III. Nguy cơ mắc “bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam
2. Sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ
giá rẻ
Trong thời gian qua, Việt Nam đã coi nguồn tài nguyên, hay lực lượng lao động đông đảo, cần cù, giá rẻ là lợi thế cạnh tranh của mình và cũng là nguồn lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ mất dần những lợi thế truyền thống đó bởi nguồn tài nguyên trong nước đang cạn kiệt dần, bên cạnh đó về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ lại chính là nỗi lo lớn của nền kinh tế.
- Về tài nguyên thiên nhiên:
Thu nhập của Việt Nam hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên, gồm có: Dầu thô, than đá, các khoáng sản, gỗ, gạo, thuỷ sản, cao su, cà phê. Thủy sản cũng chỉ mới là đông lạnh, chưa có chế biến.
• Về tài nguyên khoáng sản:
Ở nước ta hiện nay có một số loại khoáng sản có trữ lượng khá, như: Bô xít, than đá, đất hiếm nhưng giá trị kinh tế không thật cao, và thế giới có rất nhiều. Trữ lượng bô xít của nước là được thế giới ghi nhận là 2,1 tỷ tấn (thế giới là 27 tỷ tấn); sắt chúng ta có khoảng 760 triệu tấn (thế giới là 160.000 tấn); than đá chúng ta có 3,46 tỷ tấn (thế giới có trên 1.040 tỷ tấn).
Than đá ở Quảng Ninh chúng ta có khoảng 3,46 tỷ tấn, với nước ta, trữ lượng như thế là nhiều, nhưng nếu so sánh với thế giới thì chỉ bằng 3‰. Hiện nay, theo dự báo của ngành Than Việt Nam, thì nguy cơ phải nhập khẩu than đang hiện hữu chỉ trong vài ba năm nữa với hàng triệu tấn than nhập khẩu mỗi năm.
Dầu khí của chúng ta cũng tương tự. Sản lượng dầu khí chúng ta có thể khai thác được là 1,2 tỷ tấn dầu quy đổi, tính ra, trữ lượng dầu mỏ của chúng ta cũng chưa vượt quá 3‰ của thế giới, và nhiều khả năng cũng chỉ đáp ứng cho việc khai thác trong khoảng 20 năm nữa chứ không phải là 30 năm nữa như đã dự báo; đồng của chúng ta chỉ bằng 1‰ thế giới, với hơn 5 trăm nghìn tấn.
Như vậy, về các loại tài nguyên không thể phục hồi, trong tương lai xa chúng ta không thể coi những yếu tố này là “cứu cánh” cho nên kinh tế như cách chúng ta đã và đang làm được.
• Về các loại tài nguyên khác:
Việt Nam là một quốc gia có điều kiện tự nhiên rất phong phú: có bờ biển trải dài theo chiều dài của đất nước, diện tích rừng lớn, khí hậu đa dạng,… vì thế, chúng ta có lợi thế về các loại tài nguyên như thủy sản, gỗ, các loại nông sản và cây công nghiệp. Cùng với khoáng sản, đây chính là nguồn xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Trong thời gian qua, chúng ta đã tính đến việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên này bằng các chính sách khuyến khích có hiệu quả. Tuy nhiên, việc tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm này lại không được chú ý một cách nghiêm túc. Vì thế, dù chúng ta đã xuất khẩu một khối lượng lớn các tài nguyên này nhưng giá trị đem lại lại không cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chủ yếu chỉ
xuất đi sản phẩm thô nên giá trị không cao, bên cạnh đó chất lượng sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức.
Trong năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 56,7 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt khoảng 15 tỷ USD, bao gồm nông sản đạt trên 8 tỷ USD, thủy sản trên 4 tỷ USD, lâm sản trên 2 tỷ USD. Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, mặt hàng dệt may đạt 9,1 tỷ USD, da giầy đạt khoảng 4,1 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 2,7 tỷ USD. Như vậy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 thì xuất khẩu các mặt hàng gỗ, thủy sản, nông sản đã chiếm một phần đáng kể. Tuy nhiên, các sản phầm xuất khẩu hầu hết là sản phẩm thô chưa qua chế biến hoặc hàm lượng chế biến rất ít nên lượng hàng xuất khẩu cao nhưng giá trị lại thấp. Nếu như được đầu tư chế biến hợp lý, giá trị các mặt hàng này sẽ tăng đáng kể theo đó giá trị xuất khẩu đóng góp trong GDP cũng tăng lên.
- Về nguồn nhân lực:
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là nơi dự trữ, cung cấp nguồn nhân lực rất dồi dào. Giá nhân công rẻ chính là yếu tố để họ xem xét đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, không nên coi đây là một lợi thế của đất nước. Nếu như tính đến phát triển bền vững thì nguồn nhân lực giá rẻ lại là sự bất ổn cho nền kinh tế. Bởi, lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng lao động thấp, kéo theo mức trả lương cho người lao động thấp, đồng thời chất lượng nguồn nhân lực cũng không thể đáp ứng được xu thế đổi mới, sử dụng công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp. Coi lao động giá rẻ (chất lượng thấp) như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động (NSLĐ). Nâng cao NSLĐ là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, đến việc tạo ra giá trị thặng dư, tạo điều kiện cho tích lũy tái đầu tư và nâng cao thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán và cải thiện đời sống. Hơn nữa, NSLĐ cao là yếu tố quyết định đến hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).