Thị trường xuất khẩu chủ yếu

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51)

(1) Thị trường Hoa Kỳ

Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã có bước phát triển nhanh kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực thực thi vào tháng 11/2001, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng kỷ lục. Năm 2001 kim ngạch xuất khẩu mới đạt 1.065 triệu USD thì đến năm 2004 con số này đã lên đến 4,99 tỉ USD, tăng gấp gần 5 lần chỉ trong thời gian 3 năm và chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời kỳ nghiên cứu. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2005, với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 4,3 tỉ USD càng khẳng định vị trí Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng nhập khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ là dệt may, thuỷ sản, giày dép, dầu thô, sản phẩm gỗ, điều nhân, cà phê, thủ công mỹ nghệ, máy vi tính và linh kiện, đồ nhựa, cao su, rau quả… Các mặt hàng chính xuất khẩu sang Hoa Kỳ như dệt may, giày dép, dầu thô, đồ gỗ,… đều đạt tốc độ tăng trưởng cao.

(2) Thị trường EU

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU khá đồng đều, trong đó nổi bật là các nước Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ. Tỷ trọng của EU nói riêng và Châu Âu nói chung tăng khá đều trong những năm qua, mang lại kim ngạch khoảng 5 tỉ USD, chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu

của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là thị trường lớn và khá ổn định đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may.

Các mặt hàng xuất khẩu sang EU chủ yếu là dệt may và giầy dép, hàng nông, hải sản, đặc biệt là xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang EU đang có tín hiệu đáng mừng mặc dù kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế. Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của EU rất lớn nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào khu vực thị trường này còn khá thấp so với một số nước trong khu vực. Đức vẫn là bạn hàng lớn nhất về mặt hàng này, tiếp đó là Pháp, Anh... Xuất khẩu giầy dép của Việt Nam sang EU chiếm tới 85% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này và ngày càng có tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các nước thành viên, trong đó Anh là nước nhập khẩu lớn nhất. Hàng thuỷ sản của Việt Nam cũng chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu nhập khẩu của EU mặc dù thị trường này có những quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(3) Thị trường Nhật Bản

Trong số các nước Châu Á thì Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất

của Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nước nhập khẩu hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã tăng từ 2.509 triệu USD năm 2001 lên 3.502 triệu USD năm 2004 và 4.639 triệu USD

năm 2005, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam thời kỳ nghiên cứu. Tuy nhiên, tỉ trọng của Nhật Bản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng giảm đi do Việt Nam thực hiện đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là dầu thô, hàng dệt may, thuỷ sản, hàng thủ công mỹ nghệ... Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD năm 2004 phải kể đến là hải sản (769,5 triệu USD), hàng dệt may (531 triệu USD), điện

và dây cáp điện (350 triệu USD), dầu thô (321 triệu USD), sản phẩm gỗ (180 triệu USD), điện tử (136 triệu USD), than đá (103 triệu USD).

(4) Thị trường Trung Quốc

Từ năm 2001 đến nay, XKHH của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục được mở rộng qua các năm đưa Trung Quốc trở thành một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tỷ trọng XKHH của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng từ 9,4% năm 2001 lên 10,4% năm 2004 và 3.082 triệu

USD năm 2005 là do các quan hệ kinh tế thương mại song phương và trong khuôn khổ đa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không ngừng được mở rộng thời gian gần đây.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm hàng nông, lâm, thuỷ sản, khoáng sản và hàng tiêu dùng như cao su, hạt điều, rau quả, hải sản, dầu thô, than đá... Như vậy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam. Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm tới 40 - 60% cao su xuất khẩu và hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng khác cũng chiếm tỉ trọng lớn trong nhập khẩu của Trung Quốc như: điều khoảng 30%, hồ tiêu 20-30%, rau quả trên 50%.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thời kỳ 2001 đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước. Trung Quốc thời gian qua đã đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới nhưng Việt Nam lại chưa khai thác được lợi thế là nước láng giềng của nền kinh tế lớn và năng động nhất thế giới này. Đây là điều mà Việt Nam cần phải xem xét nghiêm túc để có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc thời gian tới.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)