Thứ nhất, về mặt giảm thuế: theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất phát từ tình hình mức thuế quan của Trung Quốc quá cao, và do nhu cầu của Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc đã quyết định từng bước hạ mức thuế trong vòng vài năm xuống mức trung bình.
Để xây dựng một khuôn khổ cơ bản về các chính sách thuế quan, ngày 22/01/1987, Quốc vụ viện đã phê chuẩn Luật Hải quan của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngoài ra, Nghị định về thuế xuất nhập khẩu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 07/03/1985 và được sửa đổi vào năm 1987 và năm 1992. Bên cạnh đó, trong thập niên 80 và 90, Hội đồng Nhà nước tiếp tục ban hành và sửa đổi các quy định về thuế xuất nhập khẩu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Các Luật và văn bản dưới luật này tạo nên hệ thống thuế quan của Trung Quốc.
Ngày 01 tháng 01 năm 1992, Trung Quốc đã giảm thuế của 225 mặt hàng, thuế tính bình quân giảm tới 42,5%; giảm thuế nhập khẩu của 71 hạng mục thuế, làm giảm thuế tính bình quân tới 39,3%. Ngày 31 tháng 12 năm 1993, giảm thuế của 2.898 hạng
mục thuế quan, khiến hàng hóa tính thuế bình quân giảm tới 36,4%. Năm 1994, 1995 lại giảm nhẹ mức thuế quan, làm cho thuế quan tính bình quân giảm xuống còn 35,6%. Ngày 01 tháng 4 năm 1996, Trung Quốc giảm thuế của 4.900 hạng mục thuế, biên độ giảm là 35%, mức thuế bình quân giảm xuống 23%. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành thu thống nhất theo mức thuế quan đối với thiết bị nhập khẩu và nguyên vật liệu. Ngày 01 tháng 10 năm 1997, mức thuế quan hạ xuống còn 17%. Từ năm 1992, tổng mức hạ thuế của Trung Quốc là 60,65%. Đồng thời với việc hạ tỷ lệ thuế quan, nhà nước Trung Quốc quyết định giảm bớt thuế xuất nhập khẩu, điều chỉnh và bảo lưu một phần quy định miễn giảm thuế nhập khẩu dựa trên thông lệ quốc tế và tình hình thực tế của Trung Quốc. Từ ngày 01 tháng 4 năm 1996, Trung Quốc trưng thu thuế nhập khẩu với các thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu dựa trên quy định chung của Nhà nước về các khâu thuế xuất nhập khẩu. Chính sách này ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vật tư và hàng hóa vào Trung Quốc. Do đó, từ năm 1998, Trung Quốc lại một lần nữa thực hiện chính sách ưu đãi thuế quan đối với nhập khẩu thiết bị. Đối với những thiết bị nhập khẩu cho các hạng mục trong và ngoài nước để phục vụ cho các doanh nghiệp thuộc diện khuyến khích phát triển thì được miễn thuế quan và miễn các khâu thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy sự điều chỉnh kết cấu ngành nghề và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Bảng 2.1: Thuế quan bình quân đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc giai đoạn 1985-2001
Năm Mức thuế quan bình quân (%)
1985 43,3 1988 43,7 1991 44,1 1992 43,2 1993 39,9 1994 35,9 1996 23,0 1997 17,0 2000 16,4 2001 15,3
Sau khi gia nhập 9,8
Nguồn:Yin Xiangshuo: Tiến trình và kết quả của cải cách ngoại thương Trung Quốc, tr.94-95; Long Vĩnh Đồ: Gia nhập WTO: hội nhập vào trào lưu quốc tế, 2000, tr.3.
Từ khi bắt đầu mở cửa, sự lựa chọn các chính sách về thuế quan của Trung Quốc chủ yếu dựa trên các nguyên tắc sau:
Đối với các loại động thực vật, phân bón, quặng thương phẩm, thuốc, các dụng cụ tinh xảo, dụng cụ máy móc thiết yếu và thực phẩm cấn thiết cho xây dựng và đời sống nhân dân và không sản xuất được ở Trung Quốc hoặc Trung Quốc cung cấp được rất ít thì thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng không.
