Giá trị truyền thống tư tưởng, văn hoá dân tộc

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 27 - 30)

Nước Việt Nam ta ở vào vị trí địa - chính trị trọng yếu, là cửa ngõ của Đông - Nam châu Á, luôn phải chống lại các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Vì vậy, trong hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dựng nước và giữ nước đã trở thành quy luật nội sinh trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đấu tranh của đất nước đã hình thành các giá trị truyền thống dân tộc phong phú, bền vững. Đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà biểu hiện là ý thức chủ quyền quốc gia dân tộc, ý chí tự lập, tự cường, yêu nước, kiên cường, bất khuất... tạo thành động lực mạnh mẽ của đất nước. Lịch sử hàng ngàn năm sản xuất, chiến đấu với thiên tai, địch hoạ đã hình thành nên tinh thần tương thân, tương ái, nhân nghĩa, cố kết cộng đồng dân tộc... Trong nguồn giá trị tinh thần truyền thống đó, chủ nghĩa yêu nước là cốt lõi của tư

tưởng văn hóa truyền thống Việt Nam với những giá trị dân chủ của cha ông ta, xuyên suốt trường kỳ lịch sử, là động lực mạnh mẽ cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Chính sức mạnh truyền thống tư tưởng và văn hóa đó của dân tộc đã thúc giục Hồ Chí Minh ra đi tìm tòi, học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu cho tư tưởng cách mạng và văn hóa của Người.

Ngày nay, khi đánh giá về truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam đa số các ý kiến đều cho rằng còn chưa toàn diện về nội dung và chưa đồng bộ trong cơ cấu, chẳng hạn nặng về dân chủ chính trị mà nhẹ về dân chủ kinh tế và dân chủ xã hội, hay dân chủ chính trị nhìn chung cũng chưa đồng bộ về trách nhiệm và quyền lợi. Dù vậy, do đặc điểm kinh tế - xã hội, trong quá khứ, ở Việt Nam đã tồn tại những tư tưởng dân chủ mà biểu hiện ở những cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do cho dân tộc, các cuộc khởi nghĩa nông dân thời kỳ Lý, Trần. Tuy nhiên, “Về mặt chính trị, tư tưởng dân chủ cao nhất của nông dân là bạo động chống lại chế độ chuyên chế, lật đổ bạo chúa, tham quan, cường hào với ước mơ một xã hội công bằng có vua sáng, tôi hiền” và “nó chỉ dừng lại ở yêu cầu bình đẳng xã hội, bình đẳng về tài sản mà mức độ phát triển cao nhất là chủ nghĩa bình quân về kinh tế - xã hội và tư tưởng bạo động về chính trị”[42, tr. 27]. Cũng vào thời kỳ Lý, Trần đã tồn tại các thiết chế trong quan hệ cộng đồng công xã. Tại Việt Nam đã hình thành và lưu truyền một loạt phong tục tập quán gọi chung là “lệ làng” ít nhiều phản ánh tính chất dân chủ công xã. Đó là sự bình đẳng giữa các thành viên trong việc chia ruộng đất công, trong sinh hoạt cộng đồng, bình đẳng trong việc thảo luận, bàn bạc xây dựng hương ước và bầu chọn những người đại diện cho họ để quản lý việc làng cũng như việc phán xét các vi phạm lệ làng [21]. Những biểu hiện của tinh thần dân chủ đã được phản ánh trong Bộ luật Hồng Đức, được xây dựng từ thế kỷ XV và được áp dụng lâu dài cho tới thế kỷ XVIII. Một số phong tục, tập quán dưới dạng luật tục dân gian có hiệu lực lâu đời được ghi nhận và hợp pháp hoá thành những điều luật của nhà nước phong

kiến mà tập trung nhất là việc thừa nhận quyền của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, trong việc thừa hưởng gia tài thừa kế, hương hoả và phân chia tài sản khi vợ chồng phải ly dị [60, tr. 226, 243].

Trong quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm nhận thức được mối quan hệ gắn bó giữa lợi ích vương triều với lợi ích của dân tộc, hiểu rõ sức mạnh của nhân dân. Hội nghị Diên Hồng quyết định kế sách giữ nước và động viên toàn dân tham gia đánh giặc là một hình thức dân chủ trực tiếp điển hình, có một không hai trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Trần Quốc Tuấn đã từng tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên là do vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức. Nguyễn Trãi đã ví dân như nước, nước có thể chở thuyền và lật thuyền. Chính vì thế, các vương triều tiến bộ phải lo giữ lòng dân và phải áp dụng một số hình thức dân chủ với nhân dân, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Thực tế lịch sử đó cho thấy, ở nước ta, một phong trào dân tộc rộng lớn hàm chứa những yếu tố dân chủ nhất định. Trong tiến trình đi lên của dân tộc, vấn đề giải phóng dân tộc luôn phải gắn liền với vấn đề giải phóng con người theo sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đây chính là nguồn lực cơ bản, cực kỳ mạnh mẽ, mà nhờ đó, dân tộc ta luôn duy trì được sự sinh tồn, phục hưng và phát triển của mình trước áp lực khổng lồ và hung tàn của các thế lực xâm lăng.

Như vậy, tác động tổng hợp của những nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam trong lịch sử đã làm nảy sinh, bảo tồn và phát triển, ở một mức độ nhất định, những giá trị dân chủ và có thể xem như đây là một trong những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. Đó là dân chủ nông dân nảy sinh trong cuộc đấu tranh xã hội, là dân chủ công xã dựa trên sự bảo tồn các quan hệ cộng đồng và một số biện pháp thân dân của các vương triều tiến bộ trong điều kiện phân hoá giai cấp và yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, bảo tồn và phát triển dân tộc [42].

Những yếu tố dân chủ đó đã tác động không nhỏ tới văn hoá truyền thống Việt Nam. Những biểu hiện dân chủ trong văn hoá truyền thống Việt Nam với các giá trị của nó, dù còn giản đơn, chưa trở thành một học thuyết, nhưng cũng chính là một cơ sở vững chắc, thuận lợi để Hồ Chí Minh có thể so sánh, chọn lọc và tiếp thu những giá trị dân chủ của nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và việc vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)