nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, cơ chế quản lý ngoại hối và chính sách tỷ giá
- Trong thời kỳ 2001 đến nay, Việt Nam ngày càng phải đối mặt với những vấn đề còn rất mới mẻ đối với xuất khẩu của chúng ta. Đó là các rào cản thương mại mới của các nước nhập khẩu. Cùng với sự dỡ bỏ các hàng rào thương mại truyền thống, các nước đang lạm dụng các hàng rào thương mại mới theo kiểu “vùng xám” nhằm ngăn chặn hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình là những vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm của các nước phát triển đối với nước ta. Ví dụ: EU công bố các quy định (sách trắng) về an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh với mặt hàng thuỷ sản (chất chloramphenicol trong tôm đông lạnh). EU đã quyết định kiểm tra 100% hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam. Hoa Kỳ áp dụng yêu cầu đăng ký nhãn mác, áp dụng tiêu chuẩn AS 8000 quy định chặt chẽ đối với điều kiện sản xuất, chất lượng lao động…
Đó là chưa kể đến một thực tế là số lượng các vụ kiện đối với hàng hoá Việt Nam đang ngày càng tăng lên, chủ yếu liên quan đến phá giá. Nếu như năm 1994 đến 2001, chỉ có khoảng từ 1 đến 2 vụ kiện hàng năm với số lượng kim ngạch nhỏ thì đến năm 2002 đã có tới 5 vụ kiện liên quan đến ngành nhạy cảm như các vụ kiện của EU, Canađa đối với bật lửa của Việt Nam; vụ kiện của Hoa Kỳ đối với doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá basa, cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Phản ứng của Canađa đối với nghi vấn Việt Nam bán phá giá đế giày, Hoa Kỳ đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam… Nhìn chung, các vụ kiện này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hàng hoá của ta, nhất là vụ kiện tôm của Hoa Kỳ và quy định mới đây của Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu các nhà nhập khẩu tôm từ các nước bị kiện bán phá giá phải ký quỹ (bond) (từ tháng 03/2005).
Đến nay, Bộ Thương mại đã xây dựng cơ chế theo dõi về tình hình xuất khẩu nhưng tính chuyên trách chưa cao và sự gắn bó giữa doanh nghiệp và các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Vì thế, trước tình huống các mặt hàng xuất khẩu gặp khó khăn, cả các cơ quan quản lý chức năng và doanh nghiệp nước ta tỏ ra hết sức lúng túng về phương pháp giải quyết, thậm chí khi sự việc đã
trở thành một vụ kiện thì đã quá muộn để có giải pháp tốt hơn mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của cả hai bên.
- Sau thời kỳ thắt chặt tiền tệ do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực, từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng quản lý ngoại hối và thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái tự do hoá hơn. Cơ chế quản lý ngoại hối và chính sách tỷ giá được điều chỉnh theo hướng tự do hoá mạnh mẽ hơn đã tác động rất tích cực tới việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam thời kỳ này. Ngày 17/1/2001, Nghị định 05/2001/NĐ-CP được ban hành để sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 63/1998 - NĐ-CP ngày 17/8/1998 về quản lý ngoại hối. Điểm đổi mới cơ bản so với giai đoạn trước đây là quy định: mọi đối tượng, tổ chức kinh tế, chi nhánh công ty, nhà thầu nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài được mua ngoại tệ cho các giao dịch vãng lai. Cuối năm 2002, thuế đánh vào lợi nhuận bằng ngoại tệ chuyển về nước của các doanh nghiệp FDI đã được bãi bỏ, phù hợp với những nỗ lực hài hoà đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ kết hối cũng được giảm dần, xuống còn 50% vào tháng 8/1999, 40% vào năm 2001, còn 30% vào năm 2002. Ngày 02/4/2003, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 46/2003/QĐ-TTg, theo đó doanh nghiệp và các tổ chức được quyền định đoạt toàn bộ số ngoại tệ thu được (giữ trên tài khoản, bán một phần hay toàn bộ cho ngân hàng), không bắt buộc bán cho ngân hàng thương mại…
Để thị trường tiền tệ được vận động tự do hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 679/2002/QĐ-NHNN cho phép các ngân hàng được mở rộng biên độ dao động tỷ giá hối đoái hơn: tỷ giá giao ngay đối với đô la Mỹ của các định chế tài chính được dao động trong biên độ 0,25% so với tỷ giá liên ngân hàng của NHNN thay vì chỉ là 0,1% như trước. Quyết định 648/2004/QĐ-NHNN ngày 28/5/2004 đã sửa đổi và bổ sung Quyết định 679 đối với tỷ giá giao sau, theo đó các ngân hàng thương mại
được tự do thoả thuận với khách hàng về tỷ giá hối đoái mà không vượt quá một giới hạn được tính theo công thức cụ thể.
Công văn 78/NHNN-QLNH ngày 21/1/2003 cũng cho phép các định chế tài chính có giao dịch bằng ngoại tệ được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Quyết định 293/2004/QĐ-NHNN ngày 22/3/2004 cũng cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng liên doanh tự quyết định việc mở tài khoản tiền gửi ở các định chế tín dụng nước ngoài với điều kiện việc mở và hoạt động các tài khoản này phù hợp với các quy định về kiểm soát ngoại hối và các quy định khác của Việt Nam…
Tóm lại, với việc đổi mới cơ chế quản lý ngoại hối cho phép các doanh nghiệp được tự chủ định đoạt số ngoại hối mà doanh nghiệp có được cùng với việc áp dụng tỷ giá hối đoái thị trường có điều chỉnh đã có tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.