Thuế nhập khẩu các nguyên liệu thô sẽ thấp hơn so với thuế nhập khẩu các sản phẩm thành phẩm hoặc bán thành phẩm. Đối với các nguyên liệu lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và không thể tăng năng suất nhanh thì chậm chí thuế suất còn thấp hơn.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, thuế suất áp dụng đối với thiết bị, dụng cụ, và linh kiện máy móc sẽ thấp hơn so với thuế suất áp dụng đối với máy hoàn chỉnh.
Mức thuế nhập khẩu đối với những sản phẩm có thể sản xuất được trong nước và hàng hóa xa xỉ phẩm sẽ tương đối cao hơn.
Mức thuế nhập khẩu đối với những sản phẩm có thể sản xuất được trong nước và vẫn cần được bảo hộ sẽ cao hơn nhiều.
Nhằm khuyến khích xuất khẩu, hầu hết các hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số nguyên liệu thô quý hiếm và các sản phẩm bán thành phẩm có khả năng cạnh tranh kém trên thị trường quốc tế.
Từ khi tiến hành đàm phán gia nhập WTO, việc cắt giảm thuế quan của Trung Quốc đã được thực hiện một cách nhất quán và liên tục, vừa làm cho hệ thống thuế quan phù hợp với chuẩn mực chung của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, vừa nhằm mục tiêu giảm thuế suất bình quân đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập WTO. Lịch trình cắt giảm thuế quan của Trung Quốc từ năm 1992 đến thời điểm trở thành thành viên WTO (2001) như sau:
1/1/1992: Giảm 225 dòng thuế, chiếm 4,4% tổng số.
1/4/1992: Loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 18 nhóm sản phẩm với 168 dòng thuế thuế suất nhập khẩu giảm trong phạm vi từ 28,6 đến 68%. Hai nhóm sản phẩm còn lại là ô tô mui kín và máy quay phim, thuế cơ bản đã tăng trong khi thuế theo luật được loại bỏ, nhưng mức thuế nhập khẩu vẫn giảm nhẹ.
1/1/1993: Giảm 3.371 dòng thuế, chiếm 53,6% trong tổng số làm giảm mức thuế quan bình quân 7,3%.
1/1/1994: Giảm 2.898 dòng thuế.
1/4/1995: Giảm 19 dòng thuế đối với rượu vang, rượu và thuốc lá từ 120% - 150% xuống còn 80%.
1/4/1996: Giảm 4.971 dòng thuế, chiếm 73,5% tổng số, tỷ lệ thuế quan bình quân giảm còn 17%.
1/1/1999: Giảm từ 1.014 dòng thuế trong ngành dệt, đồ chơi và lâm sản từ 0,2 đến 11 điểm phần trăm.
1/1/2000: Giảm 819 dòng thuế đối với các sản phẩm dệt trong phạm vi từ 0,6 – 2 điểm phần trăm. Giảm 202 dòng thuế đối với các hàng hoá chất, máy móc và các sản phẩm khác (thuế linh kiện chế tạo máy tính cá nhân giảm từ 15% còn 6%, thuế đánh vào bộ phận ghi dữ liệu giảm từ 18% còn 1%.
1/1/2001: Cắt giảm 3.462 dòng thuế, chiếm 49% tổng số.
Với một lộ trình cắt giảm thuế quan như trên, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã liên tục giảm xuống và tới thời điểm trở thành thành viên WTO, mức thuế này chỉ còn bằng 1/3 so với thời điểm khi Trung Quốc bắt đầu đàm phán gia nhập.
Về mức thuế quan trung bình thì mức thuế danh nghĩa tiếp tục giảm xuống trong suốt hai thập kỷ qua, đặc biệt là từ đầu những năm 90. Nhìn những số liệu trong bảng 2.2, chúng ta có thể thấy rằng thuế quan danh nghĩa giảm từ 42,5% (đầu những năm 90) xuống còn 15,2% (năm 2001).
Bảng 2.2: Mức thuế quan trung bình ở Trung Quốc từ 1992-2001
Đơn vị:%
Năm 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001
Mức thuế quan
trung bình 42,5 39,9 36,4 35,9 23,0 17,0 16,7 16,5 16,4 15,2
Nguồn: MOFTEC (Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế).
