Mục đích của việc gia nhập WTO mà các nước kỳ vọng là tận dụng cơ hội của toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại để tối đa hoá lợi ích, giảm thiẻu rủi ro nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Để đạt được mục tiêu tối thượng đó, nhiệm vụ trọng tâm là phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng. Điều lo ngại nhất của các nước khi gia nhập là việc cắt giảm thuế quan, trợ cấp và mở cửa thị trường dịch vụ sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh đối với sản xuất trong nước, làm đổ vỡ các ngành kinh tế trước đây được bảo hộ, trợ cấp. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh như vậy, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp non trẻ, các ngành hiện tại đang có sức cạnh tranh yếu như thế nào không điều kiện giảm bảo hộ, bỏ trợ cấp WTO cấm. Chúng ta phải nghiên cứu để chuyển sang hệ thống trợ cáp WTO cho phép. Việt Nam gia nhập WTO trong điều kiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu kém so với các nước trong khu vực xét trên các nhóm tiêu chí thể chế, công nghệ, lao động, tài chính, môi trường kinh doanh… Hiện tại, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội mở cửa hội nhập để phát triển các ngành dựa vào lợi thế về lao động rẻ và sự sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, vốn là những ngành có trình độ công nghệ thấp hoặc trung bình, mang lại giá trị gia tăng thấp. Hay nói cách khác, khi gia nhập WTO, các ngành kinh tế Việt Nam mới tham gia được vào các khâu tạo ra giá trị ít nhất trong
chuỗi giá trị toàn cầu. Những ngành chịu áp lực lớn trong những năm đầu gia nhập là chăn nuôi, điện tử, ô tô, tân dược, cơ khí, hệ thống phân phối, ngân hàng… Chính vì vậy, để hội nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: cấp Nhà nước (Chính phủ), cấp ngành hàng và cấp doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp non trẻ như các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã làm trước đây là Nhà nước sử dụng chính sách bảo hộ để trợ cấp phát triển các ngành này. Kinh nghiệm thành công của các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cho thấy phải tận dụng cơ hội gia nhập WTO, toàn cầu hoá để phát triển các ngành công nghiệp non trẻ. Dưới đây là một số biện pháp chủ yếu:
- Hoàn thiện khung khổ pháp luật nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch dễ dự báo, theo yêu cầu của WTO. Việt Nam được Ban công tác WTO đánh giá cao quyết tâm của Quốc hội vì Chính phủ đã sửa 25 luật và pháp lệnh trong chương trình xây dựng pháp luật trước khi gia nhập. Nên Việt Nam không bị áp dụng cơ chế giám sát như Trung Quốc. Tuy vậy, ta còn phải sửa 4 luật như đã nêu trên. Ngoài ra để tiến hành cải cách hành chính đổi mới nền kinh tế chúng ta phải rà soát tất cả các văn bản dưới luật của các Bộ ngành và các địa phương để đảm bảo pháp luật thực thi đồng bộ, thống nhất trên cả nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những biện pháp được các nước kỳ vọng nhất khi gia nhập WTO để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hầu hết các nước mới gia nhập đều thiếu vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Thu hút đầu tư nước ngoài được xem là biện pháp quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp. Kinh nghiệm thành công của Trung Quốc, Thái Lan cho thấy điều này. Tuy nhiên vấn đề đặt ra không phải tăng vốn đầu tư đơn thuần mà công nghệ, kinh nghiệm quản lý phải được chuyển giao đến các doanh nghiệp trong nước như một số nước, mà điển hình là Trung Quốc đã làm. Nếu tăng FDI mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng ngoài hệ thống kinh doanh toàn cầu (các TNC) thì lợi ích có được từ việc thu hút FDI rất hạn chế và về thực chất là nền kinh tế chưa hội nhập đầy đủ. Từ trước đến nay chúng ta thu hút FDI bằng các biện pháp khuyến khích, ưu đãi và dòng FDI chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế về lao động rẻ. Kinh nghiệm các nước cho thấy lợi ích thu được từ việc thu hút FDI theo cách như vậy rất hạn chế đối với nước nhận đầu tư. Vấn đề đặt ra là cải thiện môi trường
kinh doanh, tạo dựng thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI, cải cách doanh nghiệp trong nước theo hướng thích nghi với cạnh trạnh và hợp tác.
- Sử dụng hợp lý các biện pháp trợ cấp để phát triển các ngành kinh tế. Sử dụng hợp lý nguồn ngân sách để hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế sau khi gia nhập WTO có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, trợ cấp phải phù hợp với quy định của WTO. Nhiều ngành kinh tế của nước ta đang rất cần sự hỗ trợ này, mặt khác phải khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, không giám sát chặt chẽ, không theo hướng ưu tiên. Không đầu tư vào sản phẩm không có năng lực cạnh tranh, không có thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, sử dụng các biện pháp trợ cấp tạo tâm lý ỷ lại ở các doanh nghiệp.
- Cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu khả năng cạnh tranh của các ngành khác nhau theo mức giá thế giới (xét theo tiêu chí giá trị gia tăng). Trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh. Hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các dự án đầu tư, nhất là đầu tư vào những ngành không hiệu quả (tốn kém nhiều nguồn lực hơn để sản xuất ra một sản phẩm cụ thể so với chi phí nhập khẩu sản phẩm tương tự). Đánh giá lại các ngành hiện nay đang sản xuất với chi phí cao hơn giá thế giới và đặt ra những vấn đề về tái cơ cấu, trước hết cần rà soát lại các ngành tập trung nhiều vốn. Tập trung phát triển những ngành hàng, mặt hàng trong nước có sẵn nguyên liệu lâu nay không hoặc ít đầu tư trong khi nhu cầu trong nước rất lớn như clinker, đỗ tương, ngô…
- Đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng nâng cao tính chủ động, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Kinh nghiệm cải cách kinh tế ở các nước trước đây có nền kinh tế tập trung cho thấy khó khăn lớn nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là đưa các doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào hệ thống kinh doanh toàn cầu. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường cải cách, đổi mới một cách toàn diện các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng nâng cao tính tự chủ, hiệu quả, và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước. Các giải pháp lớn là cổ phần hoá, sáp nhập, bán, cho thuê.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một trong nhân tố có tính quyết định đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là chất lượng của nguồn nhân lực. Chính sách phát triển nguồn nhân lực phải hướng tới hai mục đích. Một là, tạo ra đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao để tiếp cận với nền công nghệ hiện đại. Hai là, để
thực hiện mục tiêu của công nghiệp hoa là chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu lao động từ lao động nông nghiệp năng suất thấp sang làm công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là hướng tất yếu, mang tính quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng.
- Phát triển cơ sở hạ tầng. Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện tiên quyết để hội nhập thành công. Cơ sở hạ tầng tốt mới tận dụng được cơ hội của toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng sẽ hạn chế thu hút đầu tư,làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả là làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ dẫn đến sự phát triển kinh tế không bền vững. Chính vì vậy, một trong những ưu tiên sau khi gia nhập WTO là thu hút đầu tư trong và ngoài nước để cải thiện cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ: Giao thông, cung cấp điện, bến cảng, kho tàng, văn phòng… Dự báo, trong những năm đầu gia nhập WTO, một tỷ trọng lớn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
- Cải cách hành chính. Kinh nghiệm hội nhập của Trung Quốc cho thấy, bộ máy hành chính quan liêu, kém hiệu quả là rào cản đối với phát triển kinh tế: trong thu hút đầu tư, viện trợ quốc tế, phát triển doanh nghiệp, mở cửa thị trường dịch vụ, năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, cải cách hành chính phải là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu sau khi gia nhập.
- Củng cố các hiệp hội ngành hàng đủ mạnh để liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau, cùng nhau phát triển chiến lược mở rộng thị trường và bảo vệ thị trường trong nước.