Đặc điểm quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tộ

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam (Trang 37 - 40)

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu tiên của quá trình thực hiện tội phạm, do đó QĐHP ở trường hợp này cũng mang những đặc điểm riêng biệt, khác với giai đoạn phạm tội chưa đạt và phạm tội hoàn thành.

Chuẩn bị phạm tội là hành vi cố ý, chuẩn bị cho các bước tiếp theo của quá trình phạm tội. Chuẩn bị phạm tội đã thể hiện ra ngoài thế giới khách quan, bằng ý chí của chủ thể phạm tội. Thỏa mãn ý định phạm tội bằng hành vi tìm kiếm công cụ, phương tiện, hay các điều kiện khác để thực hiện ý định phạm tội của mình. Hành vi này đi ngược với lợi ích xã hội, đe dọa khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ.

Tuy việc chuẩn bị phạm tội đó chưa trực tiếp tác động tới quan hệ xã hội, chưa trực tiếp gây nguy hại cho quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, nhưng là tiền đề, là điều kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội được diễn ra nhanh chóng, gọn nhẹ, rút ngắn thời gian thực hiện và đi tới mục đích nhanh nhất vì:

- Nếu chuẩn bị phạm tội càng chu đáo bao nhiêu, cẩn thận trong tính toán thực hiện tội phạm, thì khả năng thực hiện ý định phạm tội càng lớn. Việc chuẩn bị phạm tội càng lơ là thì khả năng thực hiện ý định phạm tội ít, mục đích đạt được (gây hại) thấp.

- Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, ý định phạm tội không coi là tội phạm, vì ý định phạm tội chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi cụ thể nên không coi là tội phạm.

Như vậy, việc chuẩn bị phạm tội là việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần, như việc tìm kiếm công cụ phương tiện phạm tội, tìm kiếm đồng bọn, vạch kế hoạch phạm tội, cổ vũ động viên khích lệ tinh thần đồng bọn trước khi thực hiện tội phạm v.v...

Từ những phân tích trên đây về trường hợp chuẩn bị phạm tội, nên việc QĐHP cho trường hợp này cũng có những đặc điểm riêng biệt khác với việc QĐHP của các trường hợp phạm tội khác như: Phạm tội chưa đạt, phạm tội hoàn thành và tự ý nửa trừng chấm dứt việc phạm tội.

Với tính chất là giai đoạn đầu tiên của quá trình thực hiện tội phạm nên việc QĐHP được giảm nhẹ hơn so với quy định của điều luật (nhẹ hơn so

với tội phạm hoàn thành). Vì tính chất của việc chuẩn bị phạm tội mới chỉ có hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Hậu quả phạm tội chưa xảy ra, chưa bắt tay vào thực hiện các điều kiện khách quan được miêu tả trong cấu thành tội phạm. Khác với tội phạm hoàn thành đã thực hiện đầy đủ các dấu hiện khách quan và chủ quan, hậu quả đã xảy ra.

Dựa trên những đặc trưng đánh giá về lượng nêu trên, việc QĐHP cho chuẩn bị phạm tội phải nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành trong điều luật tương ứng. Điều này thể hiện được nguyên tắc công bằng trong QĐHP nói chung và QĐHP trong trường hợp chuẩn bị phạm tội nói riêng.

Điều 52 BLHS Việt Nam năm 1999 quy định, đối với hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS đối với các tội quy định trong BLHS là các tội rất nghiêm trọng, hoặc là các tội đặc biệt nghiêm trọng. Qui định này là phù hợp với thực tế xét xử nói chung và khoa học pháp lý hình sự hiện nay nói riêng.

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội là trường hợp QĐHP đặc biệt trong tố tụng hình sự nói chung và trong hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng. Bởi lẽ, khi QĐHP cho trường hợp này ngoài việc phải tuân thủ quy định chung về nguyên tắc, căn cứ QĐHP của BLHS, ngoài ra còn phải tuân thủ các quy định đặc thù riêng biệt áp dụng cho trường hợp chuẩn bị phạm tội.

Các căn cứ cho việc xác định "tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội" để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS trong trường hợp này. Hơn nữa, cần xem xét tính chất mức độ thể hiện ý định trong hành vi chuẩn bị phạm tội (xem xét tính chất mức độ của công cụ phương tiện chuẩn bị cho việc thực hiện tội phạm).

Theo pháp luật hình sự hiện nay, không truy cứu TNHS khi ý định việc chuẩn bị phạm tội của người đó chưa thể hiện ra bên ngoài khách quan, việc chuẩn bị phạm tội thể hiện trong ý định của người phạm tội, chưa có biểu hiện ra bên ngoài khách quan, thì không thể áp dụng việc QĐHP đối với

trường hợp chuẩn bị phạm tội. Đây là đặc điểm riêng bổ sung cho khái niệm về chuẩn bị phạm tội. Dù người phạm tội đã chuẩn bị ý định của mình từng bước của tiến trình thực hiện tội phạm, thời gian, địa điểm nhưng chưa bắt tay vào thực hiện hành vi sửa soạn công cụ, phương tiện, kế hoạch thì không thể truy cứu TNHS đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội (vô hình) này. Theo chúng tôi, điều này cũng hoàn toàn hợp lý và logic vì không có căn cứ và cơ sở cho việc QĐHP.

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội phải dựa vào các căn cứ của việc QĐHP nói chung, nếu không sẽ dẫn tới việc QĐHP không đủ cơ sở, căn cứ. Điều đó, không tránh khỏi có những bản án Tòa án tuyên chưa thỏa đáng, hoặc làm oan, sai, thiếu thuyết phục, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, mất đi sự tin tưởng của nhân dân về pháp luật của Nhà nước và cơ quan tiến hành tố tụng.

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam (Trang 37 - 40)