Trong thời kỳ 1992-2001, mức thuế quan trung bình của Trung Quốc cũng đã liên tục giảm và giảm mạnh sau năm 1994, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế tạo.
Số liệu của Bảng 2.3 cho thấy mức thuế quan trung bình ở Trung Quốc đối với tất cả các sản phẩm đã giảm từ mức 49,2% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 40,6% (nếu tính theo tỷ trọng) năm 1992 xuống còn 16,6% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 12% (nếu tính theo tỷ trọng). Trong đó, mức thuế quan trung bình của sản phẩm thô đã giảm từ mức 36,2% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 22,3% (nếu tính theo tỷ trọng)
xuống còn 21,6% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 17,7% (nếu tính theo tỷ trọng) và của sản phẩm chế tạo đã giảm từ mức 44,9% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 46,5% (nếu tính theo tỷ trọng) xuống còn 16,2% (nếu không tính theo tỷ trọng) hay 13,0% (nếu tính theo tỷ trọng). Hơn thế nữa, gần ¾ nhập khẩu của Trung Quốc có mức thuế quan bằng không hoặc gần bằng không1. Tuy mức thuế quan trung bình của Trung Quốc vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình khoảng 6% của các nước thành viên WTO (khoảng 10% ở các nước đang phát triển và khoảng 3% ở các nước công nghiệp phát triển)2 nhưng lại thuộc loại thấp nhất trong số các nước đang phát triển, tương đương với Mexico và Brazil. Hơn thế nữa, thuế quan thực tế ở Trung Quốc còn thấp hơn thuế quan ở các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, có một điểm đáng lưu ý là phạm vi chịu thuế quan của hàng nhập khẩu Trung Quốc không lớn. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, vào năm 2000, 60% lượng hàng nhập khẩu của nước này được miễn thuế. Trong đó, 41% được sử dụng ở khu chế xuất; 13% là hàng hóa tư bản và 6% thuộc những khoản mục đặc biệt như vật liệu cho các viện nghiên cứu chẳng hạn.
Bảng 2.3: Những thay đổi của tỷ lệ thuế quan trung bình theo luật định ở Trung Quốc từ năm 1992-2001 (%)
Năm Tất cả các sản phẩm Sản phẩm thô Sản phẩm chế tạo
Không theo tỷ trọng Theo tỷ trọng Không theo tỷ trọng Theo tỷ trọng Không theo tỷ trọng Theo tỷ trọng 1992 49,2 40,6 36,2 22,3 44,9 46,5 1993 39,9 38,4 33,3 20,9 41,8 44,0 1994 36,3 35,5 32,1 19,6 37,6 40,6 1996 23,6 22,6 25,4 20,0 23,1 23,2 1997 17,6 18,2 17,9 20,0 17,5 17,8 1998 17,5 18,7 17,9 20,0 17,4 18,5 1999 17,2 14,2 21,8 21,8 16,8 13,4 2000 17,0 14,1 22,4 19,5 16,6 13,3 2001 16,6 12,0 21,6 17,7 16,2 13,0 Nguồn: http://www.worldbank.org
Hơn thế nữa, nếu như trước kia lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hoàn toàn bị kiểm soát bởi 10-16 công ty kinh doanh nhà nước thì hiện nay đã có tới hơn 200.000 nhà kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp. Kết quả của quá trình cải cách ngoại thương là ngành xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ mức 13% GDP năm 1980 lên đến 44% năm 1999.
1 Deepak Bhattasali and Masahiro Kawai, Implications of China’s Accession to the World Trade Organization. The Paper on The International Conference “Japan and China – Cooperation, Competition and Conflict”, sponsored by the German Institute for Japanese Studies and The Fujisu Research Institute and held in Tokyo on January 18-19, 2001. P..2.
Như vậy, những phân tích trên cho thấy, trước khi gia nhập WTO, các ngành kinh tế của Trung Quốc đã được tự do hóa khá mạnh, đặc biệt là trong việc giảm thuế quan cũng như giảm mức độ độc quyền của nhà nước trong ngoại thương. Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng cao của Trung Quốc đối với việc gia nhập WTO.