử lí thông tin, thảo luận trong nhóm, trao đổi, xin ý kiến GV.

+ Thu thập kết quả và công bố sản phẩm: HS cần tập hợp tất cả các kết quả thành một sản phẩm cuối cùng. Kết quả dự án có thể trình bày bằng nhiều hình thức khác nhau như báo cáo, thu hoạch, đóng kịch…

+ Đánh giá dự án: GV và HS đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Dạy học theo dự án góp phần gắn lí thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, kích thích động cơ và hứng thú của người học. Đồng thời dạy học theo dự án còn góp phần phát huy tính tích cực, tính trách nhiệm sáng tạo, bền bỉ kiên nhẫn trong công việc của HS. Song để vận dụng dạy học theo dự án trong môn học GV cần lựa chọn nội dung phù hợp và hướng dẫn HS chuẩn bị chu đáo.

3.1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

Hiện nay, trong dạy học các bộ môn ở trường phổ thông, để đảm bảo yêu cầu nghe nhìn của HS, bên cạnh các đồ dùng trực quan truyền thống, GV cần thiết sử dụng máy vi tính với các phần mềm thông dụng mà phổ biến

hiện nay là phần mềm Microsoft Power Point. Ứng dụng CNTT vào dạy học ở trường phổ thông có tác dụng thiết thức trong việc tạo hứng thú học tập và tích cực hóa hoạt động của các em để góp phần đạt được mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện HS. Đây là một biện pháp tích cực góp phần vào đổi mới PPDH hiện nay. Song khi sử dụng CNTT vào dạy học các bộ môn cần phải lưu ý:

- Sử dụng CNTT nói chung, phần mềm Power Point nói riêng vào dạy học phải đảm bảo mục tiêu giáo dục, mục tiêu môn học được thể hiện qua mục tiêu bài học.

- Sử dụng phần mềm Power Point phải góp phần đảm bảo tính trực quan trong dạy học. Khả năng trình bày đa phương tiện và tương tác của phần mềm Power Point phải có tác dụng gây hứng thú học tập của HS một cách tích cực.

- Tuy vậy, không nên “lạm dụng” việc sử dụng CNTT vào dạy học, biến giờ học thành giờ “ trình diễn hình ảnh”, dạy học theo “kiểu nhìn chép” và HS chỉ đóng vai trò “khám thị” một cách say mê cho thích mắt song bị động và không có tác dụng nhiều trong việc tiếp thu kiến thức.

- Các trường THPT (kể cả THCS) ở những mức độ, hình thức khác nhau, theo điều kiện cụ thể của mình đều có thể và ứng dụng CNTT vào dạy học, trong đó chủ yếu là sử dụng phần mềm Power Point và các phần mềm khai thác khác.

- Cần bảo đảm đúng yêu cầu tiến hành bài học ( bài nghiên cứu kiến thức mới, bài ôn tập, kiểm tra) và luôn chú ý phát huy tính tích cực của HS trong giờ học có sử dụng thành tựu CNTT, làm cho HS tham gia vào quá trình học tập, chức năng chủ “ khám thị”.

Sử dụng di sản trong dạy học một số bộ môn có ưu thế ở trường phổ thông có khả năng và cần thiết ứng dụng CNTT, GV bộ môn có thể khai thác các tranh, ảnh, hiện vật, dấu tích… của di sản xây dựng thành những phần mềm phục vụ các bài học ở trên lớp, hay hoạt động ngoại khóa tại trường phổ thông. Tuy nhiên, khi sử dụng những phần mềm đã xây dựng trong dạy học đều phải chú ý những điều đã nêu ở trên và phù hợp với đặc trưng của bộ môn.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU SỬ DỤNG DI SẢN VĂN HÓA TRONG DẠY HỌC VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG THPT (Trang 36)