Nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực nước ngoà

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM KHI TRỞ THÀNH NƯỚC CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH (Trang 93)

III. Nguy cơ mắc “bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam

1.Nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực nước ngoà

Những gì mà chúng ta đã làm để vượt qua khỏi ngưỡng đói nghèo phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực, vào các chính sách mở cửa với các luồng vốn FDI, trong khi những nguồn nội lực thì chưa được phát huy một cách hiệu quả và tích cực. Sự

phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài này có thể giúp Việt Nam tăng trưởng tới mức thu nhập trung bình, thậm chí có thể trung bình cao, nhưng rất có thể cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi - hay nói cách khác là đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

- Quá chú trọng thu hút FDI mà không tính đến hệ lụy của nó:

Kể từ khi ban hành năm 1987 đến nay, Luật đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần với các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000; cùng với các văn bản dưới Luật đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo luật thông thoáng, hấp dẫn, về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong hơn 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi FDI. Không thể phủ nhận các nỗ lực này đã góp phần gia tăng nguồn vốn FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và làm thay đổi diện mạo nhiều tỉnh, thành phố.

Cũng phải ghi nhận vai trò của khu vực có vốn nước ngoài đối với nền kinh tế khi nó chiếm khoảng 3,5% tăng trưởng GDP xét theo thành phần kinh tế, và đóng góp từ 20-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tùy vào mức độ giải ngân. FDI cũng tạo ra 4,1% tổng việc làm trong xã hội.

Tuy nhiên, do chạy theo số lượng FDI, các địa phương sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của đất nước có thể bị bán rẻ. Để thu hút được nhiều vốn FDI vào địa phương mình, nhiều tỉnh đã tự ý “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá mức về thuế (đã biến tướng để tránh các quy định của Nhà nước về thuế), đất đai, lao động, làm thiệt hại quyền lợi đất nước. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho Việt Nam từ FDI không tương xứng với giá trị của nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi. Cách thức thu hút FDI như hiện nay đã tạo ra sự mất cân đối về ngành nghề, vùng lãnh thổ. Điều này sẽ là một trở ngại đối với Việt Nam trên con đường phát triển.

- Vốn từ nước ngoài không ổn định:

Một điểm đáng chú ý khác là việc Việt Nam tăng trưởng nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực nước ngoài. Sự phụ thuộc này sẽ khiến cho chúng ta tăng trưởng không ổn định và dễ rơi vào khủng hoảng một khi tình hình kinh tế thế giới diễn biến xấu. Nguồn vốn từ nước ngoài thường không ổn định giữa các năm. Nó một phần phụ thuộc vào môi trường đầu tư trong nước, ngoài ra nó còn phụ thuộc

rất lớn vào tình hình kinh tế thế giới và xu hướng vận động của dòng vốn FDI. Trong hơn 20 năm thu hút FDI, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam có những biến động qua từng giai đoạn phát triển.

•Trong 3 năm 1988-1990, mới thực thi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nên kết quả thu hút vốn ĐTNN còn ít (214 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới 1,6 tỷ USD), ĐTNN chưa tác động đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước.

•Thời kỳ 1991-1996 được xem là thời kỳ “bùng nổ” ĐTNN tại Việt Nam (có thể coi như là “làn sóng ĐTNN” đầu tiên vào Việt Nam) với 1.781 dự án được cấp phép có tổng vốn đăng ký (gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn) 28,3 tỷ USD và có tác động tích cực đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước.

•Trong 3 năm 1997-1999 có 961 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD; nhưng vốn đăng ký của năm sau ít hơn năm trước. Cũng trong thời gian này nhiều dự án ĐTNN được cấp phép trong những năm trước đã phải tạm dừng triển khai hoạt động do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính (đa số từ Hàn Quốc, Hồng Kông).

•Từ năm 2000 đến 2003, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi chậm. Và có xu hướng tăng nhanh từ năm 2004, đặc biệt trong 2 năm 2006-2007, dòng vốn ĐTNN vào nước ta đã tăng đáng kể (32,3 tỷ USD). Sang năm 2008 đánh dấu một bước nhảy vọt về ĐTNN với 1.171 dự án được cấp mới có tổng vốn đăng kí đạt hơn 60,2 tỷ USD tăng 222% so với năm 2007.

•Trong năm 2009 cả nước có 839 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng kí là 16,34 tỷ USD, chỉ bằng 24,6% so với năm 2008. Sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Từ thực trạng trên có thể thấy, nguồn vốn FDI rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước tuy nhiên vì tính không ổn định của nó, sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài sẽ dẫn đến sự tăng trưởng không bền vững và là nguy cơ rất lớn đặt Việt Nam vào “bẫy thu nhập trung bình”.

- Nguồn vốn ODA chưa được sử dụng hiệu quả

Trong thời gian qua, Việt Nam không ngừng thu hút nguồn vốn ODA từ Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc cam kết vốn ODA cho Việt

Nam mới chỉ là sự ủng hộ về chính trị của cộng đồng tài trợ quốc tế, việc giải ngân nguồn vốn này nhằm tạo ra các công trình, sản phẩm kinh tế - xã hội cụ thể để đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước mới là quan trọng.

Biểu đồ 3.1.1: cam kết, kí kết, giải ngân vốn ODA từ 1993 đến 2008

Trong thời kỳ 1993-2008 (tính đến hết tháng 10 năm 2008), tổng vốn ODA giải ngân đạt 22,065 tỷ USD, chiếm 52% tổng vốn ODA cam kết và 62,65% tổng vốn ODA ký kết.

