Trung Quốc cho rằng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường sức mạnh của nền kinh tế phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế. Sau khi gia nhập WTO Trung Quốc vẫn tiếp tục 2 hướng chủ yếu là cải cách doanh nghiệp Nhà nước và phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp dân doanh. Hướng cải cách doanh nghiệp của Trung Quốc là làm thế nào để các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào hệ thống kinh doanh toàn cầu, đó là hệ thống các công ty xuyên quốc gia.
Đối với cải cách doanh nghiệp Nhà nước, Trung Quốc thực hiện một số biện pháp cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo hướng giảm và tiến tới xoá bỏ độc quyền truyền thống và độc quyền tự nhiên đối với một số ngành truyền thống như viễn thông, năng lượng, đường sắt, bưu điện, cung cấp nước và truyền thông; cải cách hệ thống quyền sở hữu tài sản và quản lý công ty, trọng tâm chính là đa dạng hoá hình thức sở hữu doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp lớn; cải cách hệ
thống giám sát tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo luật định; điều chỉnh quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước…
Chính phủ Trung Quốc tạo nhiều thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, khuyến khích họ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành độc quyền như hàng không, kinh doanh xăng dầu, ngân hàng, bảo hiểm, các ngành dịch vụ công cộng. Cải cách các doanh nghiệp ngân hàng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng cũng là một ưu tiên lớn của Trung Quốc. Để thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, Trung Quốc thực hiện chính sách phát triển xí nghiệp hưng chấn, tập trung vào một số hướng như phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí nhỏ…
Cải cách cơ cấu đóng một vai trò tối cần thiết đối với việc tăng lợi ích từ việc gia nhập WTO, trong đó có mở rộng xuất khẩu, do: (i) nếu các nước đang phát triển không cải cách để các doanh nghiệp trong nước đón bắt được cơ hội mà thị trường thế giới mang lại, thì việc gia nhập WTO chỉ có tác động rất nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, trong khi phần lớn lợi ích lại thuộc về các đối tác thương mại của nước đó. Nguyên nhân là việc mở cửa một cách thụ động chỉ làm nổi trội hơn lợi thế so sánh của các nước đang phát triển trong các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu và nhân công rẻ; (ii) tác động của việc cắt giảm thuế quan, như đã đề cập, là tương đối nhỏ so với việc thay đổi thể chế (liên quan tới cải cách và tự do hoá); và (iii) cải cách và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và thương mại nói riêng và nên được thực hiện một cách sâu rộng trước và đồng thời với quá trình tự do hoá thương mại. Tại Trung Quốc, khu vực tư nhân được hỗ trợ phát triển một cách năng động được coi là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nói chung và thương mại nói riêng.