Chủ nghĩa Mác-Lênin Nguồn gốc lý luận cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 33)

tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa Mác- Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp, chủ yếu, quyết định bản chất tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” [36, tr. 128].

Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nắm vững cái cốt lõi của nó, đó là phương pháp biện chứng duy vật; học tập lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Các tác phẩm, bài viết của Hồ Chí Minh phản ánh bản chất cách mạng tư tưởng của Người theo thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin đã giải quyết được vấn đề cứu nước gắn liền với cứu dân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người, làm cho toàn thể nhân dân được sống trong một xã hội dân chủ thực sự. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới đem lại những giá trị đích thực của lý tưởng dân chủ mà nhân loại đã từng mơ ước.

Ngay từ khi vào Đảng Xã hội Pháp (đầu năm 1919), Hồ Chí Minh đã nói rõ nguyên nhân Người vào tổ chức này “chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái”[26, tr. 15].

Tháng 7-1920, sau khi đọc tác phẩm của V.I. Lênin Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã lựa chọn Quốc tế III. Tháng 8-1920, Hồ Chí Minh viết thư gửi Quốc tế Cộng sản bày tỏ quan điểm của mình dứt khoát đi theo Quốc tế III.

Ngày 29-12-1920, Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và nói rõ nguyên nhân là vì “Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[26, tr. 32].

Ngày 30-12-1920, Hồ Chí Minh tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đã chấm dứt giai đoạn Hồ Chí Minh lựa chọn con đường giải phóng và tìm tòi một mô hình cho dân tộc. Người đã lựa chọn con đường của chủ nghĩa cộng sản để xây dựng một xã hội dân chủ cho đất nước mà trước hết là đem lại quyền làm chủ lớn nhất cho mọi người dân Việt Nam - quyền làm chủ Tổ quốc mình.

Tháng 12-1921, phát biểu tại Đại hội thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó chúng ta mới có thể thực hiện được sự hoà hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở thuộc địa”[26, tr. 44].

Năm 1923, Người viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau…”[27, tr. 461].

Rõ ràng, về tư tưởng, Hồ Chí Minh chú ý đến giá trị dân chủ cao nhất và trước hết của mỗi con người trong những quốc gia nô lệ là sự giải phóng của Tổ quốc và cùng với sự giải phóng này là giải phóng triệt để con người.

Với Hồ Chí Minh, không có giải phóng dân tộc thì không thể nói tới bất kỳ một giá trị dân chủ nào cho con người, nhưng giải phóng dân tộc phải đi tới giải phóng con người một cách triệt để.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 33)