Nhiệm vụ, quyền hạn

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 26)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân được pháp luật quy định là xuất phát từ vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân với tính cách là cơ quan chính quyền Nhà nước trong hệ thống bộ máy nhà nước thống nhất. Hội đồng nhân dân thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn theo phân cấp quản lý của chính quyền cấp trên, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương đồng thời phát huy quyền chủ động của địa phương.

Điều 120 Hiến pháp 1992 quy định nhiệm vụ cơ bản nhất của Hội đồng nhân dân với tính cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là:

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, ra Nghị quyết về các biện pháp đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước [35]. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn được quy định tại các Điều 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35 của Luật Tổ chức

Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, theo đó Hội đồng nhân dân cấp cơ sở có quyền quyết định những vấn đề quan trọng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, thực hiện pháp luật, xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính và quản lý đô thị.

Từ những quy định trên có thể khái quát lại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn trên ba phương diện:

- Quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự trị an và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ở cơ sở; quyết định các biện pháp chủ yếu để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trên địa bàn;

- Tổ chức thực hiện các quyết định;

- Giám sát việc thực hiện các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.

Có thể khẳng định Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đã có sự phân định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, quy định phường có nhiệm vụ, thẩm quyền khác với xã, thị trấn ở Điều 35, xong nhìn chung sự phân định đó là chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường gần như giống với xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định chung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp, như vậy chưa có sự phân biệt cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Vị trí, vai trò của chính quyền các cấp là khác nhau, song chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền lại quy định giống nhau là điều không hợp lý.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 26)