Người tổ chức được đề cập đầu tiên trong Quốc triều hình luật với các tên gọi người khởi xướng, người đứng đầu, kẻ chủ mưu, trong đó nguyên tắc trừng trị người tổ chức được đặt ra là: "kẻ chủ mưu nặng tội nhất, còn kẻ khác đều xử giảm một bậc".
Các văn bản pháp luật hình sự của Nhà nước ta được ban hành sau Cách mạng tháng Tám [31, tr. 260, 193] cho đến khi Bộ luật hình sự ra đời, cũng như các bộ luật trên đều không có quy phạm định nghĩa về người tổ chức. Các văn bản này chỉ quy định về người tổ chức với các tên gọi chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ huy.
Luật hình sự của nhiều nước như Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Thụy điển, Vương quốc Nhật Bản… đều không đề cập khái niệm người tổ chức. Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định về người tổ chức như sau: "Người tổ chức là người tổ chức hoặc lãnh đạo việc thực hiện tội phạm hay là người thành lập, lãnh đạo tổ chức phạm tội hoặc cộng đồng phạm tội".
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 thì: "người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm".
- Người chủ mưu: là người chủ động về mặt tinh thần gây ra tội phạm, có sáng kiến thành lập các băng, nhóm tội phạm, đề xuất những âm mưu và vạch ra đường lối, phương hướng hoạt động chung cho tổ chức, kích động, thúc đẩy đồng bọn hoạt động.
- Người cầm đầu: là người đứng ra thành lập các băng, ổ, nhóm tội phạm, hoặc tham gia soạn thảo kế hoạch, phương hướng chính cho tổ chức phát triển và hoạt động hoặc các kế hoạch để thực hiện tội phạm.
- Người chỉ huy: là người giữ vai trò trực tiếp điều khiển việc thực hiện tội phạm cụ thể của đồng bọn trong băng, ổ nhóm phạm tội; trực tiếp đôn đốc đồng bọn làm theo mệnh lệnh của mình hay theo kế hoạch phạm tội đã định sẵn.
Những vai trò trên có thể do những người phạm tội khác nhau đảm nhận, nhưng cũng thể chi do một người nắm giữ. Người tổ chức là người giữ vai trò tổ chức thực hiện một tội phạm cụ thể hoặc thành lập băng, nhóm phạm tội hoặc một tổ chức phạm tội có cơ cấu phối hợp chặt chẽ sẽ là điều kiện hoạt động của đồng bọn trong tổ chức nên hành vi phạm tội của người tổ chức nguy hiểm nhất trong vụ đồng phạm. Vì vậy, đoạn 2 khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự quy định nguyên tắc xử lý là "nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy…"