Thực hiện cải cách hành chính và cải cách tư pháp

Một phần của tài liệu Văn hóa nhân quyền - nhận thức cơ bản và các giải pháp xây dựng văn hóa nhân quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 114)

Cùng với việc triển khai thực hiện Hiến pháp về quyền con người, chúng ta cũng cần kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, đặc biệt là bộ máy hành chính Nhà nước. Bởi do bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, nặng nề, trì trệ ở các ngành, các địa phương đã làm giảm hiệu lực các chính sách nhà nước về nhân quyền, làm ảnh hưởng đến vấn đề hưởng thụ văn hóa nhân quyền đối với người dân. Cần tăng cường nâng cao từng bước hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước. Hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết. Trong bộ máy Nhà nước cần phải có một đội ngũ cán bộ với số lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất và năng lực tốt mới đảm bảo cho việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Phải có cách quản lý mới đảm bảo sao cho mỗi cán bộ, công chức nhà nước có thể phát huy hết năng lực cá nhân, tăng hiệu suất làm việc, giải quyết đúng đắn và nhanh chóng các công việc có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Có như vậy mới có thể góp phần xây dựng nền văn hóa nhân quyền phát triển và bền vững.

Đồng thời, với việc cải cách hành chính, cần đẩy mạnh cải cách tư pháp, thực hiện xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, độc lập xét xử và có hiệu quả, hiệu lực cao, đáp ứng ngày càng đầy đủ, thuận lợi các nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của nhân dân; các thủ tục tố tụng theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; xét xử đúng người, đúng tội…

108

Trước tiên cần tăng cường hiệu quả tòa án, đảm bảo công bằng và giảm tình trạng oan sai trong xét xử.

Tòa án, một thiết chế đặc biệt quan trọng để bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền con người. Tòa án là một thiết chế nền tảng, trung tâm để bảo vệ, thực thi các quyền con người. Tòa án hoạt động không hiệu quả, quyền được xét xử công bằng trong các vụ án tử hình, hành chính hay trong các tranh chấp dân sự, kinh tế không được đảm bảo thì khó có thể bảo vệ các quyền khác, kể từ quyền đối với tài sản đến các quyền về nhân phẩm, sức khỏe,… [27, tr.452].

Tiếp theo, thay đổi vai trò của Viện Kiểm sát. Hiện nay, Viện Kiểm sát giữ chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Cần hướng Viện Kiểm sát thành Viện Công tố, tăng cường trách nhiệm công tố và giảm hoặc loại bỏ chức năng kiểm sát. Với mục đích tạo ra sự cân bằng, giữa một bên là Viện Kiểm sát và một bên là Luật sư, nhằm đảm bảo sự khách quan, vô tư trong quá trình xét xử. Hội đồng xét xử sẽ giữ vai trò quyết định và đưa ra phán xét cuối cùng, căn cứ trên sự tranh luận và chứng cứ giữa các bên đưa ra và hồ sơ vụ án.

Nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tư pháp. Luật sư phải là người đại diện thực sự cho thân chủ. Sự tham gia của luật sư là để giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng, nhanh chóng làm sáng tỏ bản chất thật sự của vụ án, tránh và giảm thiểu đến mức thấp nhất oan sai, không vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng.

Xây dựng một cơ quan chuyên trách có chức năng giám sát và bảo vệ nhân quyền như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện là Ủy ban nhân quyền Quốc gia hoặc Tổng thanh tra về nhân quyền (Ombudsman/ Commissioner). Nhằm thực hiện tốt vấn đề thực thi và bảo đảm quyền con người, nhằm xây dựng tốt nền văn hóa nhân quyền tại Việt Nam.

109

Một phần của tài liệu Văn hóa nhân quyền - nhận thức cơ bản và các giải pháp xây dựng văn hóa nhân quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 114)