Đây là một căn cứ có tính bao trùm, căn cứ này bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của tòa án.
Khi quyết định hình phạt thì các quy định của Bộ luật hình sự bao giờ cũng là tiêu chuẩn pháp lý cao nhất để đảm bảo cho tòa án quyết định được một hình phạt đúng, tạo khả năng lớn nhất để đạt được mục đích của hình phạt.
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, tức là căn cứ vào nội dung các quy định của Phần chung và Phần các tội phạm (điều luật quy định tội phạm mà bị cáo đã thực hiện). Theo đó, các quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự như: quy định về nguyên tắc xử lý (Điều 3); các quy định liên quan đến hình phạt (từ Điều 26 đến Điều 40); các quy định về các biện pháp tư pháp (từ Điều 41 đến Điều 44); các quy định về căn cứ quyết định hình
phạt (Điều 45); về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 46 và Điều 47); về các tình tiết tặng trách nhiệm hình sự (Điều 48); về tái phạm và tái phạm nguy hiểm (Điều 49); quy định về án treo (Điều 60)… Khi quyết định hình phạt, tòa án phải căn cứ vào tất cả các quy định của Phần chung nhưng không có nghĩa là trong mọi trường hợp tòa án phải viện dẫn tất cả các quy định của Phần chung vào trong vụ án cụ thể. Tòa án không thể và không cần phải làm điều đó. Vì những quy định đó đã được giải thích, nhận thức và phản ánh trong ý thức pháp luật của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi họ giải quyết vấn đề quyết định hình phạt. Tòa án chỉ phản ánh trong bản án những quy định của Phần chung mà dựa vào đó để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện và nhân thân người phạm tội, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng có trong một vụ án cụ thể nhằm chọn loại và mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Đây là những quy định có tính chất định hướng chung không những là cơ sở cho việc xây dựng các quy định về quyết định hình phạt, các khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung áp dụng cho các tội phạm cụ thể mà còn là cơ sở giúp cho tòa án dựa vào đó để có thể quyết định hình phạt trong thực tế được đúng.
Khi quyết định hình phạt, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Phần chung Bộ luật hình sự, tòa án còn phải căn cứ vào các chế tài của điều luật quy định đối với tội phạm mà bị cáo đã thực hiện (Phần các tội phạm). Đối với mỗi loại tội phạm đều có một số loại hình phạt tương ứng được quy định ở chế tài của điều luật hoặc khoản của điều luật đó. Do đó, khi quyết định hình phạt, tòa án phải căn cứ vào loại và khung hình phạt được quy định đối với tội mà bị cáo đã thực hiện; căn cứ vào những chế tài cụ thể được quy định đối với tội phạm cụ thể do bị cáo đã thực hiện, để chọn một loại và mức hình phạt hợp lý, công bằng và nhân đạo nhất [17, tr. 146-147].
Tìm hiểu Bộ luật hình sự của một số nước như Bộ luật hình sự của Cộng hòa liên bang Nga, Trung Quốc, Thụy Điển, Hy Lạp… cho thấy nhiều
nước coi "các quy định của Bộ luật hình sự" là một căn cứ quyết định hình phạt. Điều đó chứng tỏ rằng vai trò quan trọng không thể thiếu của căn cứ này trong quyết định hình phạt. Ví dụ: Điều 61 Bộ luật hình sự của Trung Quốc quy định: "Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, hình phạt sẽ được áp dụng trên cơ sở những tình tiết thực tế về tội phạm, bản chất và hoàn cảnh phạm tội, mức độ gây thiệt hại cho xã hội, những quy định có liên quan của Bộ luật này" [Dẫn theo 18, tr. 59].
Như vậy, với yêu cầu của căn cứ này, khi quyết định hình phạt tòa án cần phải căn cứ vào tất cả các quy định của Bộ luật hình sự ở dạng thống nhất, tổng thể của chúng và phải cân nhắc chỉ rõ trong bản án những quy định của Bộ luật hình sự có liên quan trực tiếp đến việc quyết định một hình phạt cụ thể đối với một bị cáo cụ thể. Căn cứ thứ nhất cho phép xác định được khung hình phạt để áp dụng hoặc khẳng định có thể áp dụng các biện pháp tha miễn như miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt được hay không.
Việc quyết định hình phạt đối với người thực hành và những người cùng thực hành trong vụ án đồng phạm giống với cơ sở để quyết định hình phạt trong trường hợp tội phạm do một người thực hiện, nghĩa là việc thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Do vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nước ta thừa nhận, khi áp dụng pháp luật đối với những người này không cần viện dẫn Điều 20 Bộ luật hình sự về đồng phạm. Còn cơ sở để quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức) là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm trong sự kết hợp dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định tại điều luật về tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự với dấu hiệu của đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Để bảo đảm tính khoa học của việc quyết định hình phạt của những
theo hướng quy định: Khi viện dẫn điều luật để quyết định hình phạt của người thực hành và người cùng thực hành, không cần viện dẫn Điều 20 Bộ luật hình sự, còn đối với những người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức) thì khi viện dẫn điều luật để quyết định hình phạt đối với họ, ngoài điều khoản quy định về tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự phải viện dẫn thêm Điều 20 Bộ luật hình sự quy định về đồng phạm.