1.3.1.1. Tổ chức
Điều 119 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Điều 1 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên".
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định Hội đồng nhân dân cấp cơ sở không tổ chức thành các ban, có Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở phải được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý phê chuẩn (Điều 5).
Nhiệm kỳ mỗi khóa của Hội đồng nhân dân các cấp là 5 năm. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân… theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân… tiếp tục làm việc cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…khóa mới. Chủ tịch Hội đồng nhân dân không giữ chức vụ đó quá hai nhiệm kỳ liên tục (Điều 6).
Tùy từng địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 quy định cụ thể số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp, trên cơ sở có tính đến các điều kiện về vị trí địa lý, dân cư, trình độ dân trí, các điều kiện kinh tế - xã hội…từng vùng, nhưng dao động trong khoảng từ 15 đến 35 đại biểu tùy theo điều kiện địa lý, xã hội và dân số của từng địa phương (Điều 9).