Nghĩa của quyết định hình phạt

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong đồng phạm (Trang 43)

Thứ nhất, quyết định hình phạt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị-xã hội và pháp lý. Quyết định hình phạt góp phần củng cố và giữ vững pháp chế, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Hình phạt mà tòa án tuyên cho người phạm tội phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Hình phạt đã tuyên thỏa đáng sẽ làm cho người bị kết án thấy được tính chất sai trái của hành vi của mình cũng như sự cần thiết của bản án đã tuyên cho họ, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật; đồng thời hình phạt đã tuyên thỏa đáng sẽ đủ sức răn đe những người không "vững

vàng" trong xã hội để họ từ bỏ ý định phạm tội, tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, việc tòa án tuyên hình phạt thỏa đáng cho người phạm tội sẽ có tác dụng giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân thấy được sự nghiêm minh của luật pháp để tự giác tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thứ hai, quyết định hình phạt đúng là cơ sở pháp lý đầu tiên để đạt được mục đích của hình phạt: trừng trị và giáo dục. Việc quyết định hình phạt phải đảm bảo cho hình phạt đã tuyên đạt được cả hai mục đích này. Trừng trị và giáo dục là hai mặt có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và là hai mặt của một thể thống nhất trong khi quyết định hình phạt và Tòa án không được coi nhẹ mặt nào. Chỉ khi hình phạt được quyết định một cách chính xác và công bằng thì mục đích của hình phạt mới đạt được, tức là có tác dụng giáo dục và cải tạo người phạm tội, ngăn ngừa phạm tội mới và giáo dục người khác. Hình phạt được quyết định quá nhẹ so với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm đã được thực hiện sẽ sinh ra ở người phạm tội và ở những người khác thái độ xem thường pháp luật, còn hình phạt được quyết định quá nặng sẽ gây ra ở người bị kết án sự không tin tưởng vào tính công bằng của pháp luật và sự công minh của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó dẫn đến hậu quả là là giảm ý nghĩa phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hình phạt.

Thứ ba, quyết định hình phạt đúng là cơ sở quan trọng để có thể nâng cao hiệu quả của hình phạt. Hiệu quả của hình phạt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như xây dựng pháp luật hình sự, quyết định hình phạt, chấp hành hình phạt, tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật cho công dân. Trong các yếu tố trên thì quyết định hình phạt là yếu tố quan trọng nhất. Việc xây dựng hệ thống pháp luật hình sự hoàn thiện chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt trong thực tế được đúng. Mặt khác, việc chấp hành hình phạt chỉ phát

huy tác dụng nếu tòa án quyết định hình phạt đúng. Những yếu tố xã hội khác đảm bảo hiệu quả của hình phạt như vấn đề tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công dân để công dân tự giác chấp hành hình phạt sẽ không thể phát huy tác dụng khi quyết định hình phạt không đúng. Nếu hình phạt quá nhẹ hay quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội sẽ làm cho người bị kết án không thấy được tính nghiêm minh của bản án và từ đó không tích cực lao động cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội cũng như gây ra dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tới niềm tin của quần chúng nhân dân đối với pháp luật, không động viên được quần chúng tham gia tích cực vào công tác đấu tranh vào phòng chống tội phạm và như vậy hiệu quả của hình phạt chắc chắn sẽ không đạt được [18, tr. 10-12].

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong đồng phạm (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)