Có thể nhận thấy trong tình hình giải ngân vốn ODA có những cải thiện nhất định với chiều hướng tích cực qua các năm. Tuy nhiên, mức giải ngân này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp hơn mức trung bình của thế giới và khu vực đối với một số nhà tài trợ cụ thể. Đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia bởi thực chất nguồn vốn ODA phần lớn là nguồn vốn vay lãi suất thấp. Như thế có nghĩa, thế hệ sau sẽ phải gánh vác trách nhiệm trả nợ cho thế hệ trước, vì vậy sự lãng phí này sẽ là bước cản lớn đối với Việt Nam trong việc bứt phá trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai.

- Nguồn lực trong nước không được phát huy tối đa:

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi “Nội lực là quyết định, ngoại lực là

đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nội lực của chúng ta vẫn chưa được xem trọng và khai thác có hiệu quả. Ngoại trừ nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý vốn là thứ "trời cho", những yếu tố chủ quan tạo nên sức mạnh hay nội lực của một dân tộc bao gồm sức mạnh tài chính (nguồn vốn và chính sách tài chính), sức mạnh của nguồn lực con người tức lực lượng lao động (số lượng và kỹ năng được đào tạo), sức mạnh trí tuệ (dân trí và năng lực sáng tạo của toàn dân) và cuối cùng là sức mạnh của nhân tố lãnh đạo.

Thứ nhất về yếu tố tài chính: Ngày nay, người Việt đang trở nên giàu có, hằng năm Việt kiều gửi về nước cho người thân hàng tỷ USD. Rõ ràng nguồn vốn trong dân là nguồn tài chính đáng kể cho quá trình phát triển. Trong khi chúng ta phải chật vật huy động mọi nguồn vốn đầu tư từ các nguồn ODA, FDI,… thì nguồn vốn quan trọng này lại bị xem nhẹ. Hiện nay có sự bất hợp lý trong việc khai thác sức mạnh tài chính quốc gia. Một khoản tiền rất lớn trong dân cư được huy động vào khu vực bất động sản như một phương thức để dành hay đầu cơ. Trong khi lẽ ra nguồn vốn này phải được đầu tư vào các dự án mở rộng sản xuất hay dịch vụ tạo nhiều việc làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp khá cao ở khu vực nông thôn và thành thị hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ nằm ở chính sách đất đai và phát triển đô thị còn nhiều bất hợp lý và khá mờ ảo, mà còn do nhà nước chưa có một chính sách kích thích sản xuất kinh doanh thỏa đáng.

Thứ hai về nguồn lực con người: Với gần 86 triệu dân (năm 2009), Việt Nam là nước đông dân xếp thứ 13 trên thế giới, nhưng ưu thế đáng kể hơn là trong khi ở các nước phát triển, tháp dân số ngày càng trở nên già cỗi thì Việt Nam lại có tháp dân số trẻ. Trên 60% dân số Việt Nam là những người đang tuổi lao động. Lực lượng lao động là nền tảng của sức mạnh dân tộc và nguồn nhân lực dồi dào này sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đang trong tình trạng mất cân đối trong lực lượng lao động. Hiện nay, chúng ta có thừa những người làm giám đốc, nhà quản lý, nhưng lại rất thiếu đội ngũ công nhân chuyên nghiệp lành nghề. Điều đáng lo ngại hơn là trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chúng ta không quản lý và điều chỉnh được sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kình tế không chỉ là phân bố lại lực lượng sản xuất mà đồng thời phải tổ chức lại sản xuất. Từ lâu chúng ta yên tâm với những thành công của chính sách khoán hộ trong nông nghiệp mà không thấy rằng chính sách này cũng đã trở nên lạc

hậu và không còn thích hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại. Về bản chất, nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là sản xuất nhỏ, người sản xuất vẫn bị trói buộc với sự manh mún của ruộng đất trong khi nhà nước chưa có giải pháp cơ bản nào để giúp người nông dân thực hiện quá trình tích tụ vốn lớn. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lớn khi những người sản xuất nông nghiệp không đủ sức mạnh cạnh tranh trong khi chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thứ ba về sức mạnh trí tuệ, trước hết, hãy xem xét sự phát triển sức mạnh trí tuệ Việt Nam, tức nâng cao dân từ thông qua giáo dục, đào tạo hiện nay. Một trong những nguyên nhân làm Việt Nam rơi vào vực xoáy của sự kém phát triển là căn bệnh giáo dục xa rời thực tiễn. Trong quá khứ cũng như hiện tại, nội dung giảng dạy trong các trường học xa rời thực tế đời sống sản xuất kinh doanh hay nói khác đi "đầu ra" của giáo dục không đáp ứng nhu cầu để phát triển xã hội. Cũng như tầng lớp hủ nho thời phong kiến, đội ngũ trí thức Việt Nam đang bị lãng phí do nền giáo dục và đào tạo chưa tương thích về mặt xã hội, khoa học và công nghệ với thời đại cũng như với quá trình hội nhập.

Cuối cùng là về nhân tố lãnh đạo, trước hết, cần nhớ rằng lãnh đạo không có nghĩa là cầm quyền. Người lãnh đạo ở các cấp phải ý thức rất rõ rằng mình là lực lượng của sự phát triển chứ không phải là yếu tố đứng trên sự phát triển. Yếu tố quan trọng trong lãnh đạo là sự sáng suốt của hệ thống chính trị, đội ngũ các nhà hoạt động chính trị. Nhà lãnh đạo không thể xa rời thực tế cuộc sống, tin vào những kết luận rút ra từ những tín điều xơ cứng để áp đặt cho sự phát triển của cuộc sống vốn chỉ tuân theo quy luật của riêng nó.

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM KHI TRỞ THÀNH NƯỚC CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH (Trang 93)