Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa trong quyết định hình phạt

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong đồng phạm (Trang 48)

Tư tưởng nhân đạo luôn được thể hiện rõ nét trong đường lối chính sách của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước ta. Trong luật hình sự Việt Nam, tư tưởng nhân đạo được thể hiện xuyên suốt thông qua các quy phạm pháp luật hình sự, hình thành nên nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Cùng với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa không chỉ là một nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam mà còn là nguyên tắc đặc thù cho hoạt động quyết định hình phạt.

Trước hết, khi quyết định hình phạt, tòa án phải đặt mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội là mục đích quan trọng hàng đầu. Do đó, khi quyết định hình phạt, tòa án phải cân nhắc

lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của người phạm tội trong một tổng thể thống nhất biện chứng, hài hòa và hợp lý. Nhân đạo xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có thái độ đúng đắn đối với lợi ích của toàn xã hội, của Nhà nước và của người phạm tội. Bởi lẽ, không thể nói đến nhân đạo được nếu khi quyết định hình phạt mà quá đề cao lợi ích của Nhà nước, của xã hội, hạ thấp, xem thường lợi ích của người phạm tội, hoặc ngược lại.

Nguyên tắc nhân đạo khi quyết định hình phạt thể hiện ở chỗ luật hình sự nước ta quy định các quy phạm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với những người phạm tội ít nguy hiểm cho xã hội và những người phạm tội lần đầu, những người thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đối với những người này, khi quyết định hình phạt, tùy theo các tình tiết của vụ án, mức phạt tù và nhân thân người phạm tội, Tòa án có thể cho bị cáo hưởng án treo, khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất hoặc chuyển sang loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn… Còn đối với những người phạm tội đặc biệt nguy hiểm, những người tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tổ chức… luật hình sự nước ta có những quy định quyết định hình phạt rất nghiêm khắc nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của xã hội, của nhà nước và mọi công dân khỏi sự xâm hại của tội phạm. Nhưng khi quyết định hình phạt đối với những người này, nguyên tắc nhân đạo đòi hỏi phải chọn một biện pháp nghiêm khắc thích hợp, phải tuân theo một nguyên lý cơ bản là người bị kết án cũng là con người và mọi người lầm đường lạc lối có thể được giáo dục, cải tạo, để trở thành người lao động có ích cho xã hội. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, tòa án phải cân nhắc đến tất cả những đặc điểm tốt thuộc về nhân thân người phạm tội trong phạm vi luật định vì nhân thân người phạm tội không chỉ phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn phản ánh khả năng cải tạo giáo dục của người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Tòa án xem xét các đặc điểm tốt thuộc về

nhân thân người phạm tội để tuyên một hình phạt giảm nhẹ cho bị cáo [18, tr. 39].

Nguyên tắc nhân đạo còn thể hiện ở việc hạn chế sự trừng trị. Tức là trong một vụ án, tòa án có thể tuyên một trong những mức cho phép đối với bị cáo: cần thiết tối thiểu, mức cao hơn cần thiết tối thiểu, mức tối đa, thì ở góc độ của việc hạn chế sự trừng trị, tòa án nên tuyên mức hình phạt cần thiết tối thiểu. Trong mọi trường hợp không cho phép tòa án quyết định hình phạt với mức "dự trữ", tức là quá mức cần thiết.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong đồng phạm (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)