Theo Từ điển tiếng Việt thì "công bằng" được hiểu là "theo đúng lẽ phải, không thiên vị". ở nước ta, tư tưởng công bằng luôn được thể hiện rõ nét
trong đường lối chính sách của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Trong luật hình sự Việt Nam, tư tưởng công bằng được thể hiện xuyên suốt thông qua các quy phạm pháp luật hình sự, hình thành nên một nguyên tắc của luật hình sự-nguyên tắc công bằng.
Nguyên tắc công bằng trong quyết định hình phạt được hiểu là hình phạt phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không phân biệt giới tính, dân tộc, địa vị kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xuất thân, tình trạng tài sản của người phạm tội… hình phạt càng phù hợp với hành vi phạm tội thì nguyên tắc công bằng càng được thực hiện triệt để.
Công bằng không chỉ đặt ra đối với bản thân người có hành vi phạm tội mà còn phải đặt trong sự so sánh với những tội phạm khác và với những người phạm tội khác. Việc nhà làm luật phân loại tội phạm thành 4 loại cũng như quy định rõ trường hợp hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng nguy hiểm không đáng kể thì không bị coi là tội phạm và bị xử lý bằng biện pháp khác cũng thể hiện rõ nguyên tắc công bằng trong quyết định hình phạt. Bởi các hành vi khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm thì mức độ xử lý phải khác nhau, không thể có mức xử lý ngang nhau đối với các trường hợp phạm tội cụ thể khác nhau. Chỉ khi nào hình phạt đã tuyên tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì khi đó hình phạt này mới chính xác, công bằng đối với người phạm tội và trong mối tương quan với tội phạm khác, hình phạt đã tuyên cũng phải có tính hợp lý, công bằng. Nếu có sự chênh lệch lớn giữa tội phạm và hình phạt thì khi đó nguyên tắc công bằng không thể đạt được. Tội phạm càng nguy hiểm thì hình phạt càng nghiêm khắc. Ngoài ra, các trường hợp phạm tội cụ thể của một tội phạm rất khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm, do vậy, nhà làm luật quy định chế tài lựa chọn trong khung hình phạt để Tòa án tùy từng trường hợp cụ thể quyết định một hình phạt thực sự công bằng so với hành vi phạm tội của
Trong phạm vi cả nước, tòa án phải thống nhất trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu có. Không thể có việc đánh giá khác nhau đối với những vụ phạm tội có các tình tiết tương đương, do đó quyết định hình phạt không giống nhau dù các tình tiết là tương đương nhau.
Tòa án khi quyết định hình phạt phải cân nhắc toàn bộ các tình tiết có trong vụ án, không được bỏ sót bất cứ tình tiết nào có liên quan đến hành vi phạm tội cũng như khả năng đạt được mục đích của hình phạt, từ đó quyết định hình phạt thỏa đáng, công bằng đối với bị cáo. Bởi nếu tòa án bỏ sót một tình tiết nào đó sẽ dẫn đến hậu quả quyết định hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ đối với bị cáo và rõ ràng khi đó, nguyên tắc công bằng trong quyết định hình phạt không thể đạt được.
Tóm lại, các nguyên tắc quyết định hình phạt là các nguyên tắc đặc thù cho quá trình quyết định hình phạt, định hướng cho hoạt động của tòa án để quyết định hình phạt đúng đắn cho người phạm tội. Các nguyên tắc quyết định hình phạt tuy đặc thù cho quá trình quyết định hình phạt nhưng chúng vẫn nằm trong thể thống nhất với các nguyên tắc của luật hình sự. Cùng với các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, các nguyên tắc quyết định hình phạt có ý nghĩa lớn không những trong việc quyết định hình phạt nói riêng mà còn có ý nghĩa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.