Giải pháp cho từng nhóm hàng cụ thể

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 87)

- Các thị trường khác

3.2.1.2.Giải pháp cho từng nhóm hàng cụ thể

* Đối với mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thông qua các khung chính sách thuận lợi.

- Phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo công nhân kỹ thuật và chuẩn bị đồng bộ các yếu tố phụ trợ là giải pháp cơ bản nhất để thu hút đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu ở lĩnh vực này.

- Xem xét, mở rộng quyền nhập khẩu các loại thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, lắp ráp hàng điện tử cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tăng cường hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp này.

* Đối với sản phẩm nhựa

- Trước hết là phải giải quyết tốt vấn đề nguồn nguyên liệu để đáp ứng cho sản xuất. Để làm được điều này cần tới sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế, hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đổi mới thiết bị, công nghệ...

- Nâng cao năng lực sản xuất trong nước và cần tập trung vào công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu.

- Xây dựng định hướng mặt hàng chiến lược phù hợp, trước mắt nên tập trung vào hai nhóm sản phẩm là bao bì và đồ nhựa cao cấp là hai mặt hàng mà nhu cầu nhập khẩu của thế giới đang cao, chất lượng của sản phẩm xuất khẩu đã được nhiều nhà nhập khẩu biết tới.

* Đối với sản phẩm gỗ

- Tổ chức tốt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trên cơ sở hình thành những trung tâm đầu mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu với qui mô lớn và liên kết tốt với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

- Đổi mới cơ cấu sản phẩm xuất khẩu từ các sản phẩm thô sang các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, giá trị tạo mới cao hơn.

- Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần tính đến việc ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu từ những nước đang nhập khẩu sản phẩm của ta như Hoa Kỳ, dưới dạng mua, bán, gia công, nhập nguyên liệu bán thành phẩm... để đối phó với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.

- Tăng cường công tác điều hành xuất khẩu mặt hàng này, chú trọng tới việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ kiện về bán phá giá như thị trường Hoa Kỳ, EU để có biện pháp cảnh báo thường xuyên và phản ứng kịp thời.

- Tập trung đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là công nhân lành nghề để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm có chất lượng và độ tinh xảo cao, tăng giá trị hàng xuất khẩu.

* Đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ

- Khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ bằng cách tổ chức lại sản xuất của các làng nghề theo hướng tập trung, chuyên môn hoá.

- Giải quyết tốt vấn đề tổ chức cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất qui mô lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như đồ mây, tre, cói, lá, gỗ và hàng dệt.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế thông qua đẩy mạnh chuyên môn hoá trong sản xuất và tăng cường công tác kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.

- Tập trung vào khâu thiết kế, đổi mới mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng và khơi dậy thị hiếu của khách hàng.

- Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường đối với mặt hàng này.

* Đối với mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp

- Tổ chức tốt các kênh thông tin để theo dõi, xử lý những diễn biến phát sinh từ các thị trường nhập khẩu chủ yếu, giảm thiểu những nguy cơ có thể gây ra phản ứng tự vệ từ các thị trường nhập khẩu.

- Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng những thị trường mới cần được coi là trọng tâm trong công tác xuất khẩu mặt hàng này để vừa có thể gia tăng được qui mô xuất khẩu vừa tránh phụ thuộc vào những thị trường khó tính và rất nhạy cảm hiện nay như EU, Canađa.

- Xem xét, điều chỉnh chế độ và mức thuế VAT cũng như thuế nhập khẩu đối với một số loại nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất dây điện, cáp điện trong nước để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

- Tăng cường khả năng liên kết và hỗ trợ của các ngành sản xuất phụ trợ, đặc biệt là ngành nhựa.

* Đối với mặt hàng nhân điều

- Trước mắt có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào cũng như những hạn chế về khả năng khai thác lợi thế của các nước thuộc khu vực châu Phi để tăng cường nhập khẩu điều thô làm nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

- Cải thiện năng lực cung nguyên liệu trong nước trên cơ sở thực hiện các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng điều, lựa chọn giống tốt, củng cố hệ thống cơ sở vật chất lưu kho và công nghệ chế biến.

- Xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu hạt điều thô từ nước ngoài để khuyến khích các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước nhập khẩu nguyên liệu, mở rộng qui mô chế biến.

* Đối với mặt hàng dệt may và giày dép

- Hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày để phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất của hai ngành này. Xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày trong nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Tăng cường tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được.

- Đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù...

- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp ngoài nước để thiết lập quan hệ đối tác theo hướng chuyên môn hoá và tận dụng để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá của Việt Nam vào những thị trường này.

* Đối với mặt hàng thuỷ sản

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, trước mắt tập trung vào xử lý vấn đề đồng đều về chất lượng của sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh và các qui định về an toàn hải sản.

- Từng bước đa dạng hoá danh mục các sản phẩm qua chế biến gắn liền với công tác quảng bá thương hiệu và xâm nhập thị trường một cách trực tiếp.

- Cải thiện khâu đóng gói, bao bì và sự tiện lợi trong sử dụng của sản phẩm xuất khẩu.

- Tăng cường đánh bắt xa bờ và phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong dài hạn.

- Tập trung đầu tư hiện đại hoá công nghệ sau đánh bắt để bảo quản nguyên liệu từ đánh bắt tự do cũng như từ nuôi trồng, nhằm giảm thiểu lượng nguyên liệu không đủ chất lượng phục vụ chế biến hàng xuất khẩu.

* Đối với mặt hàng rau quả

- Đầu tư xây dựng những khu sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất chế biến theo qui mô lớn trên dây chuyền công nghệ hiện đại để có thể kiểm soát và nâng cao được chất lượng sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch thực vật của các nhà nhập khẩu. Khuyến khích liên doanh, hợp tác với nước ngoài trong sản xuất và chế biến rau quả.

- Nâng cao chất lượng của giống cây trồng và qui hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu.

- Cải thiện cơ sở vật chất lưu kho, dịch vụ hỗ trợ sau thu hoạch.

- Tập trung xây dựng kỹ năng marketing, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.

* Đối với mặt hàng cà phê

- Trước mắt, để nâng cao giá trị xuất khẩu cần tập trung vào khâu công nghệ sau thu hoạch, như thực hiện phân loại và sấy khô cà phê theo đúng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

- Từng bước nâng cao năng lực chế biến, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến như cà phê bột, cà phê hoà tan...

- Đẩy mạnh hoạt động giao dịch, xuất khẩu trên các sàn giao dịch quốc tế để tìm kiếm mức giá có lợi trong xuất khẩu.

- Nỗ lực xây dựng thương hiệu và xuất khẩu cà phê qua chế biến.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 87)