CHÍNH HIỆN NAY
Với những phân tích nêu trên có thể đưa ra những kết luận chủ yếu, đánh giá về những mặt hạn chế, bất cập của Cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay của chúng ta như sau:
Hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, tình trạng các luật "đá nhau" còn nhiều, văn bản dưới luật còn vượt luật, nhiều lĩnh vực chưa được pháp luật điều chỉnh; bên cạnh đó công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém, bị buông lỏng trong thời gian dài; kỷ cương hành chính trong giải quyết khiếu nại không nghiêm, ý thức trách nhiệm, năng lực của công chức còn nhiều hạn chế, ý thức pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo còn hình thức, thiếu hiệu quả.
Bản thân pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại còn nhiều bất cập về chủ thể giải quyết khiếu nại, chủ thể khiếu nại, chủ thể bị khiếu nại, về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức khiếu nại, thời hạn, thời hiệu khiếu nại, về quyền hạn của người giải quyết khiếu nại; quá trình thẩm tra, xác minh, kết luận, ra quyết định giải quyết khiếu nại chưa bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi, độc lập; mối quan hệ giữa các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động giải quyết khiếu nại còn nhiều bất cập.
Công chức nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính, người quản lý hành chính nhà nước thường nhận thức đây là công việc phức tạp, đau đầu, căng thẳng và là việc phụ, còn rất nhiều việc quan trong hơn trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần thiết
phải giải quyết; năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu tính chuyên môn, chuyên nghiệp.
Cho đến nay, chưa có một thiết chế chuyên trách, độc lập có đầy đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết khiếu nại. Luật Tố tụng hành chính đã được ban hành thể hiện một bước ngoặt, nó mở rộng tối đa sự bảo vệ của pháp luật đối với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, bản thân Luật này cũng còn một số điểm cần bàn. Liệu rằng, Tòa án có đủ cán bộ, cán bộ liệu có đủ chuyên môn để giải quyết khối lượng công việc hành chính rất lớn và không hề đơn giản trong việc áp dụng pháp luật. Những công việc này, thông thường số lượng cán bộ, công chức hành chính đông gấp nhiều lần, có kinh nghiệm chuyên sâu hơn còn vẫn đang quá tải; trình tự tố tụng giải quyết vụ án hành chính gần giống với trình tự của tố tụng dân sự, trong khi tranh chấp hành chính giữa một bên là người có quyền lực, đại diện cho nhà nước, một bên là công dân liệu có phù hợp, vấn đề thi hành bản án hành chính do ai, cơ quan nào cưỡng chế thi hành… là những vấn đề chắc chắn sẽ vướng mắc trong quá trình thực thi. Hơn nữa, liệu người dân Việt Nam có thích pháp đình bằng hành chính không.
Ngoài ra, hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại hành chính cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động giám sát nặng tính hình thức; phương thức và nội dung giám sát không rõ ràng dẫn đến hậu quả là hoạt động này không phát huy được hiệu quả.
Nói tóm lại, Cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay của ta còn rất nhiều bất cập, cần có những cải cách căn bản theo hướng cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, tăng cường những thiết chế cụ thể nâng cáo trách nhiệm hành chính của các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.