Tư tưởng, văn hoá nhân loạ

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 30 - 33)

Xuất thân trong một gia đình được ảnh hưởng rất nhiều từ Nho giáo, khi ra đi tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã được giáo dục với một học vấn thấm đậm chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam. Cũng vì vậy, những giá trị tinh tuý của văn hoá nhân loại đã được Hồ Chí Minh dễ dàng chọn lọc và tiếp nhận.

Về tư tưởng và văn hóa phương Đông, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo về triết lý hành động, nhân nghĩa, ước vọng về một xã hội bình trị, thế giới đại đồng, bình đẳng; về một triết lý nhân sinh, tu thân, tề gia; đề cao tinh thần trung hiếu “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho An Nam. Những gia đình như thế ở nước chúng tôi không phải làm việc gì. Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí chắc biết Khổng giáo không phải là một tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”. Người còn nói: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” [32, tr. 46] . Sự lý giải của Hồ Chí Minh ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX về “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng hơn vào châu Á vì truyền thống kinh tế và tư tưởng của châu Á”[27, tr. 35] đã chỉ rõ sự tác động của các giá trị có ý nghĩa dân chủ của phương Đông đến Hồ Chí Minh và sự hiểu biết sâu sắc của Người trước khi tiếp nhận các giá trị dân chủ mới của nhân loại. Sau này, trên báo Thanh niên, sau khi phê phán chính phủ Trung Quốc xoá bỏ tràn lan các nghi lễ của nhân

dân là trái dân chủ, Hồ Chí Minh viết: “Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”[28. tr.454].

Về Phật giáo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn; coi trọng tinh thần bình đẳng, chống phân biệt đẳng cấp, chăm lo điều thiện, v.v..

Về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh tìm thấy những điều thích hợp với điều kiện nước ta, đó là dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Tiêu chí Độc lập, Tự do, Hạnh phúc của nước Việt Nam mới do Người nêu lên là sự ảnh hưởng tinh thần dân chủ đó.

Về tư tưởng và văn hóa phương Tây, trong cuộc hành trình gian khổ đi khắp thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân, Hồ Chí Minh đã tới nước Mỹ, Anh và Pháp. Cuộc đấu tranh giành độc lập và những giá trị về quyền con người mà nhân dân Hoa Kỳ viết lên bằng xương máu của mình qua cuộc đấu tranh anh dũng đó cũng như thực tế cuộc sống ở đây đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của Người. Trong khoảng từ năm 1913 đến 1917, sống trong điều kiện của nền dân chủ lập hiến ở nước Anh, lao động và tham gia vào các hoạt động đấu tranh của dân chủ công nhân ở thủ đô Luân Đôn, Hồ Chí Minh lại trực tiếp hiểu biết thêm một hình thức dân chủ nữa của nhân loại. Năm 1917, Hồ Chí Minh đến hoạt động ở Pari, nơi được xem là trung tâm văn hoá của châu Âu, Người đã tiếp thu tư tưởng của các nhà khai sáng: Voltaire, Rousseau, Moutesquieu. Đặc biệt, Người chịu ảnh hưởng sâu sắc về tư tưởng tự do, bình đẳng của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (năm 1791) của Đại cách mạng Pháp. Về tư tưởng dân chủ của cách mạng Mỹ, Người đã tiếp thu giá trị về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của

Tuyên ngôn độc lập (năm 1776), quyền của nhân dân kiểm soát chính phủ. Hồ Chí Minh nói rằng: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp tự do - bình đẳng - bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng

là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tối rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu sau những từ ấy”.

Như vậy, ngay từ đầu, khi đi ra nước ngoài tìm con đường mới cứu nước, cứu dân, trước cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tiếp ba hình thức dân chủ tư sản hiện đại của nhân loại từ chính quê hương của nó. Hơn thế nữa, Người đã không chỉ sống và chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản và các hình thức tồn tại của nó mà còn thực hành dân chủ ở chính quê hương của các hình thức này với những hoạt động chính trị sử dụng ngay thành quả của nền dân chủ tư sản phương Tây. Đứng trong hàng ngũ đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước, tham gia hội họp, làm báo, sinh hoạt trong các câu lạc bộ (Câu lạc bộ Faubour, Hội liên minh nhân quyền) và tham gia trong các tổ chức chính trị (Đảng Xã hội Pháp)… Hồ Chí Minh đã học tập, trải nghiệm qua các môi trường thực hành về dân chủ. Hoạt động chính trị trong các chế độ dân chủ tư sản điển hình ở Mỹ, Anh, Pháp, tham gia và các sinh hoạt dân chủ trong các tổ chức chính trị và khoa học… đã góp phần không nhỏ tới việc hình thành tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, tới sự lựa chọn của Người về một mô hình dân chủ.

Sau này, trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh còn nhiều lần tới các nước khác ở Tây Âu và điều đó lại bổ sung thêm những hiểu biết cho Người về sự đa dạng của các hình thức dân chủ tư sản mà loài người đã đạt tới cho đến lúc bấy giờ.

Từ con đường đã trải nghiệm của mình, nên sau này, khi tổng kết, đánh giá về tinh thần của tầng lớp trí thức Việt Nam đi theo cách mạng, Hồ Chí Minh đã viết, vì trí thức Việt Nam “có đầu óc dân tộc và vì có học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng. Trí thức Việt Nam khác với trí thức bản đế quốc như vậy. Cũng vì vậy lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng”[33, tr. 34].

Hiểu biết trình độ dân chủ của các nước, của nhân loại để so sánh, để lựa chọn và tiếp thu những giá trị dân chủ ngày càng cao hơn phù hợp với sự tiến hoá của nhân loại là con đường hình thành tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 30 - 33)