Công tác xây dựng pháp luật nước ta trong thời kỳ đổi mớ

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 83)

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, với nhiều thành tựu to lớn ở các khâu: Công tác lập pháp đã có bước cải tiến, đổi mới quan trọng cả về nội dung, hình thức, chất lượng, số lượng và quy trình. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống đạt được những kết quả ban đầu tương đối tốt. Sự đổi mới một bước trong công tác lập pháp góp phần quan trọng xây dựng, hoàn thiện bộ máy pháp quyền XHCN, đưa đất nước hội nhập quốc tế. Chính những thành tựu trong lĩnh vực lập pháp đã giúp Việt Nam vượt qua những điều kiện về mặt thể chế mà Tổ chức Thương mại Thế giới đặt ra đối với việc kết nạp các thành viên và đương nhiên đáp ứng được rất nhiều nhu cầu phát triển nội tại của đất nước. Nhiều luật mới được ban hành, cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật đã phục vụ tốt và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ ổn định chính trị-xã hội của đất nước. Từ khi đổi mới (năm 1986) nay, hệ thống pháp luật nước ta có tới hơn 200 luật, bộ luật, xấp xỉ 200 pháp lệnh và khoảng 20 ngàn văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn tồn tại một số hạn chế lớn sau:

Thứ nhất, tính cồng kềnh và mâu thuẫn làm giảm tính minh bạch của pháp luật, và vì thế, kém hiệu lực. Đồng thời, việc tồn tại nhiều loại văn bản, do nhiều cấp ban hành, nhưng lại thiếu cơ chế cân nhắc toàn diện các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nên dẫn đến tình trạng mâu thuẫn và chồng chéo.

Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam rất đa dạng về thể loại văn bản và với số lượng văn bản quy phạm pháp luật cũng rất lớn (có tới 26 loại); Một văn bản luật cần rất nhiều các bản bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.

Thứ hai, pháp luật thường xuyên thay đổi dẫn tới những khó khăn đáng kể trong việc thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định của các quan hệ xã hội, nhất là các quan hệ kinh tế.

Thực tế này là hệ quả tất yếu của việc chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Thực tế này có nguyên nhân ở sự thiếu vắng những tầm nhìn và quan điểm chiến lược cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội cụ thể và từ đó, của cả hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, nhiều văn bản pháp luật có tính quy phạm thấp, tức là thiếu những quy tắc xử sự cụ thể mà chủ thể phải thực hiện.

Nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội đòi hỏi phải được điều chỉnh cụ thể, chi tiết thì pháp luật lại là văn bản pháp luật “khung” hay văn bản pháp luật “ống”. Phần lớn các văn bản luật như vậy giao cho Chính phủ ban hành nghị định để cụ thể hoá. Nhiều nghị định của Chính phủ lại giao cho bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa văn bản hướng dẫn và văn bản được hướng dẫn thi hành. Việc triển khai thực hiện pháp luật theo cách này thiếu kịp thời, khó mang lại hiệu quả cao, vì phải chờ văn bản của các cấp khác nhau.

Thứ tư, tính minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế, nhất là nhìn nhận từ tính minh xác, tính minh định. Công báo của Trung ương và các tỉnh đã đăng tải khá đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật. Các phương tiện thông tin đại chúng, cả hệ thống chính trị và xã hội đã có nhiều cố gắng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật. Như vậy, xét ở khía cạnh khả năng tiếp cận thì tính minh bạch của hệ thống pháp luật được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, xét ở tính minh xác, tính minh định thì hệ thống pháp luật vẫn còn

thiếu tính minh bạch. Chính hạn chế này khiến các chủ thể thực sự lúng túng khi thực hiện hay áp dụng pháp luật. Quy trình xây dựng pháp luật vẫn chưa tạo được cho công chúng những tiếp cận và tham gia cần thiết. Các ý kiến của chuyên gia, của các nhà khoa học nói riêng và của công chúng nói chung chưa thực sự được cân nhắc và tiếp thu. Mặt khác, tính tích cực công dân tham gia xây dựng pháp luật nhìn chung chưa cao.

Thứ năm, tính hệ thống của pháp luật chưa cao. Các văn bản luật, các văn bản dưới luật chưa thực sự tạo thành một chỉnh thể với những nguyên tắc chỉ đạo mang tính chuyên ngành hoặc liên ngành.

Thứ sáu, trên nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội, xây dựng pháp luật chưa gắn với quản lý thi hành pháp luật và, do đó, khó tránh khỏi hậu quả pháp luật xa rời thực tiễn, không những không phản ánh đầy đủ thực tại, mà còn khó có khả năng dự báo, đi trước sự phát triển của quan hệ xã hội.

Do vậy, thời gian tới công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải được coi là vấn đề cấp bách để khắc phục những nhược điểm nêu trên.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 83)