Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 42 - 48)

Hoạt động của Hội đồng nhân dân chính là quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định trong điều kiện thực tế nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương mình, đáp ứng những yêu cầu,

nguyện vọng chính đáng của nhân dân tại địa phương. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở tỉnh Hà Nam, cho thấy:

* Kỳ họp Hội đồng nhân dân

Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của Hội đồng nhân dân. Đó là hội nghị định kỳ gồm các phiên họp của toàn thể (đa số) các đại biểu Hội đồng nhân dân để bàn bạc và quyết định những vấn đề của địa phương được nêu ra trong chương trình nghị sự. Thông qua kỳ họp, ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương được chuyển thành quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có ý nghĩa bắt buộc chung. Tại mỗi kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân cấp cơ sở ở tỉnh Hà Nam tiến hành giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội... được quy định từ Điều 29 đến Điều 35 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Hà Nam đều tổ chức họp định kỳ một năm 2 lần. Ngoài họp thường lệ, Hội đồng nhân dân còn tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường do nhu cầu của từng xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, họp bất thường hoặc họp chuyên đề chưa được chú trọng và còn ít được sử dụng. Thời gian họp thông thường là 1 ngày, có xã chỉ họp nửa ngày. Trong khi đó tại mỗi kỳ họp, các đại biểu phải nghe rất nhiều loại báo cáo khác nhau, phải quyết định rất nhiều vấn đề, các đại biểu thường nghe một lượt các báo cáo mà ít có thời gian trao đổi, thảo luận kỹ các vấn đề, nên tại các kỳ họp ý kiến đóng góp của các đại biểu vẫn còn chung chung như: "nhất trí, đồng ý với báo cáo"…

Một nội dung khá quan trọng của các kỳ họp Hội đồng nhân dân là thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với các chủ thể có liên quan và có quyền chất vấn về bất cứ vấn đề gì thuộc thẩm quyền xem xét của Hội đồng nhân dân. Thủ trưởng các cơ quan hoặc cá nhân bị chất vấn

phải nghiêm túc trả lời chất vấn ngay tại kỳ họp (trừ trường hợp cần điều tra, Hội đồng nhân dân quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau). Chất vấn cũng có thể được đại biểu nêu ra trong thời gian giữa hai kỳ họp. Đại biểu gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn.

Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Hà Nam hình thức chất vấn đã được các đại biểu Hội đồng nhân dân sử dụng, nhất là trong các lĩnh vực quản lý về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề ô nhiễm môi trường… Ví dụ các đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn Đồng Văn chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn trong việc hoàn thiện hồ sơ địa chính đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch số 566/KH-UB ngày 05/8/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; Các đại biểu chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Thượng về việc phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường nước, khí thải khu công nghiệp Đồng Văn….Tuy nhiên hình thức này chưa được các đại biểu sử dụng như một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng của các đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân. Phần đông, các đại biểu ngại va chạm, nhiều đại biểu là công chức xã, phường, thị trấn nên né tránh, không dám thẳng thắn thực hiện quyền chất vấn của mình.

Qua khảo sát các kỳ họp Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004-2011 ở Hà Nam thấy, so với nhiệm kỳ 1999-2004 thì việc chuẩn bị cho kỳ họp đã chu đáo hơn, có nhiều ý kiến đóng góp hơn, chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cũng được nâng cao hơn. Song bên cạnh đó công tác chuẩn bị kỳ họp cũng như việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu của kỳ họp chưa thực sự được chú trọng, các tài liệu hầu hết còn sơ sài… Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn ở Hà Nam ngoài việc ra nghị quyết kỳ họp còn nhiều nơi ra Nghị quyết chuyên đề. Ví dụ Hội đồng nhân dân xã Văn Xá, huyện Kim Bảng ra Nghị quyết chuyên đề về việc tiêu chuẩn cấp đất giãn dân tại địa phương; Hội đồng nhân dân xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển nghề thêu ren thủ công…

Nhìn chung các nghị quyết được ban hành ngày càng bám sát hơn tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của địa phương. Tuy nhiên qua việc khảo sát thực tế thấy vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, ví dụ như: Nghị quyết ban hành nhiều khi còn chung chung, nhiều nghị quyết có nội dung không sát với thực tế, tình hình địa phương, thiếu tính thuyết phục đối với nhân dân, kỹ thuật soạn thảo văn bản còn hạn chế. Thậm chí có nơi nghị quyết ban hành nhưng không được thực hiện. Một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân chỉ là sự sao chép đơn thuần văn bản của cấp trên; hay Hội đồng nhân dân cấp cơ sở chỉ quyết định lại những vấn đề huyện, thành phố giao cho nên tính sáng tạo không cao; tính đại diện của Hội đồng nhân dân có lúc chưa được thể hiện rõ...

Về các công việc sau mỗi kỳ họp, việc phổ biến nghị quyết của Hội đồng nhân dân đến cử tri được thực hiện, nhiều xã, phường, thị trấn đã có những cách thức phổ biến phù hợp cho nhân dân như tổ chức tại Nhà văn hóa thôn, xóm vào buổi tối mời nhân dân đến nghe. Bên cạnh đó còn nhiều nơi chưa thực sự coi trọng vấn đề này, mặc dù các nghị quyết có được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nhưng việc thông báo, tuyên truyền mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa tính toán được thời gian thích hợp để phổ biến cho nhân dân nên rất nhiều cử tri khi được phỏng vấn, họ đã không nắm được nội dung của các Nghị quyết mà Hội đồng nhân dân cấp gần với họ nhất đã ban hành.

* Hoạt động của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân

Thông qua việc khảo sát thực tế và nắm bắt số liệu tại Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam cho thấy: Đại đa số các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệt tình công tác và có nhiều cố gắng, quan tâm lãnh đạo hoạt động của Hội đồng nhân dân. Nhiệm kỳ 2004-2011, việc chuẩn bị cho các kỳ họp của Hội đồng nhân dân khá chu đáo nên chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân được nâng lên và có tính khả thi hơn. Đối với công tác tiếp dân, các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch đã có nhiều nỗ lực. Ở Hà Nam, các xã, phường,

thị trấn đều bố trí lịch tiếp công dân vào các ngày trong tuần nên có điều kiện tiếp thu được nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân để từ đó có những biện pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật; góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với cơ quan đại diện cho mình.

Song bên cạnh những kết quả kể trên, có những hạn chế không của riêng Hà Nam là đa số các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nên đã phần nào hạn chế đến vai trò cá nhân của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Một số nguời năng lực trình độ chuyên môn còn hạn chế, sự hiểu biết về luật pháp còn chưa cao, các kỹ năng giao tiếp với công dân chưa thực sự thuần thục…

* Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Là một cấu thành của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân vừa là nhân tố tạo nên cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vừa là nhân tố bảo đảm cho Hội đồng nhân dân thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mà pháp luật quy định. Nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân không những được thực hiện tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân mà còn được thực hiện thông qua các hình thức khác như: hoạt động của đại biểu tại đơn vị bầu cử; Tiếp xúc với cử tri, chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, chất vấn chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân. Đồng thời thông qua sự gương mẫu trong công việc, trong lối sống, trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, vận động nhân dân và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân...Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đã dành một mục riêng, gồm 12 điều (từ Điều 36 đến Điều 47) quy định về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của người đại biểu đối với nhân dân địa phương.

Với những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm lớn trước Hội đồng nhân dân và trước nhân dân địa phương được Luật quy định và với các hình

thức hoạt động phong phú như vậy, hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở Hà Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa số các đại biểu có tinh thần trách nhiệm cao, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, cố gắng làm tròn nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Từ đó tạo ra niềm tin yêu của dân đối với cơ quan đại diện của mình. Song, bên cạnh đó cũng vẫn còn có đại biểu chưa thực sự ý thức hết vai trò và trách nhiệm của mình nên có lúc, có nơi, có đại biểu còn vắng mặt tại các kỳ họp, nhiều đại biểu chưa thực sự đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để nghiên cứu, xem xét các tài liệu trước kỳ họp nên dẫn đến việc khi tham gia các kỳ họp không thể hiện được chính kiến của mình, cũng không tham gia đóng góp ý kiến hay chất vấn. Do vậy dẫn đến tình trạng là hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân mới chỉ nặng về hình thức chứ chưa thực sự chú trọng đến nội dung nên vai trò của người đại biểu Hội đồng nhân dân chưa được phát huy đúng mức. Đặc biệt công tác tuyên truyền, tiếp xúc cử tri theo đơn vị bầu cử thôn hoặc cụm dân cư để nắm bắt các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tại địa phương còn mang nặng tính hình thức, thời gian bố trí cho việc tiếp xúc giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri chưa được nhiều, hình thức tiếp xúc đơn điệu, hầu hết các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở chưa làm tốt được vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Qua đó cho thấy chất lượng của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở đang là một vấn đề cần xem xét.

* Giám sát cũng là một chức năng rất quan trọng của Hội đồng nhân dân. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Ở Hà Nam, Hội đồng nhân dân cấp cơ sở đều có quyết định chương trình giám sát hàng năm của mình theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở và kiến nghị của cử tri ở xã, phường, thị trấn (nếu có).

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở nước ta hiện nay (Qua ví dụ tỉnh Hà Nam) (Trang 42 - 48)