Vấn đề chống độc quyền

Một phần của tài liệu Điều chỉnh chính sách thương mại của Trung Quốc trước và sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) (Trang 55)

Chống độc quyền là vấn đề rất quan trọng nhằm thực hiện thương mại công bằng trên cơ sở cạnh trạnh lành mạnh. Ngay từ đầu thập kỷ 1980, Trung Quốc đã có các chính sách nhằm hạn chế độc quyền, nhưng phạm vi vẫn còn hạn hẹp. Trong những năm gần đây, xu hướng độc quyền còn có xu hướng gia tăng với những biểu hiện mới như độc quyền dưới hình thức cactel giá; những hạn chế gây cản trở cạnh tranh (buộc phải mua hàng trong một phạm vi ràng buộc) độc quyền nhờ các mối quan hệ hành chính (lạm dụng quyền lực hành chính để hạn chế cạnh tranh của chính phủ và các cơ quan công quyền dẫn đến các hình thức độc quyền ngành và độc quyền địa phương; liên kết sát nhập ép buộc các doanh nghiệp… Tình trạng này theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc là do Trung Quốc chưa có một hệ thống hoàn chỉnh và chuyên biệt về luật chống độc quyền; tính phi hiệu quả của các chế tài áp dụng đối với rào cản hành chính đối với cạnh tranh; tính phi hiệu quả của các cơ quan chống độc quyền. Tình trạng độc quyền gây cản trở cho cạnh tranh nâng cao hiệu quả của hoạt động doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Vì vậy cần đẩy mạnh chống độc quyền mà trọng tâm là phá vỡ độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước.

Trung Quốc đã tiến hành soạn thảo Luật chống độc quyền gồm 8 chương và 58 điều. Luật này sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, mặt khác sẽ hạn chế quyền lực độc quyền của các công ty xuyên quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tranh cãi trong nội bộ Trung Quốc về nội dung luật này, trong khi ông Lý Bằng, nguyên Chủ tịch Quốc vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố “Chúng tôi sẽ ban hành một luật Chống độc quyền không chỉ phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước mà còn tuân theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của WTO”.

Một phần của tài liệu Điều chỉnh chính sách thương mại của Trung Quốc trước và sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) (Trang 55)