Nhận xét các quy phạm của Bộ luật hình sự Việt Nam về quyết

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam (Trang 102)

b. Đặc điểm của việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt

3.2.1.Nhận xét các quy phạm của Bộ luật hình sự Việt Nam về quyết

định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

Bộ luật hình sự Việt Nam sau hai lần pháp điển hóa đã đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực lập pháp của Nhà nước ta, đặc biệt việc quy định TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và QĐHP đối với các hành vi này cũng cho thấy sự tiến bộ về lĩnh vực lập pháp của các nhà làm luật nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đạt được của các quy phạm này, trong quá trình vận dụng áp dụng vào thực tiễn xét xử các vụ án hình sự và qua những nghiên cứu đánh giá của các nhà nghiên cứu pháp lý hình sự, chúng tôi đưa ra một vài các nhận xét về các quy phạm QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt như sau:

Thứ nhất, các quy phạm QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội phạm tội chưa đạt là việc QĐHP trong trường hợp giảm nhẹ đặc biệt so với tội phạm hoàn thành. Việc Nhà nước quy định về TNHS cho trường hợp nêu trên đã giải quyết cho thực tiễn xét xử của các Tòa án trong thời gian qua. Đúng như TS. Trịnh Tiến Việt nhận định: "Pháp luật hình sự của nhà nước đặt ra yêu cầu xử lý đồng bộ tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi thực hiện hoàn thành một tội phạm và cả hành vi phạm tội chưa đạt - hành vi chưa hoàn thành" [50, tr. 125]. Chúng tôi cho rằng với những quy định của

pháp luật hình tại Điều 17, Điều 18 và Điều 52 BLHS hiện hành, đã góp phần cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của nhà nước ta.

Qua nghiên cứu các quy định tại Điều 17, Điều 18 và Điều 52 BLHS Việt Nam đã có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc trong những quy định và pháp luật hình sự trước đây, để quy định rõ ràng và chi tiết định nghĩa có tính pháp lý cho khái niệm của các trường hợp: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và QĐHP. Đặc biệt Điều 52 BLHS quy định cho QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt đã có sự phân hóa TNHS đối với từng trường hợp cụ thể, như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Qua đó có sự so sánh đối với các trường hợp khác như: tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phạm tội hoàn thành.

Thứ hai, qua hơn mười năm thực hiện (năm 1999 - 2011), vừa qua BLHS Việt Nam năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực ngày 01/01/2010. Nhưng điều đáng nói ở đây, qua thực tiễn xét xử thấy rằng các quy định hình sự nêu trên còn có nhiều điểm bất cập chưa phù hợp với thực tế trong giai đoạn tội phạm phức tạp, tinh vi như hiện nay.

Thứ ba, các quy định trên về câu chữ còn gây nên cách hiểu chưa chính xác, dẫn tới các Toà án áp dụng pháp luật hình sự không đồng nhất. Mặt khác, trong các quy định trên chưa đưa ra định nghĩa pháp lý khái quát nhất trong các quy định pháp lý về trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phạm tội hoàn thành... như mong muốn của các nhà nghiên cứu pháp lý hình sự đặt ra.

Để có QĐHP cho trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt chính xác và có căn cứ pháp lý theo quan điểm của chúng tôi trong các quy định tại Điều 18 BLHS Việt Nam hiện hành chưa đưa ra khái niệm pháp lý về trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Như phân tích ở trên, trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành tính chất mức độ nguy hiểm hơn, gần với phạm tội hoàn thành, nên cần QĐHP nặng hơn.

Như vậy, mới đạt được nguyên tắc công bằng trong QĐHP nói chung và QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt nói riêng.

Thứ tư, Điều 52 BLHS quy định một cách chung chung ở khoản 2 và khoản 3:

Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định" và "Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có qui định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật qui định [30].

Với mỗi một tội phạm bao giờ cũng qui định khung cơ bản và khung tăng nặng và khung giảm nhẹ, trong các quy định về QĐHP hai trường hợp nêu trên chưa đưa ra khung quy định cơ bản là cao nhất hay thấp nhất. Như quan điểm của TS. Trịnh Tiến Việt nhận xét: "Các nhà làm luật nước ta chưa quy định rõ: không quá một phần hai (1/2) hay không quá ba phần tư (3/4) mức phạt tù mà điều luật qui định là của mức phạt tù cao nhất hay mức phạt tù thấp nhất hay chia trung bình chung mức phạt tù mà điều luật qui định?" [50, tr. 132].

Như vậy, trên phương tiện về mặt lập pháp và những phân tích luận giải cho các quy định về QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, chứng tỏ rằng những quy định pháp lý hình sự này còn thiếu chặt chẽ về mặt lôgic, chưa hoàn thiện về phương diện lập pháp. QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là quyết định cho hành vi có lỗi cố ý trực tiếp, vì vậy, cần có sự phân hóa TNHS trong các quy định về QĐHP với phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn

thành. Làm tốt những nội dung này, bảo đảm việc QĐHP đúng người đúng tội, có căn cứ pháp lý, không QĐHP thấp hoặc cao quá. Bảo đảm yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm, không gây ra những dư luận xấu trong xã hội về các QĐHP chưa thích đáng với hành vi và tội phạm gây ra điều này dẫn tới, tâm lý của người dân coi thường các quyết định của Tòa án nói riêng và các quy định pháp luật của Nhà nước ta nói chung.

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam (Trang 102)