Cán bộ chuyên môn giúp việc Ủy ban nhân dân

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 66)

Theo Thống kê chất lượng công chức cấp xã dùng cho tổng điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước của Bộ Nội vụ (Mẫu số 3T-ĐA1; 5T-ĐA1 dùng cho cấp tỉnh), ngày 08/10/2009 của Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam thì:

- Về trình độ chuyên môn: Trong những năm qua, trình độ công chức cấp xã ở Hà Nam có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng công chức chưa qua đào tạo giảm dần theo các năm. Với chính sách thu hút các học viên, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về công tác tại địa phương đã đem lại cho Hà Nam một lực lượng cán bộ có nghề. 100% chức danh tài chính-kế toán được đào tạo từ sơ cấp trở lên. 71.1% số công chức cấp xã ở Hà Nam có trình độ trung cấp; 11% có trình độ cao đẳng và đại học, chỉ còn 4,2% trình độ sơ cấp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cán bộ chuyên môn giúp việc Ủy ban nhân dân chưa qua đào tạo (chủ yếu là lực lượng cũ). Cụ thể: chức danh trưởng công an chiếm 24,5%, chức danh Chỉ huy trưởng quân sự chiếm 21,9%; tư pháp hộ tịch chiếm 17,2%; văn hóa xã hội chiếm 18,3%. Đây vẫn là một trở ngại lớn cho hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở trong điều kiện thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời làm giảm đi hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.

Tỷ lệ nữ tham gia vào các chức danh chuyên môn giúp việc cho Ủy ban nhân dân còn ở mức rất thấp. Ngay cả ở chức danh Văn phòng-thống kê cũng chỉ chiếm 15,1%; tài chính kế toán chiếm tỷ lệ 25,8%; văn hóa-xã hội chiếm tỷ lệ 17,24%; đặc biệt hai chức danh chuyên môn là Trưởng công an và Chỉ huy trưởng quân sự không có sự tham gia của phái nữ. Điều này cho thấy số công chức là nữ còn quá ít chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ đông đảo ở cơ sở (chiếm 51% dân số).

Về trình độ văn hóa: Số cán bộ chuyên môn của Ủy ban nhân dân có trình độ văn hóa trung học phổ thông tương đối cao, chiếm 94,04%; tỷ lệ này

phân bố tương đối đồng đều giữa các chức danh, cụ thể: Trưởng công an: 89,2%; Chỉ huy trưởng quân sự: 92%; Văn phòng thống kê: 96,4%; Tài chính-kế toán: 99,1%; tư pháp-hộ tịch: 91,9%; địa chính xây dựng: 94,1% và Văn hóa-xã hội: 95,4%. Đáng chú ý là không còn cán bộ chuyên môn có trình độ tiểu học.

Về độ tuổi: Ngay cả đội ngũ cán bộ chuyên môn ở Hà Nam cũng chậm được trẻ hóa, số cán bộ từ 46-60 vẫn còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các lứa tuổi khác (50,3%). Số cán bộ có độ tuổi từ 31-45 chiếm 40,5%, công chức dưới 30 tuổi không nhiều, chỉ chiếm 8,5%; đặc biệt trên 60 tuổi vẫn còn 5 trường hợp.

Chỉ có 135/924 công chức được đào tạo về quản lý hành chính, chiếm tỷ lệ 14,6%; 78/924 công chức biết ngoại ngữ (chủ yếu trình độ A), chiếm 8,4%; 226/924 công chức biết sử dụng tin học, chiếm tỷ lệ 24,4%. Đây là một hạn chế rất lớn có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở nói chung, Ủy ban nhân dân cấp cơ sở nói riêng bởi vì chính quyền cấp cơ sở trong thời kỳ hội nhập rất cần những con người trẻ tuổi năng động có khả năng nắm bắt và vận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, những kiến thức về quản lý mới ngày càng hiện đại vào thực tiễn quản lý tại địa phương.

Những hạn chế trên của đội ngũ cán bộ chuyên môn là một trở ngại lớn cho hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở ở Hà Nam trong điều kiện chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp cũng như mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhận xét

Từ những hoạt động thực tiễn của chính quyền cấp cơ sở ở Hà Nam có thể khái quát lên những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế như sau:

* Ưu điểm:

- Tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở đã có nhiều bước thay đổi phù hợp hơn với yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, đã phát huy vai trò, vị trí trong việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và giải quyết tốt hơn những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi.

- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở ngày càng đem lại hiệu quả cao hơn. Chính quyền cấp cơ sở cùng đội ngũ cán bộ, công chức của nó đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

- Với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở rồi đến Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn những năm qua đã tạo ra những động lực mới thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở cũng như phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Hội đồng nhân dân cũng đã khẳng định rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở. Chất lượng các kỳ họp, nghị quyết đã từng bước được nâng lên; Công tác giám sát được tăng cường, coi trọng việc chất vấn và trả lời chất vấn, kiến nghị của đại biểu, cử tri. Việc tiếp dân giải quyết đơn thư, tiếp xúc cử tri có nhiều chuyển biến tích cực.

- Ủy ban nhân dân cấp cơ sở, về cơ bản đã thực hiện có hiệu quả hơn chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Bộ máy giúp việc của Ủy ban nhân dân đã được củng cố, kiện toàn một bước theo hướng tiêu chuẩn hóa các chức danh chuyên môn và bắt đầu phát huy tác dụng, khắc phục, hạn chế những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở Hà Nam nhìn chung được bảo đảm đủ về số lượng, ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đội ngũ cán

bộ trẻ qua đào tạo cơ bản đã từng bước bổ sung vào làm cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn ở cấp cơ sở. Cùng với sự phát triển của đất nước, theo quy định của trung ương, của tỉnh, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức cấp cơ sở đã từng bước được hoàn thiện, khuyến khích động viên cán bộ yên tâm công tác hơn.

* Một số hạn chế:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại thiếu thốn, việc áp dụng các tiến bộ, khoa học công nghệ trong quản lý, nâng cao trình độ, hiểu biết của cán bộ, công chức bị hạn chế, dẫn đến việc tùy tiện, chậm trễ trong giải quyết công việc, nhất là trong quan hệ với dân.

- Gần đây chính quyền cấp cơ sở có xu hướng chuyển giao công việc của mình cho các thôn, tổ dân phố mà vốn theo luật thuộc trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn. Với xu hướng địa phương hóa hiện nay, có nguy cơ biến chính quyền xã, phường, thị trấn trở thành một cấp trung gian, xa dần dân chúng.

- Hội đồng nhân dân:

+ Tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội đồng nhân dân, trình độ năng lực của các đại biểu chưa tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan này trong hệ thống chính trị cũng như lòng mong mỏi của nhân dân. Hội đồng nhân dân được trao khá nhiều quyền quyết định, nhưng trên thực tế, vẫn không khẳng định được vị trí của mình trong hoạt động thực tiễn và thực chất vẫn là cơ quan nặng về hình thức, không thực quyền. Ví dụ, theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân tuy là cơ quan quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, nhưng lại không trực tiếp nắm ngân sách địa phương, vì vậy ngay cả các hoạt động của Hội đồng nhân dân nếu có liên quan đến tài chính lại phải lệ thuộc vào Ủy ban nhân dân. Mặt khác Hội đồng nhân dân không thể kiểm soát được các nguồn thu, chi của ngân sách địa phương trên cơ sở của Luật ngân sách mà mới chỉ dừng lại ở việc phê chuẩn

những quyết toán ngân sách theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thì không thể tránh khỏi căn bệnh hình thức của sự phê chuẩn ấy trước một việc đã rồi.

+ Việc giới thiệu, lựa chọn đại biểu ra ứng cử còn mang nặng tính cơ cấu, ít coi trọng đến trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nhận thức của các đại biểu. Đây là thực tế khá phổ biến trong cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân ở Hà Nam nói riêng và các địa phương trong toàn quốc nói chung. Điều này xuất phát từ đặc trưng cơ bản của cơ quan dân cử là chức năng đại diện, nên yếu tố cơ cấu là không thể thiếu khi lựa chọn nhân sự. Tuy nhiên nếu đặt quá "nặng" yếu tố cơ cấu thì yếu tố chất lượng của đại biểu Hội đồng nhân dân phải "nhẹ". Do đó trong nhiệm kỳ 2004-2011 tại tỉnh Hà Nam mặc dù trình độ của các đại biểu đã được tăng lên so với nhiệm kỳ trước. Song bên cạnh đó thì số lượng đại biểu có trình độ tiểu học và trung học cơ sở vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn.

Thực tế, ở Hà Nam có những đại biểu Hội đồng nhân dân "gánh" trên mình 3-4 cơ cấu. Có nhiều đại biểu là công chức, viên chức Nhà nước nên tâm lý ngại va chạm, không thể hiện chính kiến hoặc không thực hiện quyền giám sát của mình. Đây chính là nguyên nhân cơ bản, là một trong những rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nói riêng và hoạt động của cả Hội đồng nhân dân nói chung.

+ Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn nhìn chung còn thiếu việc đề ra các giải pháp. Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường trong địa bàn tỉnh ít có nội dung cụ thể, bởi hầu hết các vấn đề được bàn bạc, quyết định không có tính riêng biệt mà đều là những vấn đề chung đã được quyết định ở cấp thành phố. Bên cạnh đó nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở biểuam được xây dựng không phải bởi trí tuệ của chính các đại biểu Hội đồng nhân dân mà các đại biểu chỉ giữ vai trò hợp thức hóa các nội dung đã được soạn thảo trước đó.

+ Việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng nhân dân còn nhiều hạn chế. Công tác chuẩn bị kỳ họp còn chậm, việc điều khiển

phiên họp thiếu tính linh hoạt, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thiếu tích cực, các đại biểu ít chính kiến, ngại va chạm… Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Việc tiếp xúc cử tri còn mang tính thời vụ, chưa có kế hoạch cụ thể. Thành phần cử tri được tiếp xúc chưa rộng rãi, tập trung chủ yếu là cán bộ thôn, cán bộ khu dân cư, cán bộ hưu trí. Sự phối hợp hoạt động của Hội đồng nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan hữu quan đôi khi còn chưa kịp thời kể cả trong chuẩn bị các văn bản, các báo cáo và trong việc trả lời các kiến nghị của cử tri…

- Ủy ban nhân dân:

+ Chủ yếu tập trung giải quyết những công việc mang tính chất sự vụ; còn nhiệm vụ bàn và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các biện pháp thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân chưa được chú trọng, do vậy công tác quản lý nhà nước trên địa bàn còn nhiều bất cập.

+ Hiện nay, quan hệ làm việc giữa Ủy ban nhân dân cấp cơ sở với Ủy ban nhân dân cấp trên, với Đảng ủy không rõ ràng, thiếu thủ tục làm việc. Không tạo điều kiện cho việc chủ động sáng tạo của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở, năng về cơ chế "cấp phát-xin cho". Dẫn đến làm giảm hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn quản lý, điều hành.

- Đội ngũ cán bộ, công chức:

Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt của một số cán bộ chủ chốt chưa tương xứng, chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong thời kỳ mở cửa hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số cán bộ chủ chốt phần đông chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ văn hóa chưa cao. Đội ngũ cán bộ, công chức chậm được trẻ hóa, số cán bộ trên 50 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Số cán bộ là nữ còn ít, số cán bộ theo tôn giáo còn chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ và giáo dân đông đảo ở cơ sở.

* Nguyên nhân của những hạn chế nói trên:

- Về nhận thức, quan điểm: Chưa tạo ra sự nhất trí cao và xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của chính quyền cấp cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết cho tổ chức và hoạt động theo đặc thù riêng của chính quyền cấp cơ sở.

- Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương giống nhau ở tất cả các cấp từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã khi mà mỗi cấp có vị trí và vai trò khác nhau là điều không hợp lý, dẫn đến sự hình thức hóa, làm cứng nhắc bộ máy chính quyền địa phương, không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở từng cấp trong thời kỳ mới.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương của Việt Nam vẫn duy trì theo kiểu "bao cấp", dùng mô hình chính quyền địa phương thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung để quản lý nền kinh tế thị trường nên những bất cập về tổ chức bộ máy, về con người và cơ chế làm việc là điều không tránh khỏi. Qua nhiều lần đổi mới, bộ máy chính quyền cơ sở nói riêng, chính quyền địa phương nói chung được kiện toàn hơn song đổi mới trên tinh thần "yếu chỗ nào khắc phục chỗ ấy", chứ chưa có một sự đổi mới tổng thể, toàn diện, dẫn đến chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ mới.

- Việc tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền không có sự phân biệt giữa các vùng lãnh thổ khác nhau, giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi…tức là không có sự phân biệt giữa đơn vị hành chính tự nhiên và đơn vị hành chính nhân tạo, tổ chức dàn trải có nhiều tầng nấc trung gian gây nên những khó khăn, chậm chạp trong việc triển khai chủ trương, kế hoạch, quy hoạch của chính quyền Trung ương tới cơ sở. Trong các cấp chính quyền, chính quyền cơ sở được coi là trực tiếp giải quyết những công việc của nhân dân, nhưng chính quyền cấp cơ sở lại chưa được hoàn thiện về hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.

- Việc phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau chưa rành mạch. Không tạo điều kiện cho việc chủ động sáng tạo của các cấp chính quyền cấp dưới, nặng về việc cấp dưới xin ý kiến chỉ đạo, hoặc phê duyệt của cấp trên, theo cơ chế "xin-cho".

- Phương thức thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới, Đảng bao biện làm thay công việc của chính quyền…

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)