trọng trong quá trình xây dựng các thể chế dân chủ ở nước ta
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới kinh tế, chính trị, xã hội v.v.. phát huy quyền làm chủ của nhân dân, do đó đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực. Tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân diễn ra phổ biến, nghiêm trọng, chưa đẩy lùi, chưa ngăn chặn được. Trong khi đó, cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thể chế hóa thành pháp luật, do đó chậm đi vào cuộc sống.
Xuất phát từ thực trạng yếu kém của hệ thống chính trị ở cơ sở và vấn đề mất dân chủ ở cơ sở diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây nên tình trạng mất an ninh và trật tự xã hội ở nhiều địa phương. Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 30/CT-TW về việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Để phát huy bản chất dân chủ của chế độ dân chủ XHCN, Nhà nước XHCN, phát huy những thành tựu của thời kỳ đổi mới đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên “Quy chế dân chủ ở cơ sở” cho mọi loại hình cơ sở: xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp ra đời.
Trên cơ sở Chỉ thị số 30/CT-TW, Chính phủ đã thể chế hoá bằng các Nghị định: Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đó được thay bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP và nay
đã được nâng lên thành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn); Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan; Nghị định số 07/1998/NĐ-CP về thực hiện ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ từ đó đến nay trên phạm vi cả nước, dân chủ đã từng bước trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đưa đất nước tích cực và chủ động hội nhập vào khu vực và thế giới.
Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khoá VIII) là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Chỉ thị được ban hành đúng lúc, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân nên được nhân dân hưởng ứng rộng rãi, đã đi vào cuộc sống tương đối nhanh, đến nay đã thực hiện được trên diện rộng ở hầu khắp 3 loại hình cơ sở: xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Quá trình thực hiện Quy chế dân chủ đã tác động sâu sắc đế ý thức chính trị, bầu không khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, bàn bạc và giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cán bộ công chức nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của nhân dân, tôn trọng quyền giám sát, tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân; năng lực làm chủ của nhân dân ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Quy chế dân chủ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Nhân dân tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia xây dựng các công trình văn văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở cơ sở; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, ngăn ngăn, đẩy lùi những vi phạm dân chủ, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khoá VIII), ngày 28-3-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 10-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được nâng cao về chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng rõ nét hơn và sâu sắc hơn. Bầu không khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn; 97% cơ quan hành chính và 88% doanh nghiệp nhà nước đã triển khai; trong đó, việc triển khai Quy chế dân chủ trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân.