của Đảng đối với chính quyền cơ sở
Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Đảng Cộng sản là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Vì vậy mọi cải cách sẽ là vô nghĩa nếu không đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo.
Hiện nay trên thực tế, các cấp ủy Đảng quyết định quá nhiều công việc cụ thể của quản lý nhà nước, thuộc chức năng của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Điều đó vừa làm hạn chế vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng, vừa làm suy giảm thẩm quyền theo luật định của các cơ quan chính quyền địa phương. Nếu cứ duy trì phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng như hiện nay thì khó có thể nói đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đến việc phát
huy vai trò của chính quyền cơ sở trong toàn quốc nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng, nhất là khi được phân cấp thẩm quyền nhiều hơn theo tinh thần đổi mới. Điều này đặt ra đòi hỏi bức xúc phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung cũng như của các cấp ủy Đảng địa phương đối với chính quyền cơ sở nói riêng.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cơ sở nhằm giữ vững bản chất Nhà nước ta, đưa công cuộc đổi mới đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải trên cơ sở thật sự có sự dân chủ trong Đảng; Đảng không bao biện, không làm thay. Đảng chỉ đề ra nghị quyết chung về đường lối, chủ trương lãnh đạo từng nhiệm kỳ và hàng năm đối với chính quyền địa phương, không can thiệp các việc thay chính quyền mà để người được Đảng giới thiệu chịu mọi trách nhiệm trong việc trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng cũng chỉ nên giới thiệu mà không áp đặt nhân sự. Trong chính quyền cấp cơ sở, Đảng cũng không can thiệp vào việc bầu chức danh Chủ tịch xã, thị trấn cũng như bầu đại biểu Hội đồng nhân dân. Đảng chỉ giới thiệu người của mình, cùng tranh cử công khai, dân chủ với những người do tổ chức khác giới thiệu và người tự ứng cử theo đúng phương châm "Đảng cử, dân bầu". Nếu không được dân tín nhiệm bầu thì đồng thời cũng nên thôi giữ chức danh trong Đảng (nếu có).