Theo số liệu tại Báo cáo số 81/BC-SNV ngày 25/5/2004 của Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam về tổng kết cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 (nay được kéo dài đến 2011 theo Nghị quyết của Quốc hội) thì tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2004- 2011 có 3.013 đại biểu. Trong đó:
- Đại biểu nữ là 676 người, chiếm tỷ lệ là 22,44%, so với nhiệm kỳ 1999-2004 thì tại nhiệm kỳ này tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân xã là nữ có
tăng lên, song nếu so sánh với tỷ lệ nữ giới trong cộng đồng dân cư toàn tỉnh chiếm hơn 51% dân số thì tỷ lệ nữ trong cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp cơ sở vẫn còn thấp.
- Đại biểu là người trẻ tuổi (<35 tuổi) là 496 người, chiếm tỷ lệ 16,46%; đại biểu từ 35 đến 50 tuổi là 2.128 người, chiếm 70,63%; đại biểu trên 50 tuổi là 389 người, chiếm tỷ lệ 12,91%. Đây là một tỷ lệ tương đối thích hợp, đảm bảo cơ cấu độ tuổi tham gia cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có sự đại diện của mọi giai tầng trong xã hội.
- Về chất lượng, trình độ học vấn trung học phổ thông có 1.703 người, chiếm tỷ lệ 56,52%; trung học cơ sở có 1.299 người, chiếm tỷ lệ 43,11%; tiểu học có 08 người, chiếm tỷ lệ 0,8%.
Ở Hà Nam nói riêng và trong toàn quốc nói chung, việc giới thiệu, lựa chọn đại biểu ra ứng cử còn mang nặng tính cơ cấu, ít coi trọng đến trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nhận thức của các đại biểu, mặc dù nhiệm kỳ này trình độ đã được nâng lên song số lượng đại biểu có trình độ Tiểu học và trung học cơ sở vẫn còn nhiều. Đây có thể coi là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả hoạt động của các đại biểu nói riêng, của tập thể Hội đồng nhân dân nói chung chưa cao và việc vì sao trong các kỳ họp việc thảo luận để đưa ra nghị quyết thường không được sôi nổi.
- Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên có 118 người chiếm tỷ lệ 3,92%; trung cấp 542 người, chiếm tỷ lệ 17,99%; sơ cấp có 141 người, chiếm tỷ lệ 4,68%; chưa qua đào tạo 2212 người, chiếm tỷ lệ 73,41%.
Những con số trên thể hiện sự nâng lên về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở tỉnh Hà Nam mà các nhiệm kỳ trước chưa có được.
Song điều đáng lo ngại ở Hà Nam nói riêng và trong toàn quốc nói chung là số lượng đại biểu không có chuyên môn nghiệp vụ quá lớn. Ở Hà Nam tỷ lệ đại biểu cấp cơ sở không có chuyên môn nghiệp vụ chiếm 74,41%.
Chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở chưa cao.
- Về cơ cấu ngành nghề: đại biểu là cán bộ, công chức viên chức Nhà nước có 588 người, chiếm tỷ lệ 19,52%; đại biểu nông nghiệp có 1.344 người, chiếm tỷ lệ 44,61%; đại biểu chuyên trách đoàn thể có 351 người, chiếm tỷ lệ 11,65%; đại biểu đang công tác tại các doanh nghiệp có 14 người, chiếm tỷ lệ 0,43%.
Với tỷ lệ đại biểu tham gia lao động sản xuất (làm nông nghiệp) cao (44,61%). Có thể coi đây là một lợi thế khi tiến hành thảo luận các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bởi khi được ban hành sẽ sát với nhân dân hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân lao động. Tuy nhiên cũng là một bất lợi bởi Hà Nam là một tỉnh đang phấn đấu theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp thì những nghị quyết mang bước đột phá trong quá trình chuyển đổi về cơ cấu kinh tế, ngành nghề là rất khó khăn. Bên cạnh đó tỷ lệ đại biểu là công chức, viên chức (19,52%) cũng là tương đối cao. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát của quần chúng nhân dân đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn.
- Đại biểu theo tôn giáo có 129 người, chiếm tỷ lệ 4,28%, so với tỷ lệ số dân theo tôn giáo ở Hà Nam (chiếm 20% dân số) mà chỉ có tỷ lệ 4,28% đại biểu Hội đồng nhân dân thì đây là một khó khăn lớn cho hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở tỉnh Hà Nam nói riêng và cho hoạt động của các cấp chính quyền ở Hà Nam nói chung trong quá trình quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là ở các làng, các xã công giáo toàn tòng bởi vì đại diện của giáo dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cấp cơ sở còn quá ít.