ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH HÀ NAM 1 Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 38 - 40)

2.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Hà Nam là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí địa lý từ 20,410 vĩ bắc và 105,310 kinh đông. Phía Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp thành phố Nam Định, phía Đông qua sông Hồng là các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình, phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình. Trên địa bàn của tỉnh có đường sắt Bắc - Nam chạy qua với đoạn dài khoảng hơn 30km. Quốc lộ 1A chạy qua tỉnh với chiều dài gần 50km từ dưới cầu Giẽ (Hà Tây) (nay là thành phố Hà Nội) đến cầu Đoan Vĩ (giáp tỉnh Ninh Bình); Quốc lộ 21A Phủ Lý - Nam Định dài 30km. Điểm nút giao thông là thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý). Trên địa bàn tỉnh có một số sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ... [50, tr. 25].

Vị trí địa lý và điều kiện giao thông đó tạo lợi thế Hà Nam trong giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ để khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và cũng chính vì vậy Hà Nam có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Địa hình Hà Nam tương đối đa dạng, phía Tây là vùng đồi núi bán sơn địa với các dãy núi đá vôi, núi đất và đồi rừng, nhiều nơi có địa hình dốc, xuôi về phía Đông là những dải đồi thấp, xen lẫn núi đá và những thung lũng rộng. Đất đai của vùng này thích hợp với các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây công nghiệp...

Phía Đông của tỉnh giáp sông Hồng là vùng đồng bằng phù sa được bồi tụ bởi các dòng sông, đất đai khá màu mỡ, thích hợp cho canh tác lúa nước, hoa màu... Sự đa dạng về đất đai, địa hình và thổ nhưỡng của Hà Nam khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cả trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo số liệu thống kê, kiểm kê diện tích đất đai đến ngày 01/01/2009 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam (mẫu theo Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 86.018,38 ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 45.537,25 ha (chiếm 52,9% tổng diện tích tự nhiên). Đất lâm nghiệp là 6.771,34 ha (chiếm tỷ lệ 7,87% diện tích tự nhiên). Đất phi nông nghiệp là 24.943,32 ha (chiếm 28,99% diện tích tự nhiên). Toàn tỉnh hiện có 3.845,72 ha đất chưa sử dụng (chiếm 4,47% diện tích tự nhiên).

* Khí hậu:

Khí hậu Hà Nam thể hiện tính chất chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt ở Việt Nam; mặt khác nó thể hiện tính chất của miền khí hậu phía Bắc với 2 mùa nhiệt tương phản nhau rõ rệt. Lượng mưa hàng năm tương đối lớn, khoảng hơn 1.900mm. Độ ẩm trung bình 85%, nhiệt độ trung bình năm là 23,40C [50, tr. 64].

* Các đơn vị hành chính của tỉnh:

Hà Nam hiện có 05 huyện, 01 thành phố, với 116 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 89 xã đồng bằng, 15 xã miền núi, 6 phường và 6 thị trấn. Tổng số các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được phân bổ như sau: Thành phố Phủ Lý có 6 xã và 06 phường; Huyện Bình Lục có 20 xã và 01 thị trấn; Huyện Thanh Liêm có 19 xã và 01 thị trấn; Huyện Lý Nhân có 22 xã và 01 thị trấn; Huyện Duy Tiên có 19 xã và 02 thị trấn; Huyện Kim Bảng có 18 xã và 01 thị trấn. Như vậy, phường ở Hà Nam chỉ chiếm có 5,17% số đơn vị hành chính cấp cơ sở.

* Dân số

Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số của Hà Nam là 811.126 người. Trong đó dân số nông thôn là 742.660 người, dân số sinh sống ở khu vực đô thị là 68.466 người (chỉ chiếm 8,5%). Về trình độ dân trí, Hà Nam đã được công nhận là tỉnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bình quân số năm học của một lao động là 8,1 năm/người (hệ 12 năm) [24]. Mật độ dân số tương đối lớn (trung bình gần 1.000 người/km2). Từ đó cho thấy, khi trình độ cán bộ cấp cơ sở còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ sẽ làm cho việc quản lý của chính quyền cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn, dẫn đến làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)