Ngoài nguồn gốc tư tưởng, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh còn chịu sự tác động sâu sắc của thực tiễn dân tộc và thời đại mà Người đã sống và hoạt động. Chính quá trình hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh ở trong nước và khi còn bôn ba khắp thế giới để học tập, nghiên cứu và hoạt động đã làm cho Người có một hiểu biết sâu sắc về dân tộc và thời đại, nhất là thực tiễn phương Đông để xem xét, đánh giá và bổ sung cơ sở triết lý phương Đông cho học thuyết Mác - Lênin.
Từ hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã khám phá quy luật vận động xã hội, đời sống văn hóa và cuộc đấu tranh của các dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể của các quốc gia và thời đại mới để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, qua kiểm nghiệm của thực tiễn để hoàn thiện, làm cho lý luận có giá trị khách quan, tính cách mạng và khoa học.
Nhân cách, phẩm chất, tài năng của Hồ Chí Minh đã tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người. Đó là một con người sống có hoài bão, có lý tưởng, yêu nước, thương dân, có bản lĩnh kiên định, có lòng tin vào nhân dân, khiêm tốn, bình dị, ham học hỏi, nhạy bén với cái mới, thông minh, có hiểu biết sâu rộng, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn, v.v.. Chính nhờ vậy, Người đã khám phá sáng tạo về lý luận cách mạng thuộc địa trong thời đại mới, xây dựng được một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc và sáng tạo về cách mạng Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách, sóng gió trong hoạt động thực tiễn, kiên trì chân lý, định ra các quyết sách đúng đắn và sáng tạo, biến tư tưởng thành hiện thực cách mạng.
Sự vĩ đại và vượt trội về trí tuệ của Hồ Chí Minh so với các yêu nước quốc đương thời được thể hiện ở chỗ: cùng với sự tiếp nhận những giá trị mới của nhân loại là dân chủ, Người cũng phát hiện tư tưởng dân chủ tư sản và các
mô hình xã hội của nó là những cái đã trở nên già cỗi, không còn mới đối với sự phát triển của nhân loại nữa và bản chất của nền dân chủ tư sản không tương thích với văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam. Điều đó giải thích tại sao các nhà yêu nước trước Hồ Chí Minh đã không thấy được vấn đề đó mà tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản và du nhập nó vào nước ta. Điều đó chứng tỏ tư tưởng dân chủ tư sản với mô hình của nó, dù còn mới với Việt Nam, nhưng vẫn không được chấp nhận bởi nó không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi căn bản của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ tiếp thu một học thuyết khoa học về giải phóng dân tộc và con người, Hồ Chí Minh còn đến nước Nga, nơi học thuyết đó đang được đưa vào cuộc sống, để chứng kiến cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nhằm xây dựng chế độ dân chủ vô sản - chế độ Xô Viết - một chế độ triệu lần dân chủ hơn chế độ dân chủ tư sản phương Tây. Tại đây, Hồ Chí Minh lại được trải nghiệm một hình thức dân chủ mới của nhân loại - dân chủ vô sản - dân chủ của những người lao động.
Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu học thuyết cách mạng và khoa học đó, Hồ Chí Minh đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo tư tưởng dân chủ theo quan điểm của giai cấp công nhân mà trước hết là tiến hành lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tạo ra điều kiện căn bản nhất cho việc thiết lập chế độ dân chủ mới ở nước ta.
Từ dân tộc và vì dân tộc ra đi, với hành trang của văn hoá truyền thống, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được những giá trị tinh hoa về dân chủ của nhân loại. Tuy nhiên, Người cũng nhận thức được vấn đề dân chủ không chỉ là vấn đề của dân tộc Việt Nam mà là vấn đề đòi hỏi phải được tiếp tục giải quyết đối với nhân loại và đã lựa chọn con đường phát triển dân chủ theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo xu thế phát triển của thời đại. Vì vậy, có thể nói, tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh được hình thành có cội nguồn, có điểm xuất phát từ Dân tộc, được nâng lên tầm Nhân loại và phù hợp với sự tiến hoá của Thời đại. Với các yếu tố Dân tộc - Thời đại - Nhân loại, tư tưởng dân chủ Hồ Chí
Minh không chỉ được nhân dân Việt Nam chấp nhận mà còn phù hợp yêu cầu chung của nhân loại và thuận theo xu thế phát triển của loài người.
Đây chính là những yếu tố cội nguồn căn bản nhất đảm bảo cho sự thắng lợi của tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là sản phẩm của sự tổng hòa tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa tư tưởng văn hóa của phương Đông và phương Tây với chủ nghĩa Mác- Lênin làm nền tảng, cùng với thực tiễn của dân tộc và thời đại qua sự phát triển của Hồ Chí Minh - một con người có tư duy sáng tạo, có phương pháp biện chứng, có nhân cách, phẩm chất cách mạng cao đẹp tạo nên.