phạm tội
Để có thể quyết định được loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật cho phép, tòa án phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, trước hết được quyết định bởi ý nghĩa, tính chất, tầm quan trọng và giá trị của các quan hệ xã hội do tội phạm đó xâm hại-khách thể bị xâm hại. Bên cạnh khách thể bị xâm hại, tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm còn phụ thuộc vào các dấu hiệu khác về mặt khách quan, về mặt chủ quan, các dấu hiệu đặc trưng cho chủ thể.
Những tội phạm giống nhau về tính chất nguy hiểm cho xã hội có thể khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng được xác định bởi tổng thể các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và đó cũng là thuộc tính khách quan của tội phạm. Nếu tính chất của tội phạm là đặc tính về chất, thì mức độ nguy hiểm của nó là đặc tính về lượng của mỗi tội phạm cụ thể. Điều đó có nghĩa là khái niệm "tính chất" và "mức độ" nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không tách rời nhau, chúng tồn tại cùng nhau, bổ sung cho nhau và xâm nhập vào nhau.
Khi quyết định hình phạt, tòa án phải chỉ ra trong bản án những tình tiết cụ thể chứng minh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội
phạm cụ thể mà tòa án dựa vào đó và cùng với các tình tiết khác để chọn loại và mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo khi xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cụ thể đã được thực hiện. Chỉ khi bảo đảm được sự cân nhắc tổng thể các tình tiết đó và với việc dựa vào các căn cứ khác (nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng), tòa án mới có đầy đủ căn cứ để quyết định được một loại và mức hình phạt đúng pháp luật, công bằng, hợp lý.
Các tình tiết (dấu hiệu) thuộc mặt khách quan ảnh hưởng rất lớn đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện và do đó ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt.
Trong một số trường hợp các tình tiết như thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, hậu quả, phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm được nhà làm luật quy định là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: tình tiết "vùng rừng núi, rừng biển, vùng hiểm ác khác" (Điều 83); "dùng vũ khí hoặc phương tiện thủ đoạn khác" (khoản 2 Điều 133); "trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự" (Điều 316)…có vai trò quyết định trong việc định tội danh và ở một mức độ nhất định nào đó, cũng ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt. Trong một số trường hợp khác, những tình tiết trên không được các nhà làm luật quy định là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì chúng không có ý nghĩa đối với việc định tội danh, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, cần phải xác định và cân nhắc các tình tiết đó để có căn cứ đầy đủ cho việc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Hậu quả do tội phạm gây ra ảnh hưởng lớn đến việc quyết định hình phạt. Trong những trường hợp việc gây ra hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì chúng không được coi là dấu hiệu tăng nặng. Các hậu quả không được luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu
Mức độ nghiêm trọng của hậu quả do tội phạm gây ra ảnh hưởng đến mức độ nghiêm khắc của hình phạt được quyết định.
Các tình tiết như thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm, trong những trường hợp không được luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, có ý nghĩa quan trọng đối với việc cá thể hóa hình phạt.
Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan có ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với việc quyết định hình phạt.
Trước hết, các hình thức, các loại và mức độ của lỗi có ý nghĩa rất lớn đối với việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện và việc quyết định hình phạt. Thông thường, trong những trường hợp gây ra hậu quả giống nhau, các tội phạm được thực hiện do cố ý được nhà làm luật đánh giá có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn các tội phạm được thực hiện do vô ý và quy định hình phạt nghiêm khắc hơn (Điều 93 và Điều 99 Bộ luật hình sự). Để quyết định một hình phạt công bằng, hợp lý, phù hợp với lỗi của người phạm tội, ngoài việc xác định đúng hình thức lỗi, việc xác định rõ từng loại lỗi trong mỗi hình thức cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định mức độ hình phạt.
Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội có ảnh hưởng lớn đến mức độ lỗi của người phạm tội. Điều đó cũng có nghĩa là giữa tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã thực hiện và mức độ lỗi có tồn tại mối quan hệ trực tiếp và mối quan hệ đó được thể hiện ở chỗ hành vi phạm tội đã thực hiện càng nguy hiểm thì mức độ lỡi của chủ thể càng lớn và do đó mức hình phạt được quyết định càng phải nghiêm khắc.
Ngoài ra, động cơ, mục đích, đặc điểm nhân thân người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội…cũng ảnh hưởng đến mức độ
lỗi của người thực hiện tội phạm và phải được cân nhắc khi quyết định hình phạt.
Tóm lại, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một trong những căn cứ quan trọng của việc quyết định hình phạt. Có nhiều tình tiết, dấu hiệu ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Bởi vậy, tòa án phải cân nhắc tổng thể các tình tiết, dấu hiệu đó mới bảo đảm cho việc quyết định một hình phạt công bằng, hợp lý đối với bị cáo.