Các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và thưởng xuất khẩu

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 35)

- Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt thời gian qua. Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2002 và hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia đã được hình thành giúp việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn thời kỳ trước đó.

Thi hành Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002; sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số Hiệp hội ngành hàng và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5109/VPCP-KTTH ngày 16/9/2002 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính đã đưa ra Thông tư quy định về cơ chế chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nhằm tăng cường khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu. Trên cơ sở đó, hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách tính trên kim ngạch xuất khẩu để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu theo các chương trình trọng điểm quốc gia. Thông tư này áp dụng cho các hoạt động xúc tiến thương mại từ năm 2002 đến năm 2005 và thay thế Thông tư số 61/2001/TT-BTC ngày 01/8/2001 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chi hỗ trợ cho các hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mục tiêu: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; nâng cao hiểu biết và kỹ năng tiếp thị xuất khẩu; đa dạng hoá mặt hàng, cải thiện cơ cấu hàng hoá và thâm nhập mở rộng thị trường xuất khẩu; tuyên truyền cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện các chương trình XTTM trọng điểm quốc gia vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, chưa phát huy được tác dụng khuyến khích xuất khẩu. Thứ nhất, chưa thiết kế và thực thi được các chương trình trọng điểm, chuyên sâu, có chất lượng và có thể phát huy hiệu quả cao đối với việc phát triển thị trường và mặt hàng xuất khẩu mà mới chỉ

dừng lại ở các hình thức đơn điệu như hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường… Thứ hai, việc triển khai thực hiện các đề án XTXK trọng điểm còn chậm: một số đề án lớn như xây dựng trung tâm thương mại tại Hoa Kỳ, Nga, Đubai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép từ năm 2001 nhưng tới năm 2004 vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai. Thứ ba, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Thương mại, Bộ Tài chính về vấn đề tài trợ cho các chương trình XTTM cụ thể nên việc thực thi chương trình gặp khó khăn, chậm trễ…

- Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường và mặt hàng xuất khẩu, Chính phủ đã cho phép thành lập một Quỹ thưởng xuất khẩu theo Quyết định số 764/QĐ-TTg ngày 24/8/1998, đồng thời, việc ban hành Quỹ này đã đem lại cho các nhà xuất khẩu lòng tin trong việc thăm dò và thâm nhập những thị trường mới cũng như phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới. Ngoài ra, Quỹ này còn cho phép các nhà xuất khẩu đưa ra cho khách hàng những điều khoản thanh toán thuận lợi hơn.

Quy chế xét thưởng xuất khẩu ban hành kèm theo quyết định số 02/2002/QĐ-BTM ngày 02/01/2002 và Quyết định số 63/2002/QĐ-BTC ngày 21/5/2002 của Bộ Tài Chính về thưởng theo kim ngạch xuất khẩu năm 2002 cho các mặt hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chế độ thưởng theo kim ngạch xuất khẩu, sau khi đi vào thực hiện đã liên tục được hoàn thiện qua các năm để phát huy hơn nữa tác dụng đối với xuất khẩu. Tuy nhiên, thưởng xuất khẩu trước hết không phù hợp với quy định của WTO, thứ hai, số tiền thưởng xuất khẩu quá khiêm tốn, mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, thứ ba, việc xét thưởng xuất khẩu còn chưa rõ ràng, minh bạch, thiếu dân chủ và bình đẳng…